Hàng triệu trai Việt có nguy cơ “ế” vợ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng nay (27/9), T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tổ chức mít tinh, diễu hành "Chung tay giải quyết mất cân bằng giới tính khi sinh".

Chênh lệch giới tính tăng bất thường

Có thể nói, chưa bao giờ công tác dân số ở Việt Nam lại phải đối mặt với ngổn ngang thách thức như hiện nay. Trong khi nơi nghèo vẫn sinh quá nhiều, nơi giàu lại xuất hiện tâm lý không muốn sinh và lựa chọn giới tính. Chỉ tính riêng tại Hà Nội, nếu như năm 2013, tỷ số giới tính khi sinh đã ở mức 114 trẻ trai/100 trẻ gái, thì năm nay, con số đó là 116/100. Đặc biệt, ở một số quận, huyện, tỷ số giới tính khi sinh tăng đến mức rất đáng báo động như của huyện Đan Phượng lên đến 139/100, Phúc Thọ (134/100), Sóc Sơn (133/100)…
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ngày một gia tăng ở nhiều địa phương.
Tỷ lệ mất cân bằng giới tính đang ngày một gia tăng ở nhiều địa phương.
 
Thống kê của Bộ Y tế cũng cho thấy, số tỉnh, TP có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao ngày càng gia tăng. Nếu năm 1999 chỉ có 28 tỉnh, TP thì năm nay lên tới 40 tỉnh, TP. Điển hình như Hưng Yên (tỷ lệ 130,7/100), Hải Dương (120,2/100), Bắc Ninh (119,4/100)… Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến khi trực tiếp thị sát một số xã ở Đồng bằng sông Hồng cũng "giật mình", bởi có xã tỷ lệ này lên đến gần 150/100 lúc chào đời. "Mất cân bằng giới tính khi sinh ngày càng lộ rõ. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ phải đối mặt với tình trạng dư thừa từ 2,3 - 4,3 triệu nam giới không lấy được vợ. Hậu quả này chúng ta sẽ giải quyết như thế nào (?). Việt Nam chưa phải nước giàu như Hàn Quốc để "nhập khẩu" cô dâu ngoại” - Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến quan ngại. Mất cân bằng giới tính khi sinh còn ảnh hưởng tới cấu trúc dân số Việt Nam trong tương lai, dẫn tới việc dư thừa nam giới trong xã hội, gây mất an ninh trật tự, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế.

Chưa có biện pháp khả thi

Ông Nguyễn Đình Lân - Phó Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội cho biết, sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh ở Hà Nội trong năm nay khá bất thường. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này vẫn là do tâm lý muốn sinh nhiều con, thích con trai ở đa số cặp vợ chồng còn quá nặng nề. Cùng với đó, các dịch vụ lựa chọn giới tính khi sinh cũng khá phổ biến và đa dạng, tạo ra một thách thức rất lớn cho công tác kiểm soát tỷ số giới tính khi sinh: "Tôi đi kiểm tra tại một xã ở ngoại thành Hà Nội, cả xã có 25 cặp vợ chồng sinh con thứ ba thì trong đó có tới 21 cặp sinh con trai. Điều này chứng tỏ họ quyết tâm sinh thêm để có con trai và đã lựa chọn giới tính trước khi sinh" - Ông Lân cho biết.    

Còn Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Nguyễn Văn Tân cũng cho rằng, sự gia tăng tỷ số giới tính khi sinh còn có nguyên nhân do chế tài xử phạt các hình thức lựa chọn giới tính trước sinh chưa đủ sức răn đe, lãnh đạo chính quyền các địa phương chưa vào cuộc quyết liệt. Cho đến nay, lực lượng thanh tra mới phát hiện được 4 trường hợp vi phạm ở Hưng Yên và Kiên Giang. 

Ông Arthur Erken - Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam chỉ rõ, hiện nay, ở Việt Nam dịch vụ khám tiền sinh sản ngày càng phát triển nở rộ, siêu âm xác định giới tính, nạo phá thai bị lạm dụng. Việc giám sát phòng khám tư nhân, cơ sở siêm âm chưa sát sao, xử phạt hành vi chưa có. Tuy nhiên, điều cốt lõi của vấn đề lại nằm ở tư tưởng "trọng nam khinh nữ" ăn sâu vào tiềm thức của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, đó là tính gia trưởng, coi mọi quyền quyết định thuộc về nam giới. Vì vậy, tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở Việt Nam sẽ càng gia tăng, để lại những hệ lụy khôn lường cho tương lai đất nước.