Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hạn cuối phân loại chất thải rắn vào cuối năm 2024 có khả thi?

Nhóm Hà Nội Xanh: Hồng Linh-Thuỵ Bảo-Diệp Trang-Gia Hân-Vũ Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để việc phân loại rác thải được giải quyết một cách triệt để thì việc triển khai phải rõ ràng từ nhiều khâu, đặc biệt là giáo dục nhận thức.

LTS: Luật Bảo vệ môi trường (BVMT) năm 2020 có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2022. Tại khoản 7 Điều 79 nêu rõ, chậm nhất là ngày 31/12/2024, hộ gia đình, cá nhân phải thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt. Điều này sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn trong việc tái sử dụng các chất thải đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thay đổi nhận thức của người dân trong sử dụng đặc biệt với lứa tuổi học sinh gen Z, gen Alpha, những người sẽ làm chủ tương lai đất nước. Trong khuôn khổ nghiên cứu nhỏ này, nhóm tác giả sẽ chỉ đề cập đến việc phân loại chất thải rắn trong các trường học tại địa bàn Hà Nội.

Rác bừa bãi trên một sân tập thể dục.
Rác bừa bãi trên một sân tập thể dục.

Bài 1: Phân loại rác thải tại trưởng học: Vẫn là câu chuyện cũ

Thế hệ học sinh genZ, gen Alpha chắc chắn đã được tiếp cận trực tiếp hoặc gián tiếp về việc cần thiết phải phân loại rác thải sinh hoạt hàng ngày, thực hành như thế nào. Tuy nhiên, để việc phân loại rác thải được giải quyết một cách triệt để thì việc triển khai phải rõ ràng từ nhiều khâu, đặc biệt là giáo dục nhận thức. Dạo quanh các trường học trên địa bàn Hà Nội có thể thấy một thực tế là học sinh của nhiều trường học còn chưa ý thức được việc này, nó có thể đến từ cá nhân mỗi học sinh hoặc do môi trường nhà trường chưa có kỷ luật chặt chẽ.

Thực trạng rác thải trong các trường học tại Hà Nội

Các trường học ở Hà Nội được chia thành 2 khu vực: khu vực nội thành và ngoại thành. Trong đó mô hình các trường học bao gồm: trường công lập, bán công, dân lập, và quốc tế. Thực tế cho thấy các trường khu vực nội thành, đặc biệt là các trường quốc tế, dân lập đã có những chiến dịch, hành động để nâng cao ý thức của giáo viên, học sinh trong việc sử dụng cũng như phân loại chất thải rắn tại nguồn từ khá sớm. Năm 2020, chương trình "Trường học tiên phong giảm thiểu và phân loại rác thải năm 2020" đã được thí điểm tại 21 trường học trên địa bàn quận Hoàn Kiếm (TP Hà Nội) cho kết quả chỉ trong 1 tháng, các trường này đã gom được 92 tấn rác, trong đó có 2,7 tấn rác tái chế. Đây là con số “biết nói”, tuy nhiên tiếng nói này vẫn còn “yếu ớt” và chưa lan rộng được đến hết các trường học trên thành phố. Thực tế cho thấy, mỗi ngày, các trường học trên địa bàn vẫn thải ra hàng tấn rác thải không được phân loại.

Thùng rác 1 ngăn “làm khó” cho người sử dụng.  
Thùng rác 1 ngăn “làm khó” cho người sử dụng.  

Nguồn rác thải đến từ đâu?

“Từ chính các thói quen sinh hoạt hàng ngày của chúng ta” bạn Trần Phạm Trà My học sinh lớp 11E0 trường THPT Marie Curie chia sẻ: “Mỗi ngày có hàng nghìn học sinh ở các trường học sử dụng túi nilon và nhựa để đựng đồ ăn, nước uống. Sau khi sử dụng, hầu hết chúng đều bị vứt bỏ và trở thành rác thải”.

Hoạt động ngoại khóa tại mỗi trường học như hội thao, hội chợ, các chương trình kỷ niệm những ngày lễ lớn… cũng góp phần gia tăng đáng kể các loại rác thải. Tại các hoạt động này, lượng người tham gia tăng đột biến (học sinh, phụ huynh, các nhà cung cấp dịch vụ…) kéo theo các loại rác thải như: bao bì đóng sẵn như vỏ chai, cốc, ống hút nhựa, vỏ hộp giấy… Hầu hết chúng không được tái sử dụng và vứt la liệt trên sân, trong thùng rác 1 cách lộn xộn.

Các hoạt động giảng dạy trong nhà trường cũng tạo ra một lượng lớn rác thải: giấy in bài, bút viết, túi đựng tài liệu, các dụng cụ phục vụ môn học mỹ thuật, kỹ thuật, sách vở, tài liệu tham khảo…

“Hàng năm nhà trường cũng có những hoạt động thu gom sách, đồ dùng học tập đã qua sử dụng để gửi tặng các học sinh nghèo tại một số trường vùng cao. Hoạt động này, nhằm nâng cao ý thức học sinh trong việc thực hành tiết kiệm cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường” - cô Mai Mai, giáo viên trường THPT Chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn cho biết.

Rác bị ném ngay cạnh thùng rác.
Rác bị ném ngay cạnh thùng rác.

Thực hiện chưa đồng bộ

Quy định rác thải sinh hoạt phải được phân loại thành 3 loại để giảm chi phí xử lý và giảm thiểu rác thải phát sinh tại nguồn, bao gồm: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác.
Như vậy, để phân loại được theo quy định, mỗi khu vực để rác của các trường học phải có thùng rác 3 ngăn để đựng các  rác thải này. Tuy nhiên theo khảo sát, nhiều trường đã có sự phân chia, nhưng chủ yếu tập trung vào 2 ngăn: rác tái chế và rác không tái chế. Mặc dù vậy kết quả còn rất hạn chế do việc thiếu ý thức của không ít học sinh, vì vậy rác thải vẫn bị vứt lung tung hoặc không đúng quy định. Một số trường học thậm chí chỉ có 1 loại thùng rác duy nhất và không được lắp đặt đầy đủ. Việc thu gom rác thải cũng chỉ được thực hiện 1 lần trong ngày, vì vậy nhiều khi những thùng rác này bị quá tải, đặc biệt trong những dịp tập trung đông người gây ảnh hưởng trực tiếp đến mỹ quan của nhà trường và sức khỏe, tâm lý của giáo viên, học sinh.
Chia sẻ về vấn đề này, thầy Hồng Thái – giảng viên Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nêu quan điểm, cần phải có một quy định chung về tiêu chuẩn phân loại rác tại các trường học theo từng cấp, có những hoạt động hợp lý để học sinh chủ động thực hiện. "Với đối tượng các học sinh từ cấp THCS trở lên, các em có thể tham gia vào một phần trong công tác thu gom, tái chế rác thải, tạo ra những sản phẩm có ý nghĩa" -  thầy Hồng Thái nhấn mạnh. 

(Còn nữa)