Cử tri Đức cuối tuần này sẽ đi bỏ phiếu bầu quốc hội liên bang (Bundestag), qua đó khép lại kỷ nguyên của Thủ tướng Angela Merkel. Sau khi rời nhiệm sở, bà Merkel trở thành một trong những thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử nước Đức - chỉ sau ông Helmut Kohl.
Trong suốt thời gian cầm quyền, bà Merkel đã nhiều lần được vinh danh là một trong số phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama từng mô tả Merkel là nhà lãnh đạo chính trị toàn cầu xuất sắc. Nữ Thủ tướng Đức cũng đóng một vai trò quan trọng trên trường quốc tế, góp phần xử lý hệ quả từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, người tị nạn và cuộc chiến ở Ukraine.
Ralph Bollmann, người viết tiểu sử về bà Merkel, nói rằng thế giới sẽ rất nhớ sự lãnh đạo ổn định của bà Merkel: "Tôi nghĩ rằng nước Đức cũng như thế giới đều đánh giá Thủ tướng Merkel là nhà lãnh đạo luôn bảo đảm được sự ổn định. Trong tương lai, có lẽ khó có người làm được điều vĩ đại như bà”.
Người vượt qua mọi định kiến
Bà Merkel, 67 tuổi, lớn lên tại Đông Đức, được đào tạo trở thành một nhà khoa học, lấy bằng tiến sĩ hóa học lượng tử trước khi dấn thân vào chính trường sau khi Bức tường Berlin sụp đổ. Bà Merkel đã sau đó được bầu vào Quốc hội Đức, trong cuộc bầu cử đầu tiên sau khi thống nhất nước Đức vào năm 1990.
Là một người được Helmut Kohl, Thủ tướng Đức khi đó, bảo trợ, bà Merkel được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Phụ nữ và Thanh niên vào năm sau, đồng thời trở thành phó chủ tịch Đảng trung hữu Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU). Bà Merkel đã giành chiến thắng sát nút trong cuộc bầu cử năm 2005, đưa bà lên nắm quyền Thủ tướng. Khi trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm trách vị trí quyền lực nhất của Đức, nhiều người đánh giá rằng bà Merkel quá thiếu kinh nghiệm và thiếu sức hấp dẫn để trụ vững.
Người đỡ đầu bà Merkel, ông Helmut Kohl, cũng gọi bà là “mein Maedel", tiếng Đức nghĩa là "cô bé gái của tôi". Báo chí cũng nhận định bà Merkel không phải là một ứng cử viên chính trị nghiêm túc. Lúc đó, không nhiều người đánh giá cao khả năng của Merkel, và bà chỉ được coi là một nhà lãnh đạo “giải pháp tình thế” khi lần đầu tiên ngồi vào ghế lãnh đạo đảng CDU.
Tuy nhiên thời gian đã trả lời mọi câu hỏi, và bà Merkel đã liên tục đảm nhiệm 4 nhiệm kỳ Thủ tướng Đức, cũng như sự ủng hộ mạnh mẽ từ người dân. Biệt danh "Das Mädchen" trở thành "die Mutti", một nhân vật người mẹ và biểu tượng của sự ổn định. Trong gần 2 thập kỷ, Merkel không chỉ trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của Đức mà còn tạo ra những thay đổi sâu rộng trong chính trường Đức.
"Bà Merkel luôn bị các đảng đối lập và các chính trị gia khác đánh giá thấp, và khi họ nhận ra rằng một người phụ nữ Đông Đức có thể làm tốt hơn kì vọng vị trí quyền lực này thì đã quá muộn", Ralph Bollmann, người viết tiểu sử về bà Merkel nói với hãng tin CNN.
Những năm đầu nắm quyền điều hành đất nước của bà Merkel hầu như không được suôn sẻ. Ngay trong năm 2008, chính quyền của Thủ tướng Merkel đã phải chống đỡ với cuộc khủng hoảng kinh tế vào thời điểm nền kinh tế Đức dần khởi sắc sau nhiều năm trì trệ.
"Tiền tiết kiệm của bạn sẽ luôn an toàn, chính phủ liên bang chắc chắn đảm bảo điều đó" - bà Merkel nói với người dân Đức vào ngày 5/10/2008. Chính tuyên bố điềm tĩnh và trấn an này đã giúp tránh được cuộc khủng hoảng tiền tệ trong nước, đồng thời đánh dấu sự khởi đầu của một thời kỳ tự tin trước bất kỳ nghịch cảnh nào của chính quyền Berlin.
Bên cạnh đó, chính phủ của Thủ tướng Merkel áp dụng chương trình lao động ngắn hạn, được gọi là "Kurzarbeit", nhằm giúp các doanh nghiệp không bị mