Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng xách tay từ Nhật, EU đắt đỏ theo tỷ giá

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị Trâm (Văn Quán, Hà Đông) thường mua sữa, bỉm nội địa của Nhật cho con gái chưa đầy một tuổi. Chị cũng hay mua một số đồ dùng cho mẹ và bé của Đức.

Gần đây giá mặt hàng nào cũng tăng mạnh 7-10%. "Thấy giá tăng, mình có chạy sang một số shop xách tay khác để hỏi nhưng cũng đắt lên như thế, kể cả ở những hãng sữa, mỹ phẩm của Anh, Đức... Tính sơ sơ, chi phí cho con gái mỗi tháng có thể đội thêm 5-10%", chị kể.

Gần đây, nhiều đầu mối nhập hàng xách tay và nhận order đồ quốc tế từ châu Âu, Nhật - hai trong số những thị trường xách tay được nhiều chị em tin tưởng nhất - cũng liên tục than vãn trên các trang bán hàng online về việc tỷ giá tăng chóng mặt. Chị Ngọc, chủ một shop online chuyên nhập hàng xách tay Nhật tại Thái Hà (Hà Nội) than thở: "Từ khi tỷ giá rục rịch tăng mình đã liên tục nhắc nhở các mẹ đặt hàng sớm, mua sớm nhưng khi đó hầu hết vẫn nghĩ là các shop đang viện cớ để kích cầu chứ không tin. Từ cuối tháng 8 thì tỷ giá tăng mạnh quá nên tụi mình không cố giữ giá nữa, đành phải báo giá mới cho các mẹ".

 
Các đầu mối nhập hàng xách tay Nhật liên tục cảnh báo giá lên do đồng yên lên giá. Ảnh: Mai Anh.
Các đầu mối nhập hàng xách tay Nhật liên tục cảnh báo giá lên do đồng yên lên giá. Ảnh: Mai Anh.
Đầu tháng 9, một loạt cửa hàng thông báo mức giá mới cho lô sữa, mỹ phẩm vừa nhập về với lý do duy nhất là tỷ giá tăng cao. Một hộp sữa Nhật trước có giá 510.000-540.000 đồng nay lên 570.000-600.000 đồng. Tương tự, quần áo, giày dép từ Anh, Tây Ban Nha, Nhật... về Việt Nam cũng đắt hơn trước.

Hai tuần trở lại đây, không riêng đôla Mỹ, tỷ giá đồng euro, yen Nhật so với VND cũng xác lập mức giá mới khi tăng 5-9% so với thời điểm trước khi Trung Quốc mạnh tay phá giá nhân dân tệ (11/8) - sự kiện khởi đầu gây ra những xáo trộn trên thị trường tiền tệ quốc tế.

 Ngày 11/8, trong ngân hàng, hơn 24.000 đồng đổi được một euro (EUR) và giá một đồng yen Nhật Bản (JPY) là 176 đồng. Đến ngày 25/8, EUR vượt 26.000 đồng còn yen Nhật cũng lên 190 đồng. Trên thị trường tự do, các điểm thu đổi ngoại tệ cho biết có thời điểm đồng euro mỗi ngày lên vài giá.
Dù giảm nhẹ đầu tháng 9 nhưng giá bán đồng euro, yen Nhật vẫn tăng 5-7% so với giữa tháng 8 và xác lập mặt bằng giá mới.
Dù giảm nhẹ đầu tháng 9 nhưng giá bán đồng euro, yen Nhật vẫn tăng 5-7% so với giữa tháng 8 và xác lập mặt bằng giá mới.
Đến đầu tháng 9, giá EUR, JPY đã giảm nhẹ vài đồng so với ngày 25/8 nhưng vẫn cao hơn khoảng 6-7% so với trước đó nửa tháng. Trao đổi với VnExpress, cán bộ phòng quản lý ngoại hối một ngân hàng cho biết, đồng yen Nhật thực tế đã rục rịch tăng từ đầu tháng 8 còn đồng euro chỉ thực sự tăng mạnh sau những diễn biến từ Trung Quốc. Theo ông, việc Trung Quốc phá giá nhân dân tệ gây xáo trộn không nhỏ tại một số nền kinh tế. Riêng trong tháng 8, euro và yen Nhật đều tăng gần 3% so với USD. Trong khi đó, tháng 8 cũng là thời gian tỷ giá USD/VND có biến động mạnh khi nội tệ của Việt Nam bị phá giá 3% (tính cả đợt điều chỉnh tỷ giá và biên độ).