Hạn chế phương tiện cá nhân tại đô thị - Kỳ 2: Vì sao Quảng Châu "nói là làm"?

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các quan chức TP khẳng định xe máy là "một bệnh dịch" trên đường phố khiến việc hành động cứng rắn không thể trì hoãn thêm.

Công nhân di chuyển các bộ phận của xe máy vào một bãi phế liệu ở Quảng Châu, Trung Quốc hồi cuối năm 2006, trước khi lệnh cấm có hiệu lực.
Năm 2006, Quảng Châu được đánh giá là nơi thu hút phương tiện cá nhân lớn thứ 5 của Trung Quốc, với 900.000 xe lưu thông trên đường mỗi ngày. Giá xe máy và xe tay ga tại đây giảm mạnh, khiến người dân nô nức chuyển sang phương tiện giao thông cơ giới 2 bánh. Tính tới thời điểm đó, ngoài 260.000 xe máy đã đăng ký, 100.000 chiếc khác chưa đăng ký cũng đang lưu thông trên đường phố, khiến những ảnh hưởng xấu dần một tích lũy.
Theo các quan chức TP này xe máy chính là "thủ phạm" phát thải làm tăng ô nhiễm không khí và nhiều vấn đề khác. Một báo cáo của văn phòng an ninh công cộng, các vụ cướp xe máy có liên quan đến khoảng một nửa vụ tai nạn tại TP này trong năm 2005, khiến 311 người thiệt mạng.
Và đỉnh điểm là vào cuối năm 2005, khi một phụ nữ tại Quảng Châu bị chặt tay bởi một tên trộm đi xe máy, dẫn đến những thống kê đáng chú ý về các băng đảng tội phạm hiện hành. Trong 9 tháng đầu năm 2006, cảnh sát đã theo dõi được 3.432 trường hợp bọn cướp sử dụng xe máy làm phương tiện gây án tại Quảng Châu. Một cuộc thăm dò năm 2006 cũng cho thấy, chỉ có 20% người Quảng Châu cảm thấy an toàn khi sinh sống trong TP.
Đây dường như là nguyên nhân chính thúc giục chính quyền TP này phải ban hành lệnh cấm gần như ngay lập tức đối với xe máy và xe tay ga - bắt đầu có hiệu lực kể từ 1/1/2007 tại khu vực trung tâm và sau đó là áp dụng trên toàn TP - bất chấp những phản đối thời gian đầu từ phía người dân hay truyền thông.
Sau lệnh cấm, cư dân đã từng đi làm bằng xe máy chuyển sang sử dụng hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt. Mặc dù còn đó những bất tiện do sự quá tải của giao thông công cộng phát triển chưa bắt kịp, nhưng đây có thể hiểu là lựa chọn mang tính ưu tiên của Quảng Châu nhằm hướng đến một TP an toàn, lành mạnh hơn.
Đón đọc kỳ tới: Đa dạng hóa phương tiện, hướng đến "giao thông xanh"

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần