Hạn chế thấp nhất các điểm thiếu nước sinh hoạt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến hẹn lại lên, cứ vào dịp hè, mục tiêu đảm bảo đủ nước sạch phục vụ người dân Thủ đô lại tạo thành áp lực không nhỏ cho các đơn vị cấp nước.

Lắp đặt trạm bơm tăng áp khu vực Xa La - Cầu Bươu.
Lắp đặt trạm bơm tăng áp khu vực Xa La - Cầu Bươu.
Thực hiện chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, các đơn vị cung cấp nước sạch đang dồn toàn lực để hạn chế đến mức thấp nhất các khu vực thiếu nước sạch sinh hoạt.

Vì sao cung không đủ cầu?

Mới bước vào giai đoạn đầu của mùa hè, nguy cơ mất nước, thiếu nước sạch sinh hoạt đã phủ bóng đen lên nhiều khu vực cả nội và ngoại thành Hà Nội. Các khu vực được đưa vào danh sách “điểm đen” về cấp nước như cụm dân cư ngoài cơ đê Nguyễn Khoái, các xã Duyên Hà, Yên Mỹ…, huyện Thanh Trì, ngõ 362 phố Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, các phường Đồng Mai, Biên Giang, quận Hà Đông, một số chung cư trên địa bàn quận Cầu Giấy… đã xuất hiện tình trạng nước chảy yếu, mất trong thời gian ngắn. Cá biệt có trường hợp 2 cụm dân cư tại ngõ 18 Quán Thánh và Khu tập thể Bộ Y tế, số 5 phố Quang Trung rơi vào tình trạng mất nước kéo dài, khiến người dân bức xúc. Đi sâu tìm hiểu thực tế cho thấy, nguyên nhân không hoàn toàn nằm ở cách thức làm việc của các đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn Thủ đô.

Thông thường, việc phát triển hạ tầng bao giờ cũng phải đi trước trong quá trình đô thị hóa. Nhiều năm trở lại đây, Hà Nội chuyển mình với một tốc độ đô thị hóa nhanh đến chóng mặt và việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trong đó có mạng lưới cung cấp nước sạch, đang tỏ ra “hụt hơi”. Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông chia sẻ: “Các nơi như Đồng Mai, Biên Giang, quận Hà Đông vẫn đang sử dụng nước từ mạng lưới đường ống cũ, xây dựng theo tiêu chuẩn cấp nước nông thôn, đường ống nhỏ, địa bàn lại quá rộng nên việc cấp nước gặp nhiều khó khăn”.

Hà Nội hiện đang có một lượng lớn người dân từ các tỉnh về học tập, lao động, kinh doanh… tạo lên áp lực rất lớn cho hệ thống cơ sở hạ tầng. Nội thành thì nhà cao tầng mọc lên san sát, cụm dân cư phình to trông thấy dẫn đến nhu cầu về nước không ngừng tăng. Trong khi đó, nguồn nước ngầm suy giảm, mạng lưới cung cấp có dấu hiệu quá tải, mà việc nâng cấp, cải tạo cho phù hợp thực tế lại không thể xong trong một sớm một chiều. Còn các vùng ven và ngoại thành, có rất nhiều người ngoại tỉnh thuê trọ, dẫn đến quá tải mạng cấp nước. Nhiều khi, đường nước dẫn vào một hộ gia đình nay phải cung cấp cho cả một khu trọ, tất yếu không thể đáp ứng đủ nhu cầu. Bà Nguyễn Thị Thảo, sống tại Vĩnh Tuy cho biết: “Nhà có mấy phòng trọ cho thuê, nước trữ vào bể chính rồi chia đi các phòng. Nhiều khi phòng này mở là phòng kia mất nước luôn”.

Bên cạnh đó, cách sử dụng và ý thức tiết kiệm nước sinh hoạt của một bộ phận người dân cũng chưa tốt. Hiện tỷ lệ thất thoát nước của Hà Nội là 21% , nhiều nơi dùng nước sạch để rửa xe, thậm chí treo hẳn biển: “Cam kết rửa xe bằng nước sạch”, có trường hợp đục ống, lấy trộm nước… Đối lập với hình ảnh đó là cảnh người dân nhiều nơi phải chắt chiu từng giọt nước.

Tháo gỡ dần gánh nặng

Sau khi Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đích thân kiểm tra thực tế, đối thoại và giao nhiệm vụ trực tiếp vào trung tuần tháng 5, các công ty cấp nước đang nỗ lực để hoàn thành chỉ tiêu phục vụ 100% nhu cầu nước sạch cho người dân trong mùa nắng nóng.
Người dân ngõ 18 Quán Thánh lấy nước  từ bể chung. 	Ảnh: Phạm Hùng
Người dân ngõ 18 Quán Thánh lấy nước từ bể chung. Ảnh: Phạm Hùng
Tìm đến ngõ 362, phố Thịnh Liệt, một trong những nơi khó khăn nhất TP về nước sạch, chúng tôi được người dân tại đây cho biết, đã không còn tình trạng phải chờ xe chở nước sạch đến phân phối nữa. Tuy nước cấp chưa đều nhưng khá ổn định, chỉ còn khoảng 20 hộ là nước chảy yếu. Hay “điểm đen” Xa La - Cầu Bươu, đến thời điểm hiện tại chưa có hiện tượng mất nước. Các khu vực ngoài đê thuộc địa bàn Thanh trì, Hoàng Mai, Hà Đông… tuy nước chảy chưa mạnh, chưa đều nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt.

Ông Cao Hải Tháp - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư xây dựng Kinh doanh nước sạch Viwaco cho biết: “Chúng tôi đã giải quyết triệt để vấn đề thiếu nước sinh hoạt tại một số điểm của quận Thanh Xuân. Dự kiến tháng 6 tới sẽ hoàn thiện đường ống mới để phục vụ khu vực ngõ 362, 364 Thịnh Liệt. Từ giờ đến lúc đó, công ty sẽ chia bớt khối lượng của các khu vực đầu nguồn như phố Đại Từ để phân bổ, duy trì cung cấp đủ cho cuối nguồn”. Trong khi đó, Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông đã hoàn thành thi công 3 trạm bơm tăng áp hỗ trợ cấp nước cho các khu vực đông dân, đặc biệt là cụm đô thị Xa La - Cầu Bươu - Kiến Hưng. Ông Hoàng Văn Thắng - Phó Tổng Giám đốc Công ty này cho biết: “Nếu không có sự cố đột xuất gây mất nước từ đầu nguồn thì khẳng định khu vực này sẽ không thiếu nước sinh hoạt trong mùa nắng nóng”. Ông Phạm Việt Phương - Giám đốc Xí nghiệp Nước sạch Hoàng Mai cũng cam kết: “Các khu vực ngoài đê Nguyễn Khoái hay xã cuối nguồn như Duyên Hà, Yên Mỹ (Thanh Trì) sẽ được tăng cường đấu nối nguồn nước, lắp đặt thêm thiết bị bơm hút để duy trì cấp nước ổn định”.

Việc đó cho thấy các đơn vị cấp nước sạch đang nỗ lực hết mức để làm tốt phần việc của mình. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề hóc búa, hay ngoài tầm tay khiến họ lo lắng không yên. Ví dụ như Công ty Viwaco, toàn bộ đầu vào là từ nguồn nước mặt Sông Đà, nghĩa là khi nào đường ống dẫn nước thứ 2 chưa hoàn thành, khả năng cung cấp nước vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào đường ống hiện tại vốn đã trải qua 10 lần bục vỡ. Bên cạnh đó, nhiều khu vực trong mạng lưới cấp nước vẫn đang sử dụng đường ống cũ, nhỏ, không còn phù hợp với hiện trạng dân cư và nhu cầu sử dụng, đặc biệt trên địa bàn các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Hoàng Mai…

Bài toán nước sạch không của riêng ai, không dễ tìm ra lời giải một cách nhanh chóng, toàn vẹn. Ngoài các biện pháp đang áp dụng, thì lãnh đạo các công ty nước sạch rất mong người dân cùng chung tay góp sức trong việc bảo vệ và sử dụng tiết kiệm  nước sinh hoạt.