Hạn chế phương tiện cá nhân tại đô thị - Kỳ 3: Đa dạng hóa phương tiện hướng đến giao thông “xanh”

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hệ thống đường sắt trên cao Skytrain, Metro đã được đưa vào phục vụ người dân trong nhiều năm qua tại nhiều đô thị lớn cũng như một số TP khu vực Đông Nam Á.

Trước thực trạng quá trình đô thị hóa với tốc độ nhanh chóng và gia tăng dân số cơ học gây sức ép lớn đối với giao thông tại các đô thị, chính phủ các nước đã phải lập chiến lược tổng thể để giảm dần các phương tiện cá nhân cùng với đẩy mạnh phát triển hệ thống phương tiện giao thông công cộng.
Nhằm cung cấp loại hình vận tải hiệu quả cao và kiến tạo cảnh quan đô thị hiện đại, hệ thống đường sắt trên cao Skytrain hoặc Metro đã được đưa vào phục vụ người dân trong nhiều năm gần đây tại nhiều đô thị lớn cũng như ở một số TP của các nước Đông Nam Á như Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines...
 
Hiệu quả cao và tiết kiệm chi phí
Với nạn kẹt xe nghiêm trọng thường xuyên diễn ra vào giờ cao điểm hàng ngày, hệ thống đường sắt trên cao (Metro) ở thủ đô Kuala Lumpur đã trở thành phương tiện giao thông công cộng hiệu quả đối với người dân Malaysia. Hệ thống Metro Kuala Lumpur (Metro KL) được đầu tư xây dựng sớm hơn Việt Nam hơn 20 năm (từ năm 1995). Ba hệ thống tàu điện tại  thủ đô Malaysia có hơn 100 nhà ga, điểm dừng thuận tiện cho hành khách. Một số ga còn xây dựng riêng lối đi tắt dành cho học sinh sinh viên các trường nằm sát nhà ga. Tốc độ chạy tàu trung bình vào khoảng 38 km/h, do độ dốc dọc hệ thống Metro là không đáng kể, tối đa chỉ 5%, nên tàu vận hành khá êm ái.
Với hơn 7 triệu dân thủ đô cùng hàng triệu lượt du khách mỗi năm, Metro KL đáp ứng nhu cầu của khoảng 1,6 triệu hành khách. Ước tính khoảng 35 triệu lượt khách sử dụng mỗi năm. Không chỉ thuận tiện đi lại trong TP, Metro KL còn được kết nối với sân bay quốc tế, đưa khách du lịch sang các khu vực lân cận và thậm chí còn có tuyến chạy thẳng tới Singapore.
 Metro KL đáp ứng nhu cầu của khoảng 1,6 triệu hành khách. 
Trong khi đó, tại đất nước Canada, Skytrain là một phương tiện giao thông điển hình và thực tiễn nhất khi kết hợp khai thác đất đai với hệ thống giao thông công cộng nhanh của chính quyền TP Vancouver. Được xây dựng giữa các khu dân cư đông đúc, Skytrain không chỉ tối đa hóa năng suất hoạt động khi liên tục phục vụ lượng hành khách di chuyển 2 chiều, mà còn tạo ra cơ hội việc làm cho người dân sống gần các nhà ga. Các dịch vụ kinh doanh như trung tâm mua sắm, nhà hàng, cửa hàng nhanh chóng được xây dựng và hoạt động buôn bán diễn ra sầm uất quanh khu vực các nhà ga trong chuỗi hệ thống Skytrain.
 
