Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế xe cá nhân: Không thể bàn lùi!

Minh Tường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Vấn đề hạn chế xe cá nhân tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh đã được đặt ra từ lâu nhưng vẫn chưa đạt được bước tiến nào rõ rệt. Đâu là nguyên nhân chính khiến lộ trình hạn chế xe cá nhân vẫn còn rất gian nan, chậm chạp?

Hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp để tránh ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh Hải Linh.
Hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp để tránh ùn tắc, tai nạn giao thông và giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh Hải Linh.

Vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng nhu cầu

Vấn nạn ùn tắc giao thông tại Hà Nội đang có dấu hiệu diễn biến phức tạp hơn. Nguyên nhân chính do sự chênh lệch quá lớn giữa tốc độ gia tăng phương tiện cá nhân và đầu tư phát triển hạ tầng cũng như mở rộng mạng lưới vận tải hành khách công cộng (VTHKCC)

Theo số liệu do Sở GTVT Hà Nội cung cấp, TP hiện có khoảng 7,9 triệu phương tiện tham gia giao thông, gồm: 1,1 triệu xe ô tô, 6,6 triệu xe máy, và 0,2 triệu xe điện; chưa kể, tham gia giao thông tại Hà Nội còn có hàng triệu phương tiện từ các tỉnh, TP khác. Tốc độ tăng trưởng phương tiện giai đoạn 2019 - 2022 bình quân trên 10%/năm đối với ô tô, 3%/năm đối với xe máy.

Trong khi đó, tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất đô thị của Thủ đô mới đạt khoảng 10,3% (yêu cầu đặt ra là 20 - 26%); tăng bình quân chỉ 0,26 - 0,3%/năm; quỹ đất dành cho giao thông tĩnh đạt dưới 1%.

Mạng lưới VTHKCC của Hà Nội mới giải quyết được khoảng 19% nhu cầu đi lại. Lực lượng chủ yếu của VTHKCC vẫn là xe buýt, mới có một tuyến đường sắt đô thị. Xe buýt lại gặp rất nhiều hạn chế do phải lưu thông chung với các loại hình phương tiện khác, không đáp ứng yêu cầu về thời gian đi lại cho người dân, chất lượng dịch vụ còn cần được cải thiện nhiều hơn nữa.

Trong bối cảnh đó, đặt vấn đề hạn chế xe cá nhân sẽ khiến người dân băn khoăn. Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Đỗ Cao Phan nhận định: “Hạn chế xe cá nhân là điều kiện quan trọng để giảm thiểu ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường. Nhưng hạn chế như thế nào, từ thời điểm nào lại là bài toán cần tính kỹ, tránh gây khó khăn cho người dân”.

Anh Trần Hoàng Anh (phường Hà Cầu, quận Hà Đông) chia sẻ: “Mỗi ngày hai lần len lỏi giữa tắc đường với chiếc xe máy khiến tôi rất mệt mỏi. Nhưng nếu đi tàu điện rồi chuyển sang xe buýt thì ngày nào cũng có nguy cơ muộn làm vì tắc đường. Trước mắt tôi vẫn phải sử dụng xe máy”.

Tương tự, chị Nguyễn Ánh Ngọc (phường Việt Hưng, quận Long Biên) cho hay: “Cơ quan tôi ở phố Lý Thường Kiệt, hằng ngày tôi vẫn dùng ô tô để đi làm. Nếu có tàu điện, hoặc xe buýt nhanh kết nối từ nhà đến có quan tôi sẽ không phải lái xe đi nữa. Nhưng hiện chưa có phương tiện công cộng nào đáp ứng được yêu cầu về thời gian, nên tôi vẫn phải đi ô tô”.

Nhiều người dân khi được hỏi đều có cùng quan điểm cho rằng, việc hạn chế xe cá nhân là cần thiết, bản thân họ khi dùng xe máy, ô tô để đi lại cũng gặp nhiều bất tiện, mệt mỏi, nhất là việc tìm chỗ đỗ xe trong nội thành. Nhưng nếu từ bỏ xe cá nhân trong thời điểm này thì chưa có phương tiện VTHKCC nào đủ khả năng đáp ứng nhu cầu vận chuyển, đi lại hằng ngày.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới đường sắt đô thị được xem như xương sống của VTHKCC trong TP nhưng còn chậm phát triển. Hiện mới chỉ có một tuyến số 2A Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành. TP còn có mạng lưới xe buýt phủ sóng đến toàn bộ các xã, phường, thị trấn với 153 tuyến, tuy nhiên, do thiếu đường dành riêng, phải lưu thông chung với xe cá nhân, và chịu áp lực từ ùn tắc giao thông nên chưa bảo đảm được yêu cầu của hành khách.

Phân vùng hạn chế có khả thi?

Thực hiện Chỉ thị số 23 - CT/TW ngày 25/5/2023 của Ban Bí thư T.Ư Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới, Chính phủ đã đưa ra Chương trình hành động tại Nghị quyết số 149/NQ - CP, ban hành ngày 21/9 vừa qua. Một trong những nội dung của chương trình là tăng cường quản lý hoạt động vận tải, ưu tiên đầu tư phát triển VTHKCC, chuyển đổi sang các phương tiện giao thông xanh gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông tại các đô thị lớn.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐNĐ năm 2017 về “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. Trong đó có nêu giải pháp hạn chế xe cá nhân để giảm thiểu ùn tắc giao thông.

Điều đó cho thấy, hạn chế phương tiện cá nhân là một trong những giải pháp cấp bách, quan trọng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, được Đảng, Nhà nước và các địa phương chú trọng, quyết tâm thực hiện. Có ý kiến cho rằng, với hoàn cảnh hiện tại, các đô thị lớn có thể nghiên cứu phân vùng, hạn chế dần hoạt động của xe cá nhân tại những khu vực đã phát triển VTHKCC.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng cho rằng, việc phân vùng sẽ khó đem lại hiệu quả cũng như sự ủng hộ của người dân. “Ví dụ cấm xe máy trên tuyến Nguyễn Trãi chẳng hạn, người dân sẽ phải đi tránh, áp lực lại đổ dồn sang những tuyến song song hoặc kế cận.

Như thế sẽ không cải thiện được rõ nét tình trạng giao thông, thậm chí có thể gây phản cảm”. Theo ông Đỗ Văn Bằng, trong thời gian đầu tư, xây dựng thêm nhiều tuyến đường sắt đô thị, hoàn thiện mạng lưới VTHKCC, Nhà nước chỉ nên tập trung tuyên truyền để người dân hiểu rõ hơn lợi ích của việc sử dụng VTHKCC.

Bên cạnh đó, như Phó Giám đốc Trung tâm III, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Đỗ Xuân Trường nhận định: “Việc phát triển hệ thống VTHKCC của Hà Nội kém xa so với mục tiêu trong quy hoạch có nguyên nhân do đặt mục tiêu quá cao so với khả năng thực hiện, và chưa phù hợp tiến trình phát triển kinh tế - xã hội và tái cấu trúc đô thị”. Việc đặt mục tiêu quá cao khiến Hà Nội phải phân tán nguồn lực vào nhiều hạng mục giao thông đô thị, thiếu sự tập trung cần thiết cho VTHKCC, đặc biệt là đường sắt đô thị. Nếu hình thành được thêm một vài tuyến đường sắt đô thị, việc phân vùng hạn chế xe cá nhân mới có thể nghiên cứu, thử nghiệm.

Có thể khẳng định, hạn chế phương tiện cá nhân là giải pháp vô cùng quan trọng nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường. Nhưng muốn thành công, tiên quyết phải phát triển mạng lưới VTHKCC đủ năng lực, hiện đại, văn minh. Đây là nhiệm vụ rất nặng nề, đặc biệt là với những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh… dù vậy các bộ, ngành, địa phương vẫn phải làm và không thể bàn lùi!

Chính phủ đã yêu cầu Bộ GTVT cùng các bộ, ngành T.Ư phối hợp với các địa phương trong công tác quản lý, phát triển giao thông đô thị hướng tới văn minh, hiện đại, thân thiện môi trường, lấy giao thông công cộng làm nền tảng. Xây dựng hoàn thiện các tuyến VTHKCC khối lượng lớn tại các đô thị loại I; tiếp tục xây dựng, đẩy nhanh hoàn thiện mạng lưới đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Tổ chức giao thông theo hướng khuyến khích nâng cao tỷ lệ VTHKCC phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

 

Lộ trình hạn chế xe cá nhân tại các đô thị lớn như Hà Nội phụ thuộc rất lớn vào mạng lưới VTHKCC. Phải có nhiều tuyến đường sắt đô thị làm chủ lực, với hệ thống xe buýt, xe đạp công cộng rộng khắp hỗ trợ trung chuyển hành khách thì mạng lưới VTHKCC mới đủ năng lực thay thế xe cá nhân.
Chuyên gia giao thông Đỗ Cao Phan