Hạnh phúc lớn trong đời là được gặp Bác Hồ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn nửa thế kỷ trôi qua, nhưng ký ức về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc vẫn còn vẹn nguyên trong trái tim của nữ nhân viên phục vụ Lê Kim Minh. Ký ức ấy như một báu vật thiêng liêng mà mỗi lần chạm vào đều khiến bà bồi hồi xúc động đến nghẹn ngào.

"Hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời tôi là những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Đã gần 50 năm trôi qua, nhưng những khoảnh khắc ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ký ức chỉ mới như ngày hôm qua" - bà Minh chia sẻ.
Bà Lê Kim Minh mặc áo hoa đứng cạnh Bác Hồ (ảnh tư liệu).
Bà Lê Kim Minh mặc áo hoa đứng cạnh Bác Hồ (ảnh tư liệu).
Hiện sống tại căn nhà nằm sâu trong một ngõ nhỏ thuộc phường Định Công (quận Hoàng Mai), đã ngoài 70, nhưng bà Minh còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Sinh năm 1944, tại xã Ninh Sơn, Thường Tín, Hà Nội, dù chỉ học bổ túc văn hóa đến lớp 7, nhưng bà may mắn được nhận vào làm nhân viên phục vụ tại tòa nhà Quốc hội. Nhớ lại những ngày ấy, bà bảo: Những câu chuyện thuở còn đi phục vụ cho hội nghị, đại hội của T.Ư cùng với các đồng nghiệp thì nhiều lắm. Nhưng nhớ nhất vẫn là những kỷ niệm khi được phục vụ nước uống Bác Hồ, Bác Tôn.

Kể về những lần vinh dự được gặp Người, bà xúc động: "Hình ảnh Bác Hồ với bộ quần áo kaki đơn sơ trong những lần tôi được tận mắt nhìn thấy cho đến giờ vẫn còn khắc sâu trong tâm trí". Lần đầu tiên bà được gặp Bác Hồ là vào ngày diễn ra Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa III, tháng 4/1966: "Khi đó, tôi được phân công rót nước phục vụ kỳ họp, đấy cũng là lần đầu tiên tôi được gặp trực tiếp Bác. Tôi nhớ cảm giác được Bác chăm chú nhìn với ánh mắt trìu mến. Chuyện là, hôm đó, do lần đầu được phân công phục vụ trong một cuộc họp Quốc hội nên tôi hơi run, hơn nữa lại được gặp Bác, nên chân tay có phần luống cuống làm tràn nước ra ngoài, Bác chẳng những không giận, còn chủ động nhắc: "Cháu cầm khăn lau tay rồi đổi ly nước khác đi". 

Lần khác, cũng trong Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa III, khi đó đang là giờ giải lao giữa giờ, bà Minh được phân công trách nhiệm phục vụ trà, bánh ở trong sảnh nghỉ. "Lúc đó, khi tôi vừa bước chân vào phòng nghỉ giải lao của chủ tịch đoàn, trông thấy tôi, Bác ôn tồn bảo tôi đến gần, ngồi xuống cho Bác hỏi mấy câu. Khi đó, tôi run đến bật khóc. Bác hỏi, năm nay cháu bao nhiêu tuổi, bố mẹ làm nghề gì… Tôi run lắm nhưng vẫn trả lời được hết câu hỏi của Bác. Hai Bác cháu nói rất nhiều chuyện, đến bây giờ nghĩ lại, tôi vẫn thấy bồi hồi và xúc động" - bà Minh nhớ lại.

Bà bảo: Bác Hồ là lãnh tụ, bận rộn trăm công ngàn việc như thế, nhưng vẫn rất quan tâm đến những người lao động như bà, chính điều ấy khiến bà càng không thể nào quên được những kỷ niệm về Bác. Bà kể, lần ấy trước khi ra về, bà còn được Bác dặn dò: "Phụ nữ Việt Nam đẹp nhất là mái tóc, nhưng nhiều khi tóc dài đến gót chân, rồi đi xe đạp rất dễ bị vướng vào nan hoa, điều này rất nguy hiểm". Vâng lời Bác, dù để tóc dài nhưng bà vẫn rất cẩn thận. Sau khi được gặp Bác Hồ, bà lúc đó đang là Phó Bí thư chi đoàn thấy mình càng phải phấn đấu tích cực hơn nữa, và bà đã phấn đấu để trở thành người đảng viên. 

Đối với bà, mỗi một ký ức, mỗi một lời khuyên của Bác mãi là điều vô giá trong cuộc đời. Có lẽ vì thế mà tấm ảnh được chụp với Bác, bà cất giữ như một kỷ vật thiêng liêng, vô giá cho đến bây giờ. "Không thể tả được cái cảm xúc lúc đó, bởi được gặp Bác đã là một điều tôi tưởng như trong mơ rồi. Khi được chụp ảnh với Bác, ai nấy đều hạnh phúc vô cùng" - bà chia sẻ.Trong dịp kỷ niệm Quốc khánh 2/9, hòa vào dòng người cả nước, bè bạn quốc tế về viếng Bác, thăm Nhà sàn và di tích nơi Bác ở, bà Minh thấy dường như Bác vẫn đang sống, vẫn rất gần gũi với Nhân dân và với nhịp sống hôm nay. Có lẽ, trong trái tim của bà, cũng như bất cứ người Việt Nam yêu nước nào, hình ảnh về Bác Hồ - vị lãnh tụ đáng kính của dân tộc luôn là hình ảnh đẹp đẽ và ngời sáng nhất.