Tạo dựng bộ mặt đô thị hiện đại
Hệ thống đường sắt trên cao không những giúp người dân di chuyển thuận tiện mà còn có khả năng tạo dựng cảnh quan hiện đại cho các đô thị. Điển hình tại khu vực Đông Nam Á là trường hợp ở Bangkok, nơi Skytrain đã giúp biến đổi thủ đô Thái Lan từ một TP tắc nghẽn thành một thủ đô tân tiến với nhiều tòa nhà chọc trời hiện đại.
Keeree Kanjanapas, nhà sáng lập và chủ tịch của BTS Group – công ty đã bất chấp những khó khăn thách thức để xây dựng đường sắt trên cao đầu tiên ở Bangkok, chia sẻ: "Tôi tin rằng các phương tiện giao thông công cộng đã thay đổi Bangkok".
 Hệ thống đường sắt trên cao Skytrain tại thủ đô Bangkok.
"Khi chúng tôi bắt đầu xây dựng BTS Skytrain, mọi người chưa thực sự tính đến việc sống trong các chung cư cao tầng. Bây giờ, họ không chỉ chấp nhận chúng, họ muốn lối sống này, giống như ở các TP hiện đại khác trên thế giới". Tại các tuyến đường Skytrain chạy qua, các tòa nhà cao tầng mọc lên dọc hai bên đường ray, biến Bangkok trở thành một đô thị hiện đại.
Mặc dù tụt hậu so với các đô thị lớn khác ở châu Á trong vận tải hành khách công cộng - Skytrain ra mắt vào cuối năm 1999 -  Bangkok đang bắt kịp rất nhanh. Cả đường ray BTS trên cao và MRT (Metropolitan Rapid Transit) dưới lòng đất đang nhanh chóng mở rộng, và nhiều đường ray dài mới sẽ làm tăng mạng lưới tổng thể lên gấp 5 lần hiện tại.
 
Hướng đến giao thông “xanh”
Với cách làm cương quyết và tầm nhìn dài hạn hướng đến giao thông “xanh”, sau 10 năm thực hiện quy định cấm xe máy, “bức tranh” giao thông của TP Quảng Châu, Trung Quốc đã biến đổi hoàn toàn. 
Để giải quyết việc đi lại của người dân thuận lợi hơn, chính quyền địa phương đã tăng cường mạng lưới giao thông công cộng. Theo số liệu của ngành giao thông Quảng Châu, kể từ khi hạn chế xe máy tháng 5/2004 đến cuối năm 2006, trước thời điểm thực hiện lệnh cấm, Quảng Châu đã tăng thêm tổng cộng 37 tuyến xe bus, trong đó có 22 tuyến ban đêm, bổ sung 300 xe.
Tính đến thời điểm áp dụng lệnh cấm xe máy, cả TP Quảng Châu có tất cả 357 tuyến xe bus chạy ban ngày và 40 tuyến chạy ban đêm, với 8.356 xe, tính trung bình cứ 10.000 người có 15,9 xe bus tiêu chuẩn, cao hơn cả Bắc Kinh (15,2) và Thượng Hải (15,3), có thể đáp ứng tương đối tốt nhu cầu giao thông công cộng tăng mới sau khi thực hiện lệnh cấm xe máy.
Ngoài những xe bus lớn trên các tuyến phố chính, nhiều xe bus nhỏ được ưu tiên để bổ sung đến những con phố chật hẹp. Hơn 50 tuyến đường nhỏ và ngắn được bổ sung các xe bus phù hợp.
TP Quảng Châu có hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại nhất nhì thế giới.
Quảng Châu cũng tập trung phát triển giao thông đường sắt như tàu điện ngầm và đến cuối năm 2006 đã khai thông được tuyến tàu điện ngầm số 1,2 và một số đoạn tuyến số 3, 4, 8 với tổng chiều dài là 59 km. Đến năm 2010, với 9 tuyến tàu điện ngầm, có chiều dài khoảng 250 km, lượng vận chuyển hành khách hàng năm của Quảng Châu đạt khoảng 1,2-1,4 tỷ lượt người.
Nhìn chung, hệ thống giao thông công cộng của Quảng Châu phát triển khá đồng bộ và khoa học. Các phương tiện công cộng như xe bus, tàu điện ngầm đáp ứng được nhu cầu của 15 triệu dân trong TP.
Chỉ trong 16 năm thực hiện, từ một TP chỉ có vài triệu dân, Quảng Châu đã mở rộng diện tích lên tới 7.400km2 với hơn 15 triệu dân sinh sống, hoạt động kinh doanh nhộn nhịp, sầm uất và thu hút đông đảo du khách thế giới. Đặc biệt, TP này luôn tấp nập bởi dòng xe cộ qua lại, tuy nhiên khu vực nội thành không thấy xuất hiện xe máy.
Trung tâm Quảng Châu hiện có hệ thống đường tầng hiện đại nhất nhì thế giới với 5 tầng xe, đường chỉ một chiều với tối thiểu 3 làn, có đường riêng cho các loại xe bus và tàu điện ngầm.

Đón đọc kỳ cuối: London và những sáng kiến có 1-0-2
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần