Liên kết để phát triển
Đây là hoạt động trong chuỗi chương trình nhằm hiện thực hoá “Thoả thuận hợp tác kết nối kinh tế cao tốc phía Đông” với 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, nâng cao tốc độ tăng trưởng, phát triển kinh tế và hình thành cực tăng trưởng trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Việc liên kết kinh tế sẽ mở rộng không gian phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu. Các địa phương khi liên kết có đầy đủ tiềm năng, điều kiện để tạo thành một khu vực kinh tế phát triển năng động như cảng biển lớn quốc tế (tại Hải Phòng), cửa khẩu trên bộ và trên biển với thị trường lớn nhất thế giới Trung Quốc (tại Quảng Ninh), sân bay quốc tế (ở Hải Phòng, Quảng Ninh), nguồn nhân lực còn dồi dào (tại Hải Dương và Hưng Yên) cùng không gian phát triển kinh tế còn rộng lớn và nhiều tiềm năng (như Hải Dương và Hưng Yên). Các địa phương trên được đánh giá là hạt nhân của Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc.
Ngành công nghiệp - xây dựng là trụ cột tăng trưởng của vùng, thu hút được các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) quy mô lớn trong lĩnh vực điện, điện tử, điện thoại di động, lắp ráp ô tô; bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ tại Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng.
Tính đến tháng 7/2023, trên địa bàn các tỉnh, thành trên trục cao tốc phía Đông có 87 KKT và KCN; Hải Dương có 24 KCN diện tích khoảng 4.508 ha. Hải Phòng 1 khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải và 25 KCN với diện tích 12.702 ha. Quảng Ninh 5 KKT (gồm 3 KKT cửa khẩu, 2 KKT ven biển) và 16 KCN, với tổng diện tích khoảng 388.671 ha. Hưng Yên có 17 KCN có diện tích là 4.395,43 ha. Hiện các tỉnh thành này đang sử dụng khoảng 102.014 người lao động (trong đó, có 100.914 lao động trong nước và 1.100 lao động nước ngoài) với mức thu nhập trung bình trên 7 triệu đồng/tháng/người.
Phát huy thế mạnh của liên kết vùng
Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Phạm Tấn Công phát biểu tại Hội nghị: “Cách đây 5 tháng, tại Hưng Yên, lãnh đạo 4 địa phương và VCCI đã họp bàn triển khai nội dung thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía đông. Vì vậy, diễn đàn “Liên kết phát triển khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông” là một hoạt động tiếp nối tiếp theo. Đại hội XIII của Đảng đề ra mục tiêu đến năm 2045 nước ta trở thành quốc gia phát triển thu nhập cao, muốn thực hiện mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện thành công công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước. Nên phát triển các KCN là bước đi không thể thiếu. Thực tế thì các quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển luôn coi khu công nghiệp là mô hình hiệu quả để phát triển công nghiệp và thu hút đầu tư”.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại như tỷ lệ lấp đầy của nhiều KCN còn thấp, khả năng cung cấp dịch vụ công nghiệp, hạ tầng kỹ thuật của vài KCN còn hạn chế. Phần lớn các KCN đều khó khăn trong việc thu hút các nhà đầu tư phát triển tầm cỡ, chuyên nghiệp, thiếu chủ động trong việc thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Liên kết vùng về chuỗi giá trị còn khá thấp, vùng nguyên liệu chưa có quy mô lớn.
Đặc biệt, khả năng đáp ứng về kết cấu hạ tầng xã hội các công trình thiết chế phục vụ cho KCN, CCN như nhà ở công nhân, trường học, bênh viện và trung tâm nghiên cứu chưa được đầu tư đồng bộ, hầu hết đang sử dụng hạ tầng xã hội các khu dân cư và đô thị xung quanh.
Ông Nguyễn Văn Tùng – Chủ tịch UBND TP Hải Phòng cho biết: “Nằm trong tiểu vùng kinh tế trục cao tốc phía Đông, 4 địa phương đều có vị trí địa lý thuận lợi, để phát triển kinh tế. Những năm qua, 4 địa phương đều có nhiều thành công trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế, qua đó trở thành một vùng tăng trưởng kinh tế quan trọng của cả nước. Đối với TP Hải Phòng, xác định là một cực tăng trưởng của tam giác kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; có nhiều lợi thế trong liên kết, phát triển kinh tế vùng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) giai đoạn 2021 - 2022 đạt bình quân gần 13%/năm, gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng của cả nước. 6 tháng đầu năm 2023 tốc độ tăng trưởng GRDP đạt gần 10%. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được xếp thứ 3 và Chỉ số cải cách hành chính xếp thứ 2 trong cả nước”.
Hiện nay Hải Phòng có KKT Đình Vũ – Cát Hải, với hơn 22.500 ha và 14 Khu công nghiệp với trên 6.000 ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt trên 60% thu hút đầu tư được 38 tỷ Đô La Mỹ, trong đó chủ yếu là các DN đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Vingrup.
“Tôi hi vọng tại diễn đàn ngày hôm nay sẽ giúp khắc phục những khó khăn cục bộ; liên kết các thế mạnh của từng địa phương; khắc phục tình trạng biệt lập trong hoạch định và thực thi chính sách của các địa phương; đẩy mạnh kết nối hạ tầng giao thông vùng và liên vùng; chia sẻ kinh nghiệm tốt trong quản lý nhà nước, nhất là trong việc phát triển và kết nối hạ tầng các khu công nghiệp; giải quyết những bất cập về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên môi trường và các vấn đề xã hội giữa các địa phương”. Ông Tùng cho biết thêm.