Hàng nghìn phụ nữ Ấn Độ bị chồng bỏ rơi: Vì đâu nên nỗi?

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều người vợ đang sống mòn trong tình trạng bị xâm hại và không chốn nương thân.

Giống như nhiều phụ nữ khác ở bang Punjab, Sharndeep Kaur mong muốn kết hôn với một người chồng Ấn Độ làm việc ở nước ngoài để có cuộc sống sung túc hơn.

Ngày 13/1/2014, ước mơ dường như trở thành hiện thực khi cô kết hôn với Harjinder Singh, người vừa từ Italia về, và chuyển đến sống cùng gia đình chồng. Tuy nhiên, chỉ vài ngày sau, gia đình chồng đòi khoảng 10.000 USD để chồng cô có thể tái định cư ở Canada. Khi không nhận được tiền từ Kaur, họ bỏ đói và đánh đập cô. Kaur đã khiếu nại đến cảnh sát nhưng không nhận được bất kỳ sự hỗ trợ nào. Người chồng mà cô mới cưới trở lại Ý làm việc sau tám tuần kết hôn và không bao giờ quay lại.

Năm 2014, chồng Sharndeep Kaur trở lại Italia làm việc sau 8 tuần kết hôn và kể từ đó hai người không gặp mặt nhau nữa. Nguồn: The New York Times
Năm 2014, chồng Sharndeep Kaur trở lại Italia làm việc sau 8 tuần kết hôn và kể từ đó hai người không gặp mặt nhau nữa. Nguồn: The New York Times

Không chỉ trường hợp của Kaur, các quan chức Ấn Độ cho biết có hàng chục nghìn phụ nữ Ấn Độ đã bị chồng làm việc ở nước ngoài bỏ rơi, thậm chí nhiều người bị nhốt trong nhà chồng suốt nhiều thập kỷ theo phong tục địa phương.

Một số phụ nữ bị chồng bỏ rơi do hoàn cảnh thay đổi. Nhưng đa phần bị lừa ngay từ đầu để chiếm những khoản tiền hồi môn, chi phí tuần trăng mật và thị thực.

Hiện luật pháp gần như không có quy định đối với những trường hợp này, trong khi áp dụng luật để truy cứu trách nhiệm với những người đàn ông đang ở nước ngoài lại không mấy khả thi.

Tám người phụ nữ đã đệ đơn lên Tòa án Tối cao Ấn Độ yêu cầu chính phủ ban hành chính sách giải quyết vấn đề này. Một số người đang đấu tranh để tịch thu hộ chiếu của chồng họ. Ravneet Khural, một gia sư tiếng Anh, đều đặn hàng tuần gửi email nhắc nhở chính quyền hủy hộ chiếu của chồng cô - Harpreet Singh Dhiman.

“Có hơn 30.000 trường hợp như vậy ở bang Punjab” - Một cựu thẩm phán đứng đầu Ủy ban Điều tra ở bang này cho biết.

Từ lâu, bang Punjab - nơi đa số có người dân theo đạo Sikh - đã phải vật lộn với tình trạng thất nghiệp và lạm dụng ma túy. Đa phần người dân nơi đây có thu nhập thấp, nợ nần chồng chất, thậm chí có người phải tự tử. Việc các trung tâm đào tạo tiếng Anh và công ty tư vấn thị thực mọc lên như nấm là bằng chứng của xu hướng ngày càng tăng tình trạng di cư ra nước ngoài. Thanh niên thường buộc người thân phải bán đất để giúp họ di cư.

“Đó là lý do tại sao mọi người đều muốn rời khỏi Punjab để thực hiện giấc mơ đổi đời” - Satnam Singh, một giáo viên đã nghỉ hưu, cho biết.

Ông cũng cho biết một số người chồng muốn thực hiện lời hứa đưa vợ ra nước ngoài, nhưng do nhiều nguyên nhân khác nhau như quy định nghiêm ngặt về thị thực,… đã ngăn cản họ thực hiện điều đó.

Chỉ còn một chiếc gối của cô Kaur trên chiếc giường đôi tại nhà chồng ở ngôi làng Pujab, Ấn Độ. Nguồn: The New York Times
Chỉ còn một chiếc gối của cô Kaur trên chiếc giường đôi tại nhà chồng ở ngôi làng Pujab, Ấn Độ. Nguồn: The New York Times

Một tình trạng đáng lo ngại khác cũng đang xảy ra, đó là gia đình nhà gái phải trả tiền hồi môn - một tập tục bị cấm từ lâu - cũng như tất cả mọi thứ, từ sính lễ, tiệc cưới và tuần trăng mật. Sau đám cưới, chồng bay ra nước ngoài còn vợ ở nhà chờ visa. Người chồng thường xuyên đòi tiền để làm thị thực, nhưng anh ta không bao giờ quay về. Người vợ thường không biết chữ, bị gia đình nhà chồng thường xuyên giám sát và gây tổn hại về mặt tâm lý.

“Thậm chí, một số phụ nữ bị các thành viên khác trong gia đình chồng xâm hại tình dục vì họ không còn nơi nào để đi” - Ông Rakesh Kumar Garg, người đứng đầu Ủy ban Nhà nước về vấn đề này, cho biết.

Trong một số trường hợp, người chồng đã dùng tiền hồi môn của vợ để trả cho các đại lý nhập cư để đến được các nước giàu có như Canada, nơi người theo đạo Sikh chiếm khoảng 2% dân số.

Ông Garg cho biết: “Các chàng trai đến, tận hưởng và rời đi với số tiền hồi môn. Sau đó, họ cưới người khác ở nước ngoài để có quốc tịch. Đó chính là phản bội!” 

Hiện ở Punjab có rất nhiều phụ nữ bị bỏ rơi. Giới chức cảnh báo tình trạng này có thể kéo dài nếu không có biện pháp xử lý kịp thời.