Đột phá từ hạ tầng
Để tạo ra sự đột phá về hạ tầng giao thông, thúc đẩy các mục tiêu trong xây dựng NTM, trong giai đoạn 2010 - 2020, huyện đã đầu tư 1.408.955 triệu đồng xây mới, cải tạo nâng cấp 582,675km đường giao thông nông thôn.
Trong đó, xây mới 11km (0,205km đường trục xã, liên xã, 10,795km đường trục thôn, liên thôn), kinh phí đầu tư 842.000 triệu đồng và cải tạo, nâng cấp 571,675km (34,908km đường trục xã, liên xã 117,926km đường trục thôn, liên thôn; 418,841km đường ngõ xóm), với kinh phí đầu tư 638.955 triệu đồng. Năm 2021 huyện tiếp tục đầu tư 206.000 triệu đồng cải tạo, nâng cấp 19,5km đường giao thông (8,3km đường huyện; 6,2km đường xã; 5km đường ngõ xóm).
Tổng nguồn vốn đã bố trí thực hiện chương trình giai đoạn từ năm 2010 đến hết năm 2021 là 7.559.948 triệu đồng. Với nguồn vốn lớn này, hạ tầng nông thôn của huyện Chương Mỹ đã “lột xác” hoàn toàn. Hệ thống y tế trên địa bàn huyện đã đủ năng lực khám chữa bệnh cho người dân trong huyện và các vùng lân cận. Năm 2010, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế mới đạt 50,46%; đến hết năm 2020, đạt 90,1% (tăng 39,64% so với năm 2010); năm 2021, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm đạt 91,5%.
Năm 2021, trên địa bàn 30 xã của huyện có 81/99 trường đạt chuẩn quốc gia (tăng 6 trường so với năm 2020), đạt 81,1% trong tổng số trường trên địa bàn (tăng 4,6% so với năm 2020). Trong đó, cấp học Mầm non có 25/32 trường (78,13%), Tiểu học: 30/34 trường (88,24%), THCS: 26/33 trường (78,79%), đạt chuẩn quốc gia. 100% trường học các cấp Mầm non, Tiểu học, THCS có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống công sở, nhà văn hóa (cấp xã, thôn) của các xã, thị trấn trên địa bàn được cải tạo, xây mới...
Phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Nhân dân
Để thúc đẩy phát triển kinh tế, hiện Chương Mỹ đã hình thành vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (rau 236ha, bưởi 604ha, lúa chất lượng cao trên 5.100ha, vùng chăn nuôi tập trung xa dân cư với 559 trang trại). Toàn huyện có 5 chuỗi liên kết sản xuất, cung ứng thực phẩm nông sản an toàn.
Huyện Chương Mỹ cũng đã xây dựng và phát triển nhãn hiệu tập thể cho 3 sản phẩm gồm: Bưởi Chương Mỹ, gạo hữu cơ Đồng Phú, gạo Japonica Nam Phương Tiến. Hiện nay, huyện đang xây dựng phát triển nhãn hiệu tập thể cho 2 sản phẩm rau an toàn Chúc Sơn, bưởi Nam Phương Tiến; 258 sản phẩm được truy xuất nguồn gốc QR code.
Tư duy sản xuất của nông dân đã có những chuyển biến tích cực, tiếp cận áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chuyển từ sản xuất manh mún sang sản xuất tập trung, mang tính hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp.
Khu công nghiệp Phú Nghĩa và 10 cụm, điểm công nghiệp cùng 30 DN (nằm ngoài khu, cụm công nghiệp) đã thu hút trên 170 DN vào hoạt động, trong đó có 15 DN có vốn đầu tư nước ngoài, tạo việc làm cho hàng vạn lao động.
Với những kết quả trên, từ chỗ thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn (năm 2010) chỉ đạt 11,3 triệu đồng/người/năm, đến năm 2021 đã đạt con số 62,5 triệu đồng/năm. Năm 2010 toàn huyện có 11.317 hộ nghèo (tỷ lệ: 16,98%), nhưng sau rà soát (theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025) hiện toàn huyện chỉ còn 364 hộ, tỷ lệ 0,43%...
Tiếp tục những mục tiêu mới
Sau hơn 10 năm triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM, huyện Chương Mỹ đã đạt và vượt mục tiêu đề ra trước một năm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Xác định nông nghiệp là bệ đỡ cho ổn định nông thôn, nên cơ cấu nông nghiệp đã có chuyển biến tích cực, phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bước đầu xây dựng được thương hiệu hàng hóa nông sản, tăng sức cạnh tranh trên thị trường, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn như giao thông, điện, viễn thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, thủy lợi nội đồng được đầu tư nâng cấp. Công tác quy hoạch được thực hiện đồng bộ, có hiệu quả; hệ thống chính trị được xây dựng vững mạnh, tình hình an ninh, trật tự được giữ vững; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân trong huyện được nâng cao.
Xác định việc xây dựng NTM là nhiệm vụ “chỉ có điểm khởi đầu – không có điểm kết thúc” Chương Mỹ đang tiếp tục phấn đấu trở thành huyện NTM phát triển năng động; với cơ sở hạ tầng hiện đại vào giai đoạn 2020 - 2025. Đồng thời tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, thực hiện thắng lợi việc duy trì và nâng cao chất lượng 19 tiêu chí xây dựng NTM; thực hiện các tiêu chí xã NTM nâng cao.
Thực hiện tốt chính sách xã hội, giải quyết việc làm, giảm nghèo và an sinh xã hội. Nâng cao công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em, chất lượng công tác y tế, chăm sóc sức khỏe Nhân dân. Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, chính sách người có công. Chú trọng tạo việc làm ổn định, cải thiện môi trường lao động, tăng thu nhập và nâng cao chất lượng sống cho người lao động.
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa cho biết: "Trước mắt, huyện đang tập trung tháo gỡ khó khăn bằng các giải pháp tăng nguồn thu ngân sách trên địa bàn; trong đó ưu tiên việc đấu giá quyền sử dụng đất.
Huyện đề nghị TP chỉ đạo các sở, ngành có liên quan đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện việc nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 6, hệ thống đê Tả Bùi – Hữu Đáy, sớm phê duyệt quy hoạch vùng huyện đến năm 2030 (tầm nhìn đến năm 2050), để thực hiện quy hoạch và phát triển kinh tế - xã hội.
Đồng thời, đề nghị TP hướng dẫn huyện triển khai nghiên cứu lập quy hoạch, tôn tạo, bảo tồn Khu du lịch văn hóa tâm linh gắn với chuỗi di tích lịch sử chùa Trầm, chùa Trăm Gian, điểm nhấn là khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh... Đây chính là tiền đề để Chương Mỹ trở thành huyện NTM kiểu mẫu trong tương lai.
Giai đoạn 2021 - 2025, huyện tập trung đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới 69 dự án giao thông, thủy lợi với tổng kinh phí 1.414.359 triệu đồng. Là cửa ngõ phía Tây của TP, năm 2022 huyện Chương Mỹ được UBND TP đầu tư dự án cải tạo Quốc lộ 6, đoạn Ba La - Xuân Mai có chiều dài 23,1km (riêng đoạn qua huyện Chương Mỹ khoảng 20km), vốn đầu tư 8.113 tỷ đồng. Đây là dự án quan trọng kết nối Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc, cùng với các dự án giao thông khác đã và đang được triển khai trên địa bàn, góp phần thay đổi bộ mặt hạ tầng nông thôn huyện Chương Mỹ.