Hai trẻ nhỏ phải cấp cứu vì ngộ độc thuốc diệt chuột

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) Nhi T.Ư, BV vừa tiếp nhận cấp cứu trường hợp 2 trẻ trong cùng một gia đình bị ngộ độc thuốc chuột. Đó là trường hợp 2 chị em Nguyễn N.A., 7 tuổi và Nguyễn M.H., 6 tuổi, ở Thái Bình.

Trước đó, chiều 15/8, bố mẹ đi vắng để hai chị em tự chơi với nhau ở nhà. Trong lúc chơi đùa, đứa lớn trèo lên mái bếp thấy có 2 ống bằng thỏi bút bi, tưởng là kẹo, N.A. cắt ống chia cho em một tuýp để uống. Gần 30 phút sau, người nhà về thấy hai cháu nằm trên giường trong trạng thái li bì, có một bãi nôn trớ to giữa nhà. Gia đình kiểm tra gác mái thấy 2 tuýp thuốc diệt chuột đã biến mất. Biết là con đã ngộ độc thuốc diệt chuột, gia đình vội vã đưa 2 trẻ vào BV cấp cứu.
 
Tại BV Nhi T.Ư, các bệnh nhi được cấp cứu, điều trị triệu chứng và làm các xét nghiệm độc chất để chẩn đoán và điều trị các biến chứng. Sau 2 ngày điều trị và chăm sóc đặc biệt, sức khỏe của 2 bệnh nhi đã ổn định và có thể ra viện.

TS Lê Ngọc Duy – Phụ trách Trung tâm Cấp cứu và Chống độc, BV Nhi T.Ư cho biết, tai nạn ngộ độc thường xảy ra ở trẻ em dưới 6 tuổi. Trẻ ở độ tuổi này có bản năng tò mò và khám phá thế giới xung quanh, hay đưa mọi thứ vào miệng, ăn hoặc uống bất cứ thứ gì cho dù mùi vị ra sao, nhất là những gì nhìn thấy hấp dẫn hay mang màu sắc sặc sỡ có sẵn ở khắp nơi trong gia đình. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý những điểm sau để tránh những tai nạn thương tâm có thể xảy ra bất kỳ lúc nào:

Với các hóa chất trong nhà:

- Khóa cẩn thận tất cả các ngăn, hộc trong gia đình. Để các hóa chất xa tầm với của trẻ em, không để trẻ nhìn thấy.

- Không dùng các dụng cụ chứa đựng thức ăn, đồ uống để chứa đựng hóa chất. Ví dụ không dùng chai sữa hoặc sô đa để chứa đựng hóa chất để tránh nhầm lẫn.

- Không để thực phẩm và hóa chất gần nhau để tránh sử dụng nhầm. Ngay sau khi dùng xong hóa chất hãy để hóa chất trở lại vị trí bảo quản an toàn ban đầu.

- Không cho trẻ lại gần các khu vực vừa mới được phun các hóa chất.

- Vứt bỏ tất cả các hóa chất cũ hoặc quá hạn.

- Dành thời gian để dạy trẻ biết về các chất độc.

Đối với các thuốc chữa bệnh:

- Để thuốc xa tầm tay của trẻ, không cho trẻ nhìn thấy.

- Đảm bảo tất cả các thuốc được để trong các vật chứa đựng an toàn với trẻ và được ghi nhãn mác đúng

- Tránh dùng thuốc trước mặt trẻ em vì trẻ nhỏ thường bắt chước người lớn.

- Không gọi thuốc là “kẹo” vì trẻ có thể hiểu nhầm và dùng nhầm gây ngộ độc.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần