Trong đơn thư gửi đến báo Kinh tế & Đô thị, nội dung cư dân Ecohome Phúc Lợi phản ánh tập trung vào các vấn đề như: Việc gửi tiền quỹ bảo trì 2% vào ngân hàng chậm, dẫn đến hụt thu một số tiền lãi lớn; sử dụng quỹ quỹ bảo trì thiếu hiệu quả, thiếu minh bạch theo các quy định của pháp luật và một số vấn đề trong vận hành chung cư.
Theo phản ánh, sau hơn 1 năm hoạt động, từ ngày 13/1/2019 đến tháng 6/2020, BQT chung cư Ecohome Phúc Lợi không có một báo cáo nào về hoạt động cũng như việc bàn giao quỹ bảo trì từ phía chủ đầu tư là Công ty CP Thương mại Thủ Đô.
Đến cuối tháng 6/2020, BQT chung cư Ecohome Phúc Lợi công bố việc từ nhiệm của ông Trưởng BQT và một Phó Ban, BQT chung cư Ecohome Phúc Lợi mới đề xuất tổ chức hội nghị nhà chung cư bất thường.
Phản ánh của cư dân cũng đề cập đến việc BQT gửi tiền bảo trì 2% (khoảng 17 tỷ đồng) vào ngân hàng có nhiều vấn đề không đúng quy định. Theo đó, khi nhận được tiền từ chủ đầu tư, BQT đã gửi chậm khoảng 80 ngày, gây thất thoát một khoản tiền lãi lớn. Nguyên nhân của việc chậm gửi tiền này được BQT trả lời là do ngân hàng giao dịch đang thay đổi logo nên không thực hiện giao dịch hợp đồng. Điều này theo cư dân là hoàn toàn không thuyết phục. Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị sẽ liên hệ với ngân hàng để nắm rõ hơn thực hư về vấn đề này.
Cũng về quỹ bảo trì, cư dân đã có đơn tố giác gửi cơ quan điều tra Công an quận Long Biên về việc BQT không có biên bản, hoặc báo cáo bằng văn bản số tiền cả gốc lẫn lãi đã nhận được chủ đầu tư; gửi tiền quỹ bảo trì 2% không thông qua hội nghị nhà chung cư về việc chọn cơ sở tín dụng, không có thư mời đấu thầu các ngân hàng về dịch vụ tiền gửi để cư dân lựa chọn và quyết định; gửi tiền vào ngân hàng với thời hạn gửi tiền 2 năm vượt quá thời gian bắt buộc tổ chức hội nghị nhà chung cư thường niên hàng năm…
Các cư dân cũng phản ánh, hiện tại, đến thời điểm này mới có 4 hợp đồng tiền gửi của 5 tài khoản thông báo, hợp đồng tiền gửi không rõ ràng về việc người đứng tên chủ sở hữu hoặc đồng sở hữu. Tài khoản trù bị gửi không kỳ hạn lãi suất 0,2% là 1,5 tỷ đồng - 1,7 tỷ đồng (tạm tính) gây lãng phí trong khi đã có kế hoạch kinh phí bảo trì cả năm 2019 tại hội nghị nhà chung cư. Tất cả các hoạt động tài chính không được báo cáo hoặc kế toán thống kê thông báo rộng rãi trong cộng đồng cư dân.
Ngoài ra, việc lắp đặt camera theo dõi thang máy theo hình thức xã hội hóa có những vấn đề cần làm rõ. Đó là việc toàn bộ 10 camera cầu thang máy và 6 camera giám sát tầng thượng đều sai chỉ số diễn giải theo hợp đồng được ký giữa 2 bên.
Về công tác hút bể phốt, giám sát và ký hợp đồng hời hợt, công ty xử lý không có chức năng xả thải ra môi trường, không có phương án thi công theo quy định pháp luật. Cụ thể, số lượng nghiệm thu và thanh toán là 400m3 nhưng khi người dân phát hiện thì số lượng thực chỉ là 100m3.
“Tất cả những thông tin này, chúng tôi đã gửi đơn lên Công an quận Long Biên kèm theo các bằng chứng, dẫn chứng và đã làm việc với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận vào ngày 11/6/2020 để đề nghị cơ quan công an làm rõ vấn đề. Chúng tôi mong muốn các cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của BQT chung cư, những thành viên được bầu chọn vào ban quản trị cần chuyên tâm làm việc vì cộng đồng; có sự chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn nhất định về lĩnh vực quản lý và vận hành công trình nhà ở; có thể xử lý kịp thời những sự vụ phát sinh, nhất là vấn đề an ninh trật tự” - ông Nguyễn Minh Tuấn - phòng 2081, E1, chung cư Ecohome Phúc Lợi cho biết.