Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Tết dồi dào, không lo tăng giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, thời điểm này, các doanh nghiệp đã tích cực dự trữ hàng hóa, đồng thời tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi kích cầu mua sắm.

Sức mua dần hồi phục

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động thương mại dịch vụ tháng 11 diễn ra khá sôi động. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm 2022. Điều này khiến nhu cầu tiêu dùng lương thực, thực phẩm, các vật phẩm văn hóa, giáo dục và dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành tiếp tục duy trì xu hướng tăng so với cùng kỳ năm trước. Do đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11/2023 tăng 10,1% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 11 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 5.667 nghìn tỷ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 4.420 nghìn tỷ đồng, chiếm 78% và tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước; nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 11,4%; may mặc tăng 7,6%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 6,3%.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị  Big C. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị  Big C. Ảnh: Hoài Nam

Nhận định về sự phục hồi thị trường bán lẻ Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Nguyễn Anh Đức nêu rõ, từ tháng 7/2023, tiêu dùng nội địa đã trở về mức bằng giai đoạn trước dịch Covid-19, điều này cho thấy nhu cầu tiêu dùng đã có sự hồi phục nhất định. “Giai đoạn 2019-2020, bán lẻ hiện đại đóng góp 24% thị phần bán lẻ, trong dịch Covid-19 chỉ còn 16- 18% nhưng từ đầu năm đến nay đã quay lại con số 24%”- ông Đức nêu ví dụ

Các chuyên gia thương mại dự kiến từ nay đến cuối năm, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có thể tăng trở lại khi kinh tế trong nước đang lấy lại đà tăng trưởng, hoạt động giải ngân vốn đầu tư công tiếp tục được đẩy mạnh.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam

“Dự kiến, trong thời điểm Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, sức tiêu thụ hàng hóa của người dân sẽ tăng 10% so Tết Quý Mão 2023. Bên cạnh những mặt hàng thiết yếu, lương thực, thực phẩm… sức mua các mặt hàng như bánh kẹo, nước giải khát, quần áo, giày dép, trang thiết bị gia đình... sẽ tăng mạnh những tháng giáp Tết”- Nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam Vũ Thị Hậu dự báo.

Doanh nghiệp dự trữ hàng hóa kích cầu tiêu dùng

Để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân trong những tháng cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, các siêu thị đã chủ động dự trữ nguồn hàng với giá cả hợp lý, đồng thời tổ chức chương trình khuyến mại kích cầu. 

Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga cho biết, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các doanh nghiệp đảm bảo nguồn cung những mặt hàng sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán như xăng dầu, lương thực thực phẩm. “Hiện doanh nghiệp đã dự trữ lượng hàng tăng từ 10-25% so với cùng kỳ, trong đó tỉ trọng hàng Việt Nam, nhất là hàng nông sản địa phương, sản phẩm OCOP chiếm khoảng 90%”- bà Nga thông tin.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị điện máy Media Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị điện máy Media Mart. Ảnh: Hoài Nam

Hà Nội là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn. Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Sở Công Thương Hà Nội đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai kế hoạch phục vụ Tết. ổng trị giá dự trữ các nhóm hàng hóa tiêu dùng thiết yếu có nhu cầu cao trong dịp Tết trên 40.000 tỷ đồng, tăng khoảng 10% so với năm 2023.

Thực tế cho thấy, do kinh tế khó khăn nên người dân thắt chặt chi tiêu, vì vậy các doanh nghiệp bên cạnh việc dự trữ hàng hóa cũng tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, giảm giá qua đó kích cầu tiêu dùng cuối năm. Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Đỗ Tuệ Tâm, các chương trình kích cầu tiêu dùng vào thời điểm cuối năm là rất cần thiết để tạo ra một cú hích mạnh kích cầu tiêu dùng, qua đó giúp doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy sản xuất.

Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam
Người tiêu dùng mua hàng hóa tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Hoài Nam

Thông tin về việc tổ chức chương trình khuyến mại cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Kangaroo Phùng Thế Vinh cho biết, cuối năm là mùa vàng mua sắm lớn nhất trong năm của tất cả các doanh nghiệp. Vì vậy, Tập đoàn Kangaroo đã quyết định dùng nguồn ngân sách dành cho chi phí khuyến mại lớn nhất trong năm để cùng các địa phương, đối tác kích cầu tiêu dùng.
Trong khi đó, đế chuẩn bị cho Tết Giáp Thìn 2024, Tập đoàn Central Retail đã làm việc với các doanh nghiệp cung ứng đặt mua hàng hóa trong đó hàng Việt chiếm trên 95%. Để kích cầu tiêu dùng, từ ngày 27/12/2023 đến hết ngày 10/2/2024, doanh nghiệp cũng triển khai chương trình “Vui Tết Việt” giảm giá sâu từ 20-49% áp dụng với hàng ngàn sản phẩm bánh kẹo, mứt Tết và các sản phẩm thiết yếu khác…

Tương tự,  chuỗi bán lẻ, MM Mega Market Việt Nam cũng tổ chức chương trình khuyến mại “Đánh bại lạm phát, Mua hàng bình ổn, Tiết kiệm thông minh” qua đó giảm giá từ 10-30% cho hơn 1.000 mặt hàng thiết yếu.

Mặc dù các doanh nghiệp đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại, kích cầu tiêu dùng, tuy nhiên theo chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh, kể từ sau đại dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn về thị trường, vốn, thủ tục hành chính... Để giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn này cần sự vào cuộc của các cấp các ngành, hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt thị trường, đa dạng hóa sản phẩm với giá cả cạnh tranh. "Chúng ta phải tính đến lâu dài, đó là làm sao để chi phí sản xuất, lưu thông, kho bãi… phải giảm, lúc đó doanh nghiệp mới có thể giảm giá bán sản phẩm ở mức độ cao nhất, kích thích tiêu dùng của người dân”- ông Thịnh nhận định.