Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn chế xe cá nhân trong nội thành Hà Nội: Không thể chờ đợi nữa

Nguyễn Văn Dư - Chuyên gia tư vấn cao cấp Dự án TRAHUDII - JICA
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vài chục năm trước, giao thông công cộng (GTCC) của Hà Nội còn rất hạn chế, người dân chủ yếu đi lại bằng xe đạp.

Rồi xe máy xuất hiện, với sự cơ động, tiện lợi, đã thay đổi hẳn tập quán đi lại của người dân. Nhưng nhiều năm trở lại đây, cùng với quá trình đô thị hóa, dân số Hà Nội tăng cao, lượng xe máy cũng tăng chóng mặt, vượt quá khả năng đáp ứng của hạ tầng.
Chẳng giống nơi nào trên thế giới
Có thể thấy sự phát triển của kết cấu hạ tầng giao thông tại Hà Nội chưa tương xứng với sự phát triển đô thị, mất cân đối nghiêm trọng với tốc độ gia tăng phương tiện giao thông. Ví dụ, giai đoạn 2011 - 2016 tốc độ tăng về chiều dài đường đô thị là 3,85%/năm, về diện tích là 0,25%/năm. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng phương tiện ô tô là 12,9%/năm, xe máy là 7,6 %/năm.
 Xe buýt nhanh BRT hoạt động trên đường Láng Hạ, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
GTCC cũng đã khởi sắc nhưng chưa là chủ lực và chưa hấp dẫn người dân nên mới chỉ giải quyết được trên 10% nhu cầu đi lại. Các phương tiện cá nhân, chủ yếu là xe máy đang được người dân lựa chọn làm phương tiện chính lưu thông trong TP. Cùng với đó, tình trạng kỷ cương lỏng lẻo, việc chấp hành luật lệ giao thông, văn hóa trong giao thông chưa tốt. Bức tranh giao thông của Hà Nội với lượng xe máy cực lớn, không giống với bất cứ TP nào trên thế giới, với những gam màu chủ đạo là UTGT, mất trật tự, ATGT và ô nhiễm môi trường.
Trước tình hình đó, HĐND TP Hà Nội đã có một quyết định rất kịp thời và hợp lý là ban hành Nghị quyết số 04/2017/NQ - HĐND thực hiện Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm UTGT và ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Xu thế chung của đô thị Hà Nội là nhu cầu đi lại sẽ ngày càng lớn. Muốn có một nền giao thông văn minh, hiện đại, bền vững, không ùn tắc và ô nhiễm, TP cần chú trọng phát triển hạ tầng giao thông (cả động và tĩnh) cân đối với xây dựng đô thị. Gắn kết với phát triển giao thông thông minh phục vụ công tác điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người thấy lợi ích trong việc sử dụng GTCC. Đặc biệt khuyến khích cán bộ Nhà nước sử dụng GTCC và các DN có cơ chế hỗ trợ người lao động sử dụng GTCC.
Tổ chức lại giao thông
Tuy nhiên không thể chờ đợi, mà trước hết cần thay đổi thói quen và tập quán đi lại của người dân bằng cách tổ chức lại giao thông, thay đổi một số chính sách trong lĩnh vực này theo hướng ưu tiên sử dụng GTCC, hạn chế xe cá nhân. Phải làm sao cho người dân từng bước từ bỏ và cảm thấy yên tâm khi từ bỏ phương tiện cá nhân, nhất là xe máy để sử dụng GTCC.
Cùng với đó, tổ chức lại giao thông, từng bước chấm dứt tình trạng giao thông “từ cửa đến cửa” bằng xe máy. Loại bỏ hoàn toàn tình trạng để xe máy, xe đạp và buôn bán trên vỉa hè. Sắp xếp người buôn bán trên hè vào nơi cố định không ảnh hưởng đến giao thông, không để tình trạng người đi xe máy dừng đỗ ghếch chân lên hè là mua được hàng, tạo hệ thống đường phố thông thoáng và thân thiện với người đi bộ.
Tất cả các trục đường dẫn vào TP cần xây dựng các bãi trông giữ xe giá thật rẻ và thuận tiện để khuyến khích người dân gửi xe máy, chuyển sang sử dụng phương tiện GTCC vào trung tâm TP. Tại đây cũng nên đặt các trạm thu phí sử dụng đường vào nội đô đối với ô tô, xe máy. Phí đó sẽ dùng để xây dựng hạ tầng và hỗ trợ GTCC. TP cũng cần ban hành Quy định cụ thể về xe máy cũ nát và tiêu chuẩn xả khí thải ra môi trường để làm cơ sở xử lý và loại bỏ các phương tiện mất ATGT và gây ô nhiễm môi trường.
Để giải quyết vấn đề giao thông đô thị nhất thiết phải quản lý nhu cầu giao thông; xây dựng giao thông thông minh trong tổng thể của TP thông minh. Nên gắn quy hoạch đô thị theo hướng lấy GTCC làm trung tâm, làm cơ sở phát triển hạ tầng, đầu tư và ưu tiên phát triển GTCC sao cho đến năm 2030 đáp ứng khoảng 50 - 60% nhu cầu đi lại trong nội đô, tạo thói quen sử dụng GTCC. Bên cạnh đó, có cơ chế chính sách phù hợp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông cá nhân, tiến tới không sử dụng xe máy trong nội đô.

Đấu tranh chống ùn tắc và tai nạn giao thông, về một khía cạnh nào đó, cũng giống như một “cuộc chiến”, một cuộc “cách mạng” thực sự. Muốn giành thắng lợi nhất thiết phải xây dựng bằng được văn hóa trong lĩnh vực giao thông.