Nhờ có sự chuẩn bị trước và nỗ lực hết mình, lực lượng chức năng đã hạn chế đáng kể tình trạng ùn tắc giao thông (UTGT), tuy nhiên một số thời điểm vẫn xảy ra ùn tắc nghiêm trọng.
Cửa ngõ phía Nam ùn tắc nghiêm trọngTrong chiều tối các ngày 31/1, 1/2 (mùng 4, 5 Tết Nguyên đán), một số tuyến đường: Pháp Vân – Cầu Giẽ, QL1 cũ đã xảy ra UTGT trầm trọng. Đặc biệt là tối 31/1, hàng ngàn phương tiện buộc phải chôn chân trên cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ do một vụ TNGT giữa 3 xe ô tô trên tuyến. Phải đến khoảng 20 giờ tối, tình trạng ách tắc mới được giải tỏa. Chiều 1/2, đến lượt QL1 cũ ùn tắc hàng cây số, phải mất nhiều tiếng đồng hồ mới có thể lưu thông thông suốt. Cửa ngõ phía Nam Hà Nội đã trở thành một trong những điểm “nóng” nhất về giao thông của Thủ đô. Đội trưởng Đội CSGT số 14, Phòng CSGT, Công an TP Lê Văn Tiến cho biết: “Dự đoán trước tình hình phức tạp, Đội đã phối hợp cùng nhiều lực lượng chốt trực, điều tiết liên tục 24/24 nhưng do nhiều nguyên nhân khách quan trên tuyến vẫn xảy ra UTGT cục bộ”.Ùn tắc trên QL1 cũ chiều 1/2. Ảnh: Minh Tường |
Các tuyến đường trọng yếu khác như Hoàng Quốc Việt, Phạm Hùng, QL6..., tình hình giao thông khá êm dịu, một số thời điểm có ùn ứ nhưng nhanh chóng được giải tỏa, áp lực không tăng cao đột biến như cửa ngõ phía Nam TP. Trên QL5, lượng phương tiện cũng khá đông đúc, đặc biệt tại khu vực Trạm thu phí số 1 - Hưng Yên, cửa ngõ dẫn vào Hà Nội, phương tiện xếp hàng dài để chờ mua vé. Dù các nhân viên đã linh động bằng cách bán vé di động, ngoài cabin cho khách nhưng tình trạng ùn ứ vẫn xảy ra. Mặc dù đã có cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, nhưng lượng phương tiện lưu thông trên QL5 vẫn chiếm tỷ lệ lớn, nguyên do bởi phí trên tuyến cao tốc này khá cao, xe tải, xe khách ít chạy vào, chủ yếu là xe cá nhân. Một số tuyến đường nối cửa ngõ với trung tâm TP như Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Vành đai 3 trên cao, Vành đai 2, cầu Vĩnh Tuy..., áp lực giao thông tăng dần trong 2 ngày 31/1 và 1/2. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực của các lực lượng chức năng, tình hình được kiểm soát tốt, không xảy ra ùn tắc.
Taxi, xe ôm đua “vợt” kháchTại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình, lượng khách chiều ngày 1/2 khá đông đúc, đáng nói là tình trạng xe trả khách tràn lan ở khu vực đường Phạm Hùng, Trần Thủ Độ; xe ôm, taxi hoạt động bát nháo gây ùn ứ khu vực xung quanh bến xe. Giám đốc Bến xe Giáp Bát Nguyễn Tất Thành cho biết, từ chiều mùng 4 Tết, lượng khách về bến Giáp Bát đã tăng hơn so với ngày thường khoảng 130%, sang ngày mùng 5 Tết, lượng khách cũng không đông hơn là bao. “Lượng khách tập trung đông đúc nhất vào chiều tối mùng 4 Tết, sang chiều mùng 5 Tết, lượng khách lại giảm hơn. Bến xe đã có kế hoạch giải tỏa khách, có lực lượng điều tiết xe ra/vào bến hợp lý để hạn chế tình trạng ùn tắc khu vực trước cửa bến xe” - ông Thành thông tin. Trước cổng Bến xe Giáp Bát, bất chấp lực lượng chức năng hiện diện, nhiều hành khách vẫn dàn hàng trên đường vẫy taxi, xe ôm khiến khu vực trở nên hỗn loạn. Tương tự, trước cổng Bến xe Mỹ Đình, trên đường Trần Thủ Độ, đường gom Vành đai 3 đoạn giao cắt với Pháp Vân, hành khách từ các xe liên tỉnh đứng rải rác thành từng nhóm vẫy xe, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.Năm nay, theo phản ánh của đa số người dân, tình trạng tăng giá vé, bắt chẹt giá vé hành khách ít xảy ra hơn so với các kỳ nghỉ lễ trước. Anh Đỗ Mạnh Hùng (Ninh Bình) cho biết: “Xe lăn bánh, hành khách vẫn còn ghế ngồi, giá vé ngày Tết nhưng cũng chỉ 70.000 đồng/người/lượt, không tăng so với ngày thường. Nhưng càng đi thì càng bị nhồi nhét; xe 29 chỗ ngồi, nhưng nhà xe nhồi tới 40 - 45 người trên xe. Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội Trần Đăng Hải cho biết, lực lượng đã tăng cường kiểm tra, số liệu xử lý vi phạm sẽ được tổng hợp và thông tin trong những ngày sắp tới. “Tình trạng nhồi nhét khách chủ yếu diễn ra trên các cung đường nằm ngoài phạm vi của Hà Nội. Chúng tôi chỉ có thể xử phạt chứ khó lòng ngăn được. Bên cạnh đó, nhiều xe đã trả khách rải rác dọc đường hoặc tìm nơi vắng vẻ để đổ khách xuống, gây khó khăn cho lực lượng chức năng”.Theo báo cáo của Cục CSGT (Bộ Công an), trong ngày 1/2 (tức mùng 5 Tết), cả nước đã xảy ra 41 vụ TNGT làm 30 người chết, 47 người bị thương. Trong đó, đường bộ xảy ra 39 vụ, đường sắt xảy ra 2 vụ. So với mùng 5 Tết Bính Thân, TNGT tăng cả 3 tiêu chí: tăng 1 vụ, tăng 10 người chết và 10 người bị thương. Như vậy, trong 7 ngày nghỉ lễ từ 26/1 – 1/2 (tức từ ngày 29 đến mùng 5 Tết), cả nước đã xảy ra 267 vụ TNGT, làm chết 171 người, bị thương 299 người. (Công Trình) |