LTS: Thời gian qua, tình trạng vi phạm hồ chứa thủy lợi trên địa bàn Hà Nội diễn biến phức tạp, điển hình là tại huyện Sóc Sơn. Việc xử lý các vi phạm nghiêm trọng này được xem là hết sức cấp thiết nhằm bảo vệ nguồn nước, môi sinh; đặc biệt là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, trật tự xây dựng.
Vi phạm diễn ra trong thời gian dài
Trong số hàng chục vi phạm được thống kê từ đầu năm 2021 tại một loạt hồ chứa thủy lợi trên địa bàn huyện Sóc Sơn, trường hợp của ông Trần Ngọc Hà ở xã Phù Linh là nổi cộm. Ông Hà đã ngang nhiên đổ đất san lấp với diện tích lên tới hơn 1.800m2 ven hồ Đồng Quan. Không chỉ dừng ở đó, ông này còn tự ý xây tường đá dài 66m2 chạy dọc khu đất san lấp trộm ven hồ.Đánh giá hiện trường thực tế của phóng viên cho thấy, vi phạm này không thể diễn ra trong một sớm một chiều, bởi khối lượng và diện tích đất đá được đổ trái phép ven hồ Đồng Quan là rất lớn. Ông Trần Ngọc Hà thậm chí còn lập hàng rào chắn, lắp cửa sắt và quây lưới xung quanh để ngăn không cho người ngoài ra vào.
Khu vực ông Trần Ngọc Hà đổ đất san lấp với diện tích lên tới hơn 1.800m2 ven hồ Đồng Quan. Ảnh: Trọng Tùng |
Ngày 18/5/2021, phóng viên cũng đã mục sở thị hàng chục vi phạm khác ven hồ Đồng Đò (thuộc địa phận xã Minh Trí). Có thể điểm mặt, chỉ tên một số vi phạm như: Trường hợp của bà Lê Thị Lan Hương đổ đất với diện tích lên đến 600m2, hay ông Trần Huy Hùng xây dựng tường bao với diện tích 40m2. Ngoài ra còn nhiều vi phạm xây tường đá, nhà vệ sinh, bậc thang lên xuống lòng hồ…Gần như toàn bộ các vi phạm kể trên đều là những công trình kiên cố, cần nhiều thời gian để có thể hoàn thành. Tuy nhiên đến nay, loạt công trình vi phạm tập trung chủ yếu tại ba hồ chứa: Đồng Đò, Đồng Quan và Ban Tiện vẫn tồn tại bất chấp quy định pháp luật. Điều này khiến nhiều người không khỏi bức xúc đặt câu hỏi: Liệu đơn vị được giao quản lý các hồ chứa có buông lỏng hay không?Nhiều vi phạm không rõ ai gây raLiên quan đến câu hỏi về trách nhiệm quản lý vi phạm ven các hồ chứa thủy lợi, Phó Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Sóc Sơn (thuộc Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi Hà Nội) Nguyễn Văn Huyền thừa nhận, việc các vi phạm xảy ra trên quy mô diện tích và với khối lượng lớn, trong thời gian dài là có một phần trách nhiệm của đơn vị. Theo ông Huyền, thực tế tại ba hồ chứa kể trên, đơn vị đều có trạm quản lý. Cán bộ, nhân viên túc trực 24/24h tại trạm, thường xuyên thực hiện việc giám sát xung quanh các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, việc xác định vi phạm gặp nhiều khó khăn và trên thực tế, vẫn gia tăng một cách thiếu kiểm soát.Theo lý giải của đại diện Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn, sở dĩ có tình trạng trên là bởi các đối tượng tổ chức dựng rào chắn, quây lưới, lắp cửa bảo vệ xung quanh khiến việc nhận diện vi phạm là không dễ. Thêm nữa, các hoạt động vi phạm cũng thường diễn ra chủ yếu về đêm, hoặc ngày nghỉ lễ. Do đó, việc bắt tại chỗ là rất khó. Đây cũng là nguyên nhân khiến một số vi phạm hồ chứa hiện nay được Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn ghi nhận nhưng chưa xác định được chủ thể vi phạm là ai (?!).Đối với việc phối hợp xử lý các công trình vi phạm hồ chứa, hiện nay Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn nói riêng, các DN thủy lợi của Hà Nội nói chung đều thực hiện theo Hướng dẫn số 144/HD-SNN của Sở NN&PTNT Hà Nội. Mặc dù vậy, trong thực tế quá trình xử lý, các địa phương thường kêu khó do thiếu cơ sở để xây dựng phương án giải tỏa.“Từ trước đến nay, đối với các vi phạm công trình thủy lợi, đơn vị đều thực hiện theo đúng Hướng dẫn số 144/HD-SNN. Nếu địa phương thấy vướng mắc thì phải có ý kiến. Tuy nhiên, gần như không một địa phương nào phản hồi lại về khó khăn, bất cập. Việc xử lý các vi phạm bởi vậy cũng rất chậm…” - ông Huyền cho biết thêm.
Theo thống kê của Xí nghiệp thủy lợi Sóc Sơn, từ đầu năm 2021 đến nay, đơn vị này ghi nhận 38 vi phạm hồ chứa thủy lợi. Các vi phạm chủ yếu là hành vi đổ đất đá, san lấp lòng hồ, xây dựng tường bao... tập trung tại ba hồ chứa gồm: Đồng Đò, Đồng Quan và Ban Tiện. |