70 năm giải phóng Thủ đô

Hàng phục vụ Tết 2010: Báo động tình trạng nhập nhằng nhãn mác

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Việc vi phạm quy chế ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đang ở tình trạng báo động, đó là nhận định chung của đoàn kiểm tra số 5 - Ban Chỉ đạo 127 Trung ương sau 2 ngày ( 18-19/1) kiểm tra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2010 trên địa bàn Hà Nội.

KTĐT - Việc vi phạm quy chế ghi nhãn mác, xuất xứ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán đang ở tình trạng báo động, đó là nhận định chung của  đoàn kiểm tra số 5 - Ban Chỉ đạo 127 Trung ương sau 2 ngày ( 18-19/1) kiểm tra thị trường phục vụ Tết Nguyên đán 2010 trên địa bàn Hà Nội.

Động đâu cũng thấy sai phạm

Qua kiểm tra tại công ty TNHH Bánh kẹo Việt Pháp, địa chỉ xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức- đơn vị chuyên sản xuất hai mặt hàng là rượu votka và kẹo socola, đoàn kiểm tra đã phát hiện đơn vị này đã có những vi phạm  trong việc ghi nhãn mác hàng hóa. Mặc dù Chính phủ đã có Nghị định quy định rõ việc sử dụng tiếng Việt trong quá trình ghi nhãn mác hàng hóa. Quy định là vậy nhưng trên bao bì sản phẩm của công ty này đa phần được viết bằng tiếng nước ngoài. Ngoài ra, thành phần nguyên liệu sản xuất cũng chỉ ghi chung chung  là bột, đường, sữa, phụ gia… không đề cập chi tiết tỷ lệ phần trăm bao nhiêu. Nhưng quan ngại hơn cả là việc công ty này mặc dù đặt cơ sở sản xuất tại xã Dương Liễu nhưng trên bao bì công ty tự ý chuyển thành “Cụm Công nghiệp Dương Liễu” nơi đơn vị không đặt cơ sở sản xuất.

Việc vi phạm quy chế ghi nhãn mác hàng hóa không chỉ có ở các doanh nghiệp sản xuất mà cả trong khâu lưu thông cũng rất đáng quan ngại. Qua kiểm tra tại chợ Đồng Xuân cho thấy, hầu hết các cửa hàng kinh doanh mặt hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng đều có vi phạm. Tại quầy hàng bánh kẹo Tâm Thu, bầy bán sản phẩm ghi tên tiếng Việt là Đông trùng hạ thảo xuất xứ Tây Tạng. Chủ cửa hàng giới thiệu đây là hàng nhập khẩu nhưng ngoại trừ tên tiếng Việt do cửa hàng tự đề lên, bao bì sản phẩm toàn bộ bằng tiếng Trung Quốc và không có mác của đơn vị nhập khẩu và phân phối. Tại hầu hết các  quầy kinh doanh bánh mứt kẹo tình hình cũng tương tự. Chủ quầy Hạnh Dung số 98-B1 cho biết: Hầu hết mặt hàng bánh kẹo bầy bán tại quầy đều được nhập từ các đại lý trên phố Nguyễn Siêu, mỗi lần đóng túi nilon 5 kg đem về chợ Đồng Xuân kinh doanh chứ không phải nhập theo thùng hàng nên không rõ về xuất xứ sản phẩm.

Trước đó, ngày 9/1, kiểm tra tại cửa hàng 70 E Trần Xuân Soạn, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng chục bịch hạt dưa, hạt bí, hướng dương vi phạm qui chế nhãn mác, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tất cả các sản phẩm này đều của cơ sở sản xuất Anh Thắng, trên nhãn mác ghi rõ: ĐKCL-YTHN, năm 2001. Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế cho biết: “Đây là nhãn mác giả mạo, năm 2001 Sở Y tế Hà Nội không thể cấp giấy chứng nhận VSATTP cho các cơ sở sản xuất thực phẩm ở La Phù như ghi trên nhãn mác được, vì lúc này La Phù vẫn thuộc Hà Tây.

Ông Vương Trí Dũng-Chi cục phó Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đánh giá: Đây không phải là lần đầu tiên lực lượng chức năng Hà Nội phát hiện việc các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất nhập nhèm trong ghi nhãn mác hàng hóa. Vừa qua, lực lượng quản lý thị trường Hà Nội phát hiện Công ty TNHH Bắc Sơn – Hà Nội tung ra thị trường sản phẩm trà sâm Hàn Quốc nhưng do công ty sản xuất tại Việt Nam. Doanh nghiệp này một mực khẳng định rằng Trà sâm Hàn Quốc là tên sản phẩm, dòng chữ tiếng Anh và tiếng Hàn ghi trên bao bì thể hiện rằng sản phẩm “có nguồn gốc” từ Hàn Quốc chứ không phải “được sản xuất” tại Hàn Quốc.

Tăng cường kiểm tra hàng hóa

Ông Trần Thành Công – Cục phó Cục Quản lý Chất lượng Sản phẩm Hàng hóa – Bộ Khoa học & Công nghệ, trưởng đoàn kiểm tra số 5 - Ban Chỉ đạo 127 Trung ương bầy tỏ: Nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp, nhà phân phối vi phạm quy định ghi nhãn hàng hóa là bởi ý thức chưa cao, chạy theo lợi nhuận trước mắt, không đầu tư phát triển bền vững. Nhưng quan trọng hơn, phải kể đến sự chậm trễ của cơ quan quản lý nhà nước trong việc ban hành hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn chặt chẽ cho lĩnh vực ghi nhãn hàng hóa thực phẩm. 

Ồng Trịnh Văn Ngọc-Phó trưởng ban chỉ đạo 127 TP Hà Nội cho biết:  Nhằm ổn định thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân trước và sau Tết Nguyên đán 2010, không để người tiêu dùng mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, ngăn chặn hàng nhập lậu…  từ nay đến hết tháng 2/2010, lực lượng chức năng Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra diễn biến cung - cầu thị trường. Ban chỉ đạo 127/TW cũng tiến hành kiểm tra thị trường trước thông tin đang có tình trạng lợi dụng chương trình kích cầu tiêu dùng và chủ trương "Người Việt dùng hàng Việt" để đưa hàng nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào thị trường tiêu thụ trong dịp Tết Nguyên đán.

Được biết, từ cuối tháng 12/2009 đến nay, lực lượng chức năng Hà Nội đã tiến hành kiểm tra 2.137 trường hợp, đã ra quyết định xử lý 1.296 vụ, trong đó có 178 vụ nhập lậu, 73 trường hợp sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng, vi phạm sở hữu trí tuệ; Tổng số tiền thu hồi cho ngân sách nhà nước lên đến trên 18 tỷ đồng.