Tín hiệu khả quan
Trong những ngày qua, thông tin về đoàn tàu Cát Linh – Hà Đông đặc biệt gây chú ý với người dân Thủ đô. Đặc biệt là về tính khả thi trong việc phục vụ hành khách công cộng, giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Theo số liệu từ Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội, trong 7 ngày tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện thu tiền vé hành khách đi tàu Cát Linh – Hà Đông (từ 21/11 đến hết ngày 27/11). Đã có 1.421 chuyến tàu được đưa vào khai thác, tỉ lệ an toàn đạt an toàn đạt 100% chuyến/lượt.
Tổng lượt hành khách tàu vận chuyển trong thời gian này là 113.024 người. Hành khách vận chuyển bình quân mỗi ngày là 16.146. Tỷ lệ khách miễn phí 4%. Đáng chú ý, số vé tháng chiếm 20,3% cho thấy đã có nhóm hành khách lựa chọn đi thường xuyên bằng tàu trên cao. Thời gian tới đây, nhóm này còn có xu hướng tăng, trong khi khách đi trải nghiệm, tham quan dần giảm xuống đồng nghĩa là đường sắt Cát Linh – Hà Đông đã có tín hiệu tích cực gần như ngay lập tức cũng như nhận được sự tin tưởng của người dân trong TP.
Tàu trên cao dần nhận được sự tin tưởng của người dân Thủ đô. |
Thay đổi thói quen
Theo ghi nhận của PV Giaothonghanoi, các ga tàu Cát Linh – Hà Đông đến nay không còn tình trạng người dân chen chúc, xếp hàng quá lâu để được đi tàu. Ngay cả ở 2 ga đầu tuyến là Cát Linh và Yên Nghĩa, sự thông thoáng cũng diễn ra thường xuyên. Do tính tự động hóa cao nên người dân khi đến ga để nộp tiền vé tháng đều được thực hiện rất nhanh trong vài phút.
Anh Nguyễn Văn Tuyến (Thái Hà) cho biết, “Nhà tôi cách ga Thái Hà khoảng 6 -700m, do không có thói quen đi bộ nên quãng đường này ban đầu là trở ngại với tôi nếu không sử dụng phương tiện cá nhân như xe đạp, xe máy. Nhưng qua vài lần đi thử, tôi nhận thấy rằng không có gì quá khó khăn, hơn nữa ở các nước phát triển, người dân còn đi vài cây số. Do đó, tôi đã mua vé tháng tàu Cát Linh – Hà Đông để đi làm, và đi bộ tới ga mỗi ngày”.
Hàng chục nghìn chiếc vé tháng đã được phát hành trong 7 ngày đầu thu phí. |
Tuyến đường sắt 2A Cát Linh – Hà Đông dài 13km, tàu đi mất 23 phút nếu dừng tất cả 12 ga, thời gian dừng mỗi ga dự kiến 45 giây. Nếu tàu chạy từ điểm đầu - ga Cát Linh, đến điểm cuối - ga Yên Nghĩa và ngược lại không dừng chỉ mất 13 phút, không gặp bất kỳ trở ngại nào do chạy ở đường riêng. Do vậy, việc di chuyển của người dân khi đi lại các tuyến đường dọc theo dự án là rất nhanh chóng, thay vì phải rề rà trên những chiếc xe cá nhân như trước.
Về kết nối song song với phương tiện vận tải hành khách công cộng, dọc đường sắt có 52 tuyến xe buýt, riêng ga Cát Linh có 16 tuyến. Để giúp người dân thuận tiện kết nối xe buýt với đường sắt, Hà Nội đã bổ sung, điều chỉnh nhiều điểm dừng đỗ, xây thêm 14 nhà chờ.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông (tuyến 2A) có tổng mức đầu tư ban đầu năm 2008 là 8.769 tỷ đồng (552,8 triệu USD). Đến năm 2017, tổng vốn đầu tư tăng lên 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD). Dự án sử dụng vốn vay của chính phủ Trung Quốc và vốn đối ứng trong nước, nhiều lần điều chỉnh tiến độ. Trước đó, tàu trên cao Cát Linh – Hà Đông bắt đầu được đưa vào vận hành thương mại từ ngày 6/11 và hoạt động miễn phí đến hết ngày 21/11/2021. Trong thời gian miễn phí, tàu Cát Linh – Hà Đông đã vận chuyển trung bình 19 nghìn lượt hành khách vào những ngày trong tuần, ở cuối tuần, lượng khách trung bình là 30 nghìn lượt. Năm đầu tiên đưa vào hoạt động, dự án 2A Cát Linh - Hà Đông sẽ được chia làm 2 giai đoạn vận hành. Cụ thể, ở 6 tháng đầu, có 6 tàu chạy. Giai đoạn 6 tháng sau, số đoàn tàu được tăng lên thành con số 9, đạt 100% công suất tối đa. |