Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế đốt vàng mã: Không còn cảnh nói dễ làm khó

Bích Hời – Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thay vì đỏ lửa thường xuyên, nhiều lò hóa vàng mã đã trở nên nguội lạnh. Không dùng biện pháp cứng nhắc, không hô hào suông; từng di tích, từng ban ngành đã vào cuộc để tiết kiệm hàng hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng từ việc giảm hóa mã.

Giảm đi trông thấy
Đến Phủ Tây Hồ (Tây Hồ, Hà Nội) những ngày đầu tháng Giêng năm Mậu Tuất, giai đoạn cao điểm đón du khách về lễ bái, lò hóa mã gần khu vực thờ Mẫu luôn luôn rực cháy, nhưng không còn cảnh mã lớn, mã bé đua nhau xếp hàng chờ hóa. Theo ông Trương Tín Hồi – quyền Trưởng Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ, với lượng khách 1 đến 2 vạn từ mùng 1 đến mùng 5, và 1 nghìn đến 2 nghìn từ mùng 6 đến rằm tháng Giêng nhưng chưa bao giờ có cảnh người đến lễ tiến voi, tiến ngựa.
Du khách đi lễ đền Bà Chúa Kho đã không còn tiến lễ mâm mã hoành tráng như trước đây. Ảnh: Phạm Quý
Không gian quanh Phủ cho dù có nêm chặt người chiêm bái nhưng cũng không đặc quánh khói bụi của vàng mã. “Vừa rồi T.Ư Hội Phật giáo Việt Nam có văn bản kiến nghị không đốt vàng mã ở các di tích của đạo Phật. Nếu bảo cấm không đốt thì có lẽ chưa làm được, nhưng tại Phủ đã hạn chế rất nhiều người tiến nhiều vàng mã. Cụ thể, những năm trước vào trước và sau Tết Nguyên đán Ban quản lý phải thuê người chở đi từ 18 - 20 bao tải tro đốt vàng mã/ngày. Nhưng năm nay cao điểm nhất ngày 30 và ngày mùng 1 Tết chỉ chở 15 - 16 bao tải tro. Những ngày sau đó đến mùng 5 Tết khoảng 8 - 9 bao tải. Từ sau ngày mùng 6 tại Phủ Tây Hồ, số lượng tro vàng mã chỉ còn 3 - 4 bao tải. Như vậy, lượng vàng mã đốt tại Phủ trước và sau Tết Nguyên đán năm nay đã giảm. Đặc biệt, từ ngày bắt đầu vào làm việc của năm mới lượng vàng mã đốt trong các chùa chiền giảm khoảng 5 - 6 lần so với trước”.

Tại chùa Hà (Cầu Giấy, Hà Nội) những ngày này, lò hóa mã đặt ở góc khuất của khu vực bên trái di tích cũng đã giảm phần rực lửa. Tro hóa mã không còn chất đầy trên lò. Người đi lễ khiêm nhường cùng thẻ hương và gửi nhà chùa ít tiền giọt dầu, công đức. Rời khỏi các di tích trọng điểm của Thủ đô, đến các chùa Láng, Bia bà dễ dàng chứng kiến cảnh lò hóa mã nguội lạnh, vắng người đến đốt. Hoàng Thị Thúy (Vũ Phạm Hàm, quận Cầu Giấy), một phật tử quen thuộc của chùa Láng chia sẻ: “Dù nhà chùa không cấm đốt vàng mã, nhưng mỗi người dân đã tự ý thức được rằng, việc làm này không chỉ gây tốn kém về tiền bạc mà còn làm ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan nơi cửa Phật, làm tăng nguy cơ xảy ra hỏa hoạn. Tôi được biết từ năm trước, sư trụ trì ngôi chùa này đã khuyến khích người dân thay vì mua vàng mã nên công đức số tiền đó vào chùa để hỗ trợ những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn và thực tế đã giúp được không ít người. Do đó, tôi hoàn toàn đồng tình với việc loại bỏ việc đốt vàng mã từ nhà ra đến đền chùa”.

Nhiều làng sản xuất vàng mã thay đổi

Ông Nguyễn Hữu Quả - người làng tranh Đông Hồ (Bắc Ninh) từng chứng kiến thời điểm chuyển nghề từ in tranh sang làm đồ mã của địa phương, tâm sự: “Ở làng Hồ, “phiên chợ” hàng mã kéo dài quanh năm. Làng Hồ đã hết thời lội bùn đến gối. Làng Hồ bây giờ nhà nào cũng ba đến năm tầng, xe tải lớn nhỏ đậu quanh nhà, mái tôn quây kín từ tường lên nóc để tránh nước mưa, ướt giấy. Xưởng làm mã to bé mọc lên quanh làng. Nhưng 2 năm trở lại đây, nghề làm mã lại bắt đầu lụi bại. Cận Tết – mùa cao điểm của bán mã, không còn xe lớn xe bé chở mã ra khỏi làng. Có nhiều xưởng làm mã đang nhận từ 20 – 30 lao động, giảm xuống còn 1 nửa. Lương người làm công giảm đi đáng kể, công nhân bỏ việc, các xưởng mã trong làng đóng cửa quá nửa”. Nếu như từ 2003 - 2013, Nhà nước vận động, đầu tư để cứu vãn làng tranh Đông Hồ không bị “hóa mã” nhưng vẫn chẳng cứu được bao nhiêu. Năm 2013, dự án khảo sát, quy hoạch và khôi phục đình làng tranh Đông Hồ được khởi dựng với số vốn gần 60 tỷ đồng, như là cách níu giữ hồn nghề của làng tranh. Song hơn 4 năm trôi qua, ghé thăm đình làng hiện tại, tôi chỉ thấy im lìm những bóng cây đa phủ tường rêu lạnh. Thế nhưng, từ cuối năm 2017 không nhà nào bảo nhà nào, tự mỗi xưởng đã dần chuyển in mã thành in tranh. “Bây giờ đi các lễ hội, sự kiện vui chơi giải trí, trẻ em TP chuộng tô vẽ tranh Đông Hồ. Chính vì vậy, nghề in tranh lại có dịp hồi sinh” – ông Quả nhấn mạnh.
 

Về làng Cót (Yên Hòa, Cầu Giấy) được gọi là trung tâm sản xuất đồ vàng mã của Thủ đô gần một năm nay cũng biến đổi. Trên mặt đường Yên Hòa, Hoa Bằng nếu trước kia cửa hàng bán vàng mã đếm được hàng chục, thì nay đã giảm khoảng 4 - 5 cửa hàng. Chị Nguyễn Oanh là 1 trong số 5 đại lý bán vàng mã còn níu giữ mặt hàng kinh doanh chia sẻ: “Những năm trước, từ 15 tháng Chạp của năm cũ đến 15 tháng Giêng năm sau, 1 ngày tôi bán được tầm 50 đến – 70 triệu đồng tiền hàng. Năm nay ngày nào cao điểm tôi bán được 30 triệu đồng/ngày, còn lại túc tắc với con số dưới 10 triệu đồng/ngày”. Hàng loạt các cửa hàng kinh doanh vàng mã ở làng Cót đã chuyển sang bán quần áo, cắt tóc, gội đầu để phục vụ nhu cầu mua sắm, dịch vụ của người dân các khu đô thị cận kề hoặc sinh viên ở các khu nhà trọ mọc lên từ xưởng mã.

Thức tỉnh từ ý thức

Có đến hơn 10 năm, các cơ quan quản lý của Việt Nam loay hoay với việc giảm vàng mã. Trước tình trạng tại đền Bà Chúa Kho 3 lò hóa mã luôn rừng rực lửa, hoạt động hết công suất; quanh sân đền và khu vực các cung ban, Ban quản lý phải dựng giá sắt cao 3 - 4 tầng để chứa đủ đồ mã cung tiến của du khách, Bộ VHTT&DL từng giao cho Viện văn hóa nghệ thuật Việt Nam xây dựng đề án hạn chế tiêu cực trong việc đốt vàng mã. Những biện pháp hành chính cũng từng được nghĩ đến như: Ra văn bản cấm, không xây dựng lò hóa mã, xử phạt người đốt không đúng nơi quy định… Nhưng biện pháp này không chỉ vướng các quy định của pháp luật, mà còn gặp phải phản ứng tiêu cực từ người đi lễ.

Hoặc cũng đã từng có biện pháp thay thế hình thức vàng mã đang sử dụng phổ biến bằng các hình thức khác như: Séc âm phủ, khế ước âm phủ - 1 tờ giấy tượng trưng có in mệnh giá sẵn cao gấp nhiều lần mệnh giá tiền âm phủ hiện có. Những tờ séc âm phủ, khế ước âm phủ được Ban quản lý đền Bà Chúa Kho in phát miễn phí khi khách đến công đức. Thế nhưng, ý tưởng này cũng chưa dám thực hành bởi vì, một chuyên gia là thành viên của Ban xây dựng đề án cảnh báo: “Sự sáng tạo hình thức vàng mã mới vấp phải sự phản đối của khách thập phương và dư luận. Có thể có ý kiến phản đối cho rằng chính quyền địa phương và người dân sở tại đang thương mại hóa nghi lễ, làm giả lịch sử và vi phạm tính thiêng của nghi lễ”.

Năm 2018, không cần nhiều đến biện pháp hành chính, Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho nhờ các vãi lớn tuổi đứng 2 bên hóa mã và nhập kho, vận động du khách giảm lượng mã cung tiến, nhập kho để phát lộc. Chính vì vậy, tình trạng đốt vàng mã ở đền Bà Chúa Kho giảm hẳn so với trước. Ông Trương Tín Hồi – quyền Trưởng Ban quản lý di tích Phủ Tây Hồ cũng khẳng định, cũng giống như quy định không thắp hương trong di tích, hạn chế đốt vàng mã không thể bằng các văn bản cấm, mà cần bố trí lực lượng nhắc nhở từ cổng di tích, các ban thờ và nơi lò hóa mã. 17 năm qua, ở Phủ Tây Hồ hầu hết du khách chỉ thắp 1 nén hương ở các lư hương đặt ngoài sân nơi thờ tự. Tôi cũng tin với sự kiên trì vận động 17 năm sau việc đốt tiền vàng, đồ mã sẽ giảm, dần tiến tới thực hiện tượng trưng.

Thay đổi tập tục thực hành tín ngưỡng bao đời của người dân Việt không thể một sớm một chiều. Thế nhưng, với những tín hiệu vui từ các kết quả điều tra, có thể cho thấy việc tưởng khó thực hiện nhưng lại thay đổi dễ dàng nhờ những cách thức đơn giản, đó là phương pháp tuyên truyền từ cơ quan quản lý Nhà nước đến các ban quản lý di tích. Tuyên truyền sao cho người dân thấu hiểu, tự nguyện thay đổi tập tục này đó mới là mấu chốt.

Năm 2015, Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia từng làm cuộc khảo sát cho thấy, ở đền Bà Chúa Kho mỗi người đi lễ chi trung bình khoảng 238.000 đồng mua sắm vàng mã. Với số lượng 800.000 lượt khách thập phương đến lễ trong một năm, số tiền chi cho đốt vàng mã tại đền ước khoảng 190 tỷ đồng/năm. Tính riêng ở Hà Nội, mỗi năm người dân Thủ đô tiêu tốn hết 400 tỷ đồng cho việc đốt vàng mã. Theo điều tra từ cuối 2017 đến đầu năm 2018, lượng tiền chi cho đốt vàng mã của người dân đã giảm 5 - 6 lần.


"Trong thời gian tới Bộ VHTT&DL sẽ phối hợp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức như: Tuyên truyền trên loa phóng thanh tại các cơ sở thờ tự, bảng hướng dẫn, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng để mọi người hiểu và sử dụng vàng mã hợp lý; tại các cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng cần tích cực vận động, thậm chí ngăn chặn những hành vi đốt quá nhiều vàng mã khi thực hành tín ngưỡng (tương tự như đối với việc hạn chế mỗi du khách chỉ thắp một nén hương nhang khi hành lễ tại di tích). Các chư tôn đức tăng ni trụ trì các chùa, thiền viện, tu viện hướng dẫn phật tử và bà con loại bỏ mê tín dị đoan, đốt vàng mã tại các cơ sở thờ tự Phật giáo và các hình thức khác trái với thuần phong mỹ tục, văn hóa dân tộc và văn hóa Phật giáo Việt Nam." - Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Trịnh Thị Thủy