Kể từ đầu mùa Hè, hoạt động biểu tình, đình công đã diễn ra tại nhiều ngành dịch vụ ở châu Âu, trong đó nhiều nhất là ngành hàng không. Bên cạnh tình trạng thiếu hụt nhân lực, các cuộc đình công đòi tăng lương diễn ra tại nhiều sân bay khắp châu Âu trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, đặc biệt là giá năng lượng, khiến đời sống gặp khó khăn.
Vì sao các sân bay châu Âu rơi vào tình trạng hỗn loạn?
Theo giới phân tích, ngành hàng không châu Âu đã không dự báo trước được rằng nhu cầu đi lại sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi các nước nới lỏng biện pháp ngừa Covid-19.
Dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 đã khiến việc di chuyển bằng đường hàng không “đóng băng” khi các biên giới bị đóng cửa để ngăn chặn đại dịch. Trong 2 năm tiếp theo, ngành hàng không châu Âu tiếp tục đối mặt với giai đoạn khó khăn nhất khi lượng hành khách đạt mức thấp nhất mọi thời đại. Trong giai đoạn chưa từng có này, hàng chục nghìn nhân công đã bị sa thải và hơn 2 triệu việc làm bị mất trong lĩnh vực này trên toàn cầu. Tại Ireland, sân bay Dublin đã sa thải khoảng một phần tư nhân viên, những người còn lại bị treo lương hoặc cắt giảm lương.
Hiện các sân bay và hãng hàng không tại châu Âu đang phải vật lộn để bổ sung lượng nhân lực bị thiếu hụt nghiêm trọng trong bối cảnh ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ. Cơ sở hạ tầng hàng không của châu Âu hiện đang đối mặt với tình trạng căng thẳng khi hàng loạt chuyến bay được thực hiện trở lại vào mùa Hè này. Các sân bay hỗn loạn khi hành khách gặp các vấn đề hành lý thất lạc, lỡ chuyến và phải chờ hàng giờ đồng hồ. Trên khắp lục địa châu Âu, các máy bay phải xếp hàng dài chờ nhiều giờ để thực hiện các biện pháp kiểm soát an ninh, dẫn đến thời gian khởi hành bị trì hoãn nghiêm trọng và gia tăng các chuyến bay bị hủy.
Theo dự báo của Tổ chức Du lịch Thế giới, lượng khách du lịch quốc tế trong năm 2022 sẽ phục hồi khoảng 70% mức trước đại dịch, trong đó số du khách đến châu Âu sẽ đạt mức tăng trưởng cao nhất thế giới. Chỉ tính trong ba tháng đầu năm 2022, lượng khách quốc tế đến châu Âu tăng tới 280%, gấp gần 4 lần so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi đó, lượng khách du lịch đến khu vực châu Mỹ chỉ tăng 117% so với cùng kỳ năm 2021.
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo số du khách đến châu Âu trong năm nay sẽ phục hồi khoảng 86% so với lượng khách trong năm 2019 trước khi phục hồi hoàn toàn vào năm 2024.
Ông John Holland-Kaye, Giám đốc điều hành sân bay Heathrow ở London, nói với thời báo Financial Times hồi tuần trước: “Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tại châu Âu trong những tháng gần đây đã tăng trưởng vượt xa khả năng mở rộng quy mô của ngành này”. Ông Holland-Kaye cảnh báo tình trạng quá tải tại sân bay Heathrow có thể kéo dài trong vòng 18 tháng tới. "Doanh thu bị ảnh hưởng từ việc giá năng lượng tăng kỷ lục, cùng với chi phí cho đầu tư hạ tầng ở mức khá cao sẽ là những trở ngại lớn đối với lĩnh vực hàng không trong thời gian tới”.
Thêm vào đó, chi phí sinh hoạt tăng cao khiến các cuộc đình công đòi tăng lương liên tục diễn ra đối với các ngành hàng không tại châu Âu.
Để đối phó với tình trạng chậm trễ nghiêm trọng do thiếu nhân viên, sân bay Barajas tại Madrid (Tây Ban Nha) đã thực hiện đợt tuyển dụng nhân viên mới sau khi hãng hàng không này ghi nhận 15.000 hành khách bị lỡ chuyến kể từ tháng 3 do phải chờ đợi làm thủ tục.
Schiphol tại Hà Lan - một trong những sân bay bận rộn nhất châu Âu, đã đồng ý trả thêm khoảng 5,25 euro (tương đương 5,50 USD) mỗi giờ trong mùa hè năm nay cho khoảng 15.000 nhân viên ninh. Hiện sân bay này mới tuyển thêm được 500 nhân viên an ninh trong bối cảnh đang thiếu hụt khoảng 10.000 nhân công so với trước thời điểm đại dịch bùng phát.
Trong khi đó, công ty an ninh ICTS tại sân bay Charles de Gaulle (Pháp) thông báo áp dụng mức thưởng 180 euro cho người lao động hoãn nghỉ phép đến sau ngày 15/9 và 150 euro với nhân viên đăng ký tuyển dụng mới.
Tuy nhiên, lãnh đạo các sân bay tại châu Âu nói rằng việc tuyển dụng chỉ là bước khởi đầu. Các vị trí cần được lấp đầy được quy định rất chặt chẽ và yêu cầu đào tạo chuyên gia có thể mất hàng tháng để hoàn thành.
Làn sóng đình công sẽ sớm kết thúc?
Tình trạng hỗn loạn tại các sân bay ở châu Âu được dự báo sẽ kéo dài sang mùa Thu khi làn sóng đình công từ đầu mùa Hè vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Mùa Hè là thời gian cao điểm hoạt động du lịch song ngành hàng không châu Âu đã hứng chịu hàng loạt các vụ đình công, do đó dịch vụ hàng không phần nào bị ảnh hưởng. Khoảng 60% các chuyến bay bị hủy trên toàn thế giới trong tháng 8 này được báo cáo tại các sân bay ở châu Âu. Theo phân tích của Cirium, hơn 15.700 chuyến bay dự kiến vào tháng 8 đã bị hủy tại khu vực này.
Các hãng hàng không lớn của châu Âu, gồm: Lufthansa, British Airways, EasyJet, KLM và Wizz Air đã phải hủy hàng nghìn chuyến bay trong mùa Hè năm nay do cuộc khủng hoảng nhân lực. Trong khi đó, sân bay Heathrow tại London và Schiphol tại Amsterdam đã giảm số lượng vé máy bay bán ra vào mùa Thu sắp tới. Hãng British Airways mới đây đã thông báo hủy 10.000 chuyến bay đến cuối tháng 10 để đối phó với áp lực thiếu hụt nhân viên hàng không.
Ngày 22/8, hãng hàng không giá rẻ của Ireland Ryanair đã hủy 6 chuyến bay tại Tây Ban Nha do phi hành đoàn bắt đầu cuộc bãi công 4 ngày. Trong khi đó, có 28 chuyến bay bị chậm chuyến.
Hai tháng trước, các phi hành đoàn của hãng hàng không Ryanair cũng liên tục tiến hành các cuộc bãi công. Các nghiệp đoàn USO và SITCPLA đã kêu gọi phi hành đoàn thực hiện làn sóng bãi công 24 giờ thứ 3 trong thời gian từ ngày 15/8/2022 đến 7/1/2023 với lý do Ryanair đã từ chối "tham gia vào bất kỳ cuộc đối thoại nào" liên quan đến những khiếu nại về vấn đề tiền lương và điều kiện làm việc. Các cuộc bãi công phi hành đoàn của Ryanair sẽ diễn ra từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần.
Trước đó, từ ngày 12/8, phi công của hãng hàng không EasyJet tại Tây Ban Nha đã tiến hành cuộc bãi công 3 ngày/tuần kêu gọi phục hồi quyền lợi người lao động như trước thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Dự kiến, lần bãi công tiếp theo sẽ diễn ra vào 27/8. Ước tính, khoảng 1,4 triệu hành khách sẽ bị ảnh hưởng.
Người phát ngôn của Lufthansa cho biết điều tồi tệ nhất của tình trạng hỗn loạn chưa chấm dứt với hãng hàng không quốc gia của Đức. Phát biểu với truyền thông Đức, ông Christina Foerster – một thành viên của hội đồng quản trị Lufthansa nói rằng hãng vẫn đối mặt nhiều thách thức khi chưa thể sớm giải quyết được tình trạng thiếu hụt nhân viên vào đúng mùa cao điểm. “Việc hủy chuyến với một số tuyến bay trong nước là khó tránh, và tình hình sẽ chỉ được cải thiện đáng kể vào cuối tháng 10 tới,” ông Foerster nói thêm.
Trong khi đó, hoạt động tại sân bay bận rộn nhất của Đức Frankfurt đang trong tình trạng quá tải và đã phải giảm tần suất chuyến bay mỗi giờ từ 96 xuống 88 cho đến khi có thông báo mới.
Giám đốc điều hành hãng Lufthansa Carsten Spohr cảnh báo rằng hoạt động tại các sân bay ở châu Âu sẽ rất khó quay trở lại bình thường vào cuối năm nay, và điều này cũng gây ra những trở ngại không nhỏ đến tốc độ phục hồi của ngành hàng không trong khu vực.
Chuyên gia hàng không John Strickland tại JLS Consulting nhận định: “Ngành hàng không châu Âu đã đánh mất cơ hội vàng để có thể đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng trong năm nay khi nhu cầu hồi sinh mạnh mẽ sau đại dịch Covid-19 chỉ vì cuộc khủng hoảng về nhân lực".