Đây là những thông tin do bà Hoàng Phương Thảo - Giám đốc Điều hành Tổ chức ActionAid Quốc tế tại Việt Nam (viết tắt là Tổ chức ActionAid) chia sẻ khi trả lời phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị về đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số.
Không tham gia hai lưới an sinh xã hội – chuyện rất đáng lo ngại
Thưa bà, lao động phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ lệ khá cao 65% và gặp nhiều thách thức trong nền kinh tế số. Tổ chức ActionAid có hỗ trợ lao động phi chính thức như thế nào trong nền kinh tế số để giúp họ sản xuất kinh doanh, kinh tế phát triển?
- Tổ chức ActionAid không chỉ tiếp cận việc làm lao động phi chính thức mà còn có các chương trình hỗ trợ khác nhau. Thứ nhất, chúng tôi tiếp cận đến quyền được lao động của họ. Không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước khác có người lao động chuyển từ chính thức sang phi chính thức ngày càng tăng. Tỷ lệ lao động phi chính thức ở Việt Nam chiếm tỷ lệ cao ở mức vừa phải, so với các nước Asean.
Tuy nhiên, chúng ta có nhiều vấn đề, thứ nhất là hầu hết người lao động phi chính thức không tham gia bảo hiểm xã hội và đây là câu chuyện dài rất đáng lo ngại đối với họ. Vì vậy, câu chuyện chăm sóc sức khỏe cho bản thân người lao động phi chính thức và gia đình họ cũng như tương lai của họ là một vấn đề mà chúng ta sẽ phải giải quyết ngay trong thời gian 5 năm hoặc 10 năm nữa. Bởi trên thực tế, nếu người lao động phi chính thức không tham gia hai lưới an sinh xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế) thì gia đình, xã hội sẽ phải gánh chịu và chắc chắn là Nhà nước không thể bỏ rơi họ được. Do vậy, vấn đề lớn nhất của lao động phi chính thức Việt Nam là họ bị bỏ rơi khỏi lưới an sinh xã hội.
Còn vấn đề nào nữa mà Tổ chức ActionAid tiếp cận quan tâm đến câu chuyện lao động phi chính thức, thưa bà?
- Đó là chúng ta có một nền kinh tế khá phát triển và đang ở trong giai đoạn dân số vàng. Tuy nhiên, lại phải đối mặt với việc dân số Việt Nam đang bị già quá nhanh, nhanh nhất khu vực Đông Nam Á và có thể gần như nhanh nhất thế giới. Tại tọa đàm “Đào tạo nghề cho lao động phi chính thức trong nền kinh tế số - Thực trạng và các cơ hội” do Báo Kinh tế & Đô thị phối hợp với Tổ chức ActionAid thực hiện, có diễn giả nói đến những nghề khá đơn giản như nấu ăn, bán hàng online, làm nail. Tuy nhiên, những nghề đó 5 – 10 năm nữa có tiếp tục tạo ra những cái thịnh vượng chung cho nền kinh tế Việt Nam không, là vấn đề đáng quan ngại. Đây là khía cạnh thứ hai khi mà chúng tôi tiếp cận đến câu chuyện lao động phi chính thức.
Một khía cạnh thứ ba chúng tôi xem xét, đó là câu chuyện rất nhiều lao động phi chính thức là phụ nữ. Những người phụ nữ vừa phải làm công việc phi chính thức rất khó khăn, không được đóng bảo hiểm cũng như không được bảo vệ về mặt an sinh xã hội; trong khi họ còn có gánh nặng chăm sóc gia đình, con cái, chưa kể đến trách nhiệm mang thai. Vì thế, Tổ chức ActionAid rất mong muốn Nhà nước sẽ có chính sách ở ba mảng này để lao động phi chính thức được đảm bảo về an sinh xã hội.
Giải pháp đồng bộ giúp đối tượng yếu thế tiếp cận nền kinh tế số
Thưa bà, hiện nay chúng ta đang trong nền kinh tế số, có không ít lao động khu vực phi chính thức đã tiếp cận công nghệ số để làm việc mang lại thu nhập. Bà có đánh giá như thế nào về lao động phi chính thức Việt Nam tiếp cận kinh tế số?
- Thực chất, nền kinh tế số đã được công nhận và thực hiện trên thế giới cách đây rất nhiều năm. Ở Việt Nam vài năm gần đây, đặc biệt là sau Covid-19 thì chúng ta cảm nhận rất rõ tác động cũng như sự hiện diện của nền kinh tế số trong cuộc sống.
Dân số Việt Nam xấp xỉ 100 triệu người, hiện nay có hơn 187 triệu điện thoại di động đang hoạt động; trung bình mỗi người có 2 chiếc điện thoại. Điều này cho thấy, sự chủ động của người Việt Nam trong việc tiếp cận với kinh tế số để tìm kiếm thông tin cũng như hưởng lợi từ nó. Tuy nhiên, cái chúng ta tiếp cận được mới là một phần rất nhỏ, trên ngọn và hoàn toàn phụ thuộc vào nước ngoài. Nếu muốn tham gia một cách có ý nghĩa vào nền kinh tế số thì phải là người tạo ra giá trị mới; ví dụ như bạn thiết kế, có bản quyền, công nghệ mới.
Tất cả chúng ta đều dựa vào kinh tế số. Thế nhưng kinh tế số là cái gì, đầu vào như thế nào, các cơ chế để nó vận hành, những quan hệ trong nền kinh tế số thì cơ quan Nhà nước sẽ quan tâm đến việc này.
Tổ chức ActionAid sẽ có những hỗ trợ gì cho người lao động phi chính thức, nhất là đối tượng yếu thế, thưa bà?
- Chúng tôi với tư cách là Tổ chức ActionAid tại Việt Nam cũng có một số chương trình hỗ trợ các anh, chị tham gia nền kinh tế số. Chúng tôi không chỉ tập trung vào nhóm trẻ từ 25 đến 40 tuổi mà còn quan tâm đến những người bị thiệt hơn một chút, không có nguồn lực khác như người dân tộc thiểu số, người khuyết tật và gia đình của họ hoặc nhóm người lớn tuổi.
Tuy nhiên, thông qua các chương trình của mình, chúng tôi thấy rằng sẽ phải có giải pháp đồng bộ; vì nếu chỉ tập trung vào một nhóm nào đó thôi thì không bao giờ đủ. Ví dụ, đối với tỉnh Trà Vinh và Sóc Trăng, Tổ chức ActionAid giúp các em học sinh cấp 2 tiếp cận tốt hơn nền kinh tế số. Cụ thể, chúng tôi có chương trình trang bị kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trong nền kinh tế số, được các bạn trẻ hồ hởi đón nhận vì rất phù hợp. Khi các em biết cách quản lý tài chính thì có thể sẽ có ý tưởng và làm thành các mô hình khởi nghiệp hoặc tham gia một cách an toàn, hiệu quả hơn vào nền kinh tế số.
Xin cảm ơn bà!