Hàng nghìn hecta đất nông nghiệp ở Quảng Ngãi có khả năng gặp hạn

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Nắng nóng kéo dài, trong khi nhiều công trình thủy lợi lại bị hư hỏng, xuống cấp khiến sản xuất vụ hè thu 2023 gặp nhiều khó khăn.

Trạm bơm “già” gánh 40 hecta

Vụ hè thu 2023 đã bắt đầu nhưng Trạm bơm Tân Hòa lại hư hỏng khiến nông dân ở xã Hành Tín Tây (huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vô cùng lo lắng.

Trạm bơm ngưng hoạt động khiến 40ha đất nông nghiệp không thể canh tác
Trạm bơm ngưng hoạt động khiến 40ha đất nông nghiệp không thể canh tác

“Cả chục sào lúa và hoa màu của tôi đều đợi nước. Khi nào trạm bơm hoạt động thì mới gieo sạ, trồng trọt được, còn không thì phải bỏ vụ hè thu”- ông Trần Thanh Hùng (xã Hành Tín Tây) lo lắng.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Hành Tín Tây Trần Ngọc Hồng cho biết, Trạm bơm Tân Hòa được xây dựng cách đây gần 20 năm nên đã hư hỏng, xuống cấp. Vị trí trạm ở gần sông, thấp trũng nên thường xuyên bị ngập nước vào mùa mưa lũ. Gần đây, hệ thống điện đứt gãy, máy bơm gặp sự cố nên không thể vận hành.

Trạm bơm xuống cấp sau nhiều năm hoạt động.
Trạm bơm xuống cấp sau nhiều năm hoạt động.

“Trạm ngưng hoạt động khiến 40 hecta đất nông nghiệp không canh tác được, người dân tìm đến HTX yêu cầu sửa chữa trạm bơm. Nhu cầu cấp bách mà lại không có kinh phí, tôi đành đi vay trước 30 triệu đồng sửa chữa tạm thời”, ông Hồng chia sẻ.

Hiện trạm bơm này hoạt động không liên tục, ngày có nước, ngày không. Người dân khu vực Tân Hòa phải xuống giống cầm chừng.

Sau khi khắc phục tạm, trạm bơm vẫn hoạt động không liên tục.
Sau khi khắc phục tạm, trạm bơm vẫn hoạt động không liên tục.

Xã Hành Tín Tây nằm ngoài vùng tưới thạch nham nên thường xuyên thiếu nước do nắng nóng kéo dài. Khi sông Vệ dần cạn nước, người dân đắp thêm đập tràn, đập bổi, đắp bờ để gom nước từ sông Vệ vào, bơm máy lên đồng ruộng. Do thiếu nước nên năng suất, sản lượng cây trồng sụt giảm trong vụ hè thu.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Nghĩa Hành, trong vụ này, toàn huyện có trên 2.200ha lúa đã xuống giống gieo sạ, ngoài ra còn có các loại cây trồng bắp, rau, dưa hấu, ớt, đậu các loại…theo chuyển đổi cây trồng chịu hạn.

Hành Tín Tây nằm trong số 5 xã ngoài vùng tưới của thạch nham.
Hành Tín Tây nằm trong số 5 xã ngoài vùng tưới của thạch nham.

“Vào vụ hè thu, tình trạng thiếu nước chủ yếu tập trung ở 5 xã nằm ngoài vùng tưới thạch nham gồm: Hành Tín Đông, Hành Tín Tây, Hành Nhân, Hành Dũng, Hành Thiện với diện tích khoảng 200 hecta. Huyện chỉ đạo các HTX chủ động nguồn nước tích trữ, tưới luân phiên từng đợt, không tưới đẫm, chủ động hồ đập, các giếng huyện đã hỗ trợ, nếu không đủ phải bơm nước để tưới”, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Nghĩa Hành Lê Quang Nhu cho hay.

1.900 hecta có khả năng bị hạn

Mặc dù chỉ mới đầu mùa nắng, nhưng Hồ chứa nước Hòa Hải, phục vụ nước nông nghiệp và nước sinh hoạt xã Bình Hải và xã Bình Hòa (huyện Bình Sơn) hiện đã xuống thấp, nước không tràn qua đập để chảy về phục vụ nông nghiệp. Trữ lượng nước thấp, ảnh hưởng cấp nước cho Nhà máy nước Bình Hải.

Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hải Phạm Cầu cho biết: “Hồ Hòa Hải có diện tích khoảng 1 hecta, được xây dựng từ những năm 1979, phục vụ tưới nông nghiệp cho cho xã Bình Hòa là khoảng 10-15 hecta, còn xã Bình Hải khoảng 25 hecta. Hiện giờ, lượng nước xuống thấp so với đập thoát nước, nếu không có mưa thì khoảng tháng 6 là hồ cạn”.

Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Quảng Ngãi dự báo, lượng mưa trong vụ hè thu năm 2023 có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm. Tổng diện tích sản xuất nông nghiệp có khả năng bị hạn là 1.900 hecta, có khoảng 3.500 người có khả năng thiếu nước sinh hoạt và 8.000 vật nuôi khả năng thiếu nước uống.

Tình hình nắng nóng có khả năng cao hơn trung bình nhiều năm. Các đợt nắng nóng gay gắt kéo dài chủ yếu tập trong giai đoạn từ tháng 5/2023 đến tháng 7/2023.

Hiện Quảng Ngãi chưa xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp.
Hiện Quảng Ngãi chưa xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp.

Theo Sở NN&PTNN tỉnh Quảng Ngãi, đến thời điểm hiện nay, trên địa bàn  chưa xuất hiện tình trạng hạn hán, thiếu nước đối với sản xuất nông nghiệp và dân sinh. Tuy nhiên, với tình hình nắng nóng gay gắt đang diễn ra trên diện rộng như hiện nay, có khả năng xảy ra hạn hán và xâm nhập mặn cục bộ vào cuối vụ hè thu năm 2023. Khu vực hạn hán, thiếu nước chủ yếu tại vùng tưới cuối kênh hoặc vùng tưới của các hồ chứa, đập dâng có quy mô nhỏ.

 

Quảng Ngãi có 800 công trình thủy lợi cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác với năng lực tưới thực tế hơn 48.9640 hecta. Trong số này, có 196 công trình được xây dựng từ trước năm 1989, hầu hết là các đập đất, bị sạt lở. Ngoài ra, các tràn xả, cống lấy nước, hệ thống kênh, đập dâng, trạm bơm…đều xây dựng đã lâu, xuống cấp, hư hỏng. Tỉnh đang triển khai thực hiện đầu tư sửa chữa, nâng cấp 18 hồ chứa nước, còn 21 hồ chứa nước bị hư hỏng, xuống cấp nặng cần được sửa chữa, nâng cấp để bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cũng đã có phương án chống hạn, tập trung vào tận dụng tối đa nguồn nước mặt, nước ngầm, …ưu tiên cấp nước sinh hoạt, công nghiệp, nước uống cho gia súc và các vùng lúa trọng điểm của tỉnh, có giải pháp tiết kiệm nước.

Đối với những vùng thường xuyên thiếu nước sinh hoạt như huyện đảo Lý Sơn, khu đông Bình Sơn, các xã ven biển Mộ Đức, thị xã Đức Phổ,…, giải pháp được đưa ra là kéo dài tuyến ống cấp nước, khoan giếng lấy nước ở tầng sâu. Nếu hạn hán xảy ra quy mô lớn, tổ chức lắp đặt các cụm máy bơm dã chiến dọc theo sông để cấp nước.

Tổng nhu cầu kinh phí phục vụ phòng, chống hạn trong vụ hè thu 2023 là 20 tỷ đồng, bao gồm các chi phí tiền điện, dầu vượt kế hoạch, nạo vét, sửa chữa cửa lấy nước, hệ thống kênh dẫn nước, sửa chữa công trình đầu mối, lắp đặt trạm bơm dã chiến, sửa chữa công trình cấp nước sinh hoạt.