Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hành nghề công chứng: Quản chặt để tránh phát triển tràn lan

Tuấn Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để hạn chế các văn phòng công chứng (VPCC) “mọc” lên một cách ồ ạt, kém chất lượng, dẫn đến nguy cơ tranh chấp, khiếu kiện, vấn đề quan trọng là phải có các biện pháp quản lý chặt chẽ từ ngành Tư pháp.

Theo Cục trưởng Cục Bổ trợ Tư pháp (Bộ Tư pháp) Đỗ Hoàng Yến, trước khi có Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng (HNCC), việc phát triển các VPCC tại một số địa phương còn một số bất cập. Nổi lên là việc lập VPCC không hợp lý, phát triển “nóng”. Có địa phương cho phép thành lập tới 12 tổ chức HNCC trên một địa bàn cấp huyện, trong khi các huyện khác lại không có, dẫn tới việc người dân, DN gặp khó khăn trong thực hiện các yêu cầu công chứng. Tình trạng các tổ chức HNCC trên cùng địa bàn cạnh tranh không lành mạnh làm ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín nghề công chứng... Tình hình phát triển lộn xộn các VPCC trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa dẫn đến việc Bộ Tư pháp phải có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng phát triển tổ chức HNCC ở một số địa phương.
 Một văn phòng công chứng ở Hà Nội.
Theo Bộ Tư pháp, đến nay, cả nước có 1.003 tổ chức HNCC, phát triển có lộ trình và phân bổ hợp lý gắn với địa bàn dân cư thành một mạng lưới rộng khắp cả nước để phục vụ yêu cầu công chứng của người dân. Có thể nói, việc ban hành “Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề công chứng” là một chủ trương đúng đắn trong giai đoạn đầu thực hiện xã hội hóa hoạt động công chứng, đã khắc phục một số bất cập trong việc phát triển “nóng” các VPCC trên thực tế, tạo điều kiện thuận tiện cho người dân, DN trong việc thực hiện các yêu cầu công chứng.

Tuy nhiên, theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2019 thì điều 2 của Luật này sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công chứng bãi bỏ các quy định có liên quan đến Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức HNCC đến năm 2020. Xã hội hóa hoạt động công chứng bước sang một giai đoạn mới. Theo đó, không có quy định cụ thể về quy hoạch công chứng với số lượng ấn định cứng như trước đây.

Trên địa bàn TP Hà Nội có 122 tổ chức HNCC (10 phòng CC và 112 VPCC) với 464 công chứng viên. Năm 2018, Sở Tư pháp đã thực hiện thay đổi nội dung đăng ký hoạt động cho 93 tổ chức, cấp 69 thẻ công chứng viên. Các tổ chức HNCC đã công chứng được gần 390.000 hợp đồng, giao dịch.

Do đó, đảm bảo cho các VPCC hoạt động chất lượng, hiệu quả, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của người dân cần phải có biện pháp quản lý khác thay thế việc bỏ biện pháp quản lý nhà nước bằng “quy hoạch”. Cụ thể, nhiều ý kiến đề nghị khi xét duyệt hồ sơ đề nghị lập VPCC cần đảm bảo đúng các tiêu chí, tránh thành lập tràn lan, kém chất lượng, gây mất an toàn cho các hợp đồng, giao dịch dân sự. Các địa phương cần xây dựng kế hoạch rà soát, sắp xếp, phát triển tổ chức HNCC, công chứng viên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với nhu cầu công chứng của từng địa bàn cấp huyện, bảo đảm tổ chức HNCC phát triển gắn với địa bàn dân cư, đáp ứng đầy đủ nhu cầu công chứng các hợp đồng, giao dịch của người dân, DN và các cá nhân, tổ chức khác trong xã hội. Tránh việc phát triển tràn lan, tập trung quá nhiều tổ chức HNCC trên một khu vực dễ phát sinh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh hoặc phải chấm dứt, giải thể hoạt động của tổ chức HNCC vì không đủ nguồn việc, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, người dân và DN.

Bên cạnh đó, các cơ quan Tư pháp cần tăng cường thanh tra, kiểm tra quá trình hoạt động, xử lý nghiêm các sai phạm, thậm chí rút Giấy đăng ký hoạt động đối với VPCC hoạt động vi phạm, không tuân thủ điều kiện khi thành lập trong quá trình hành nghề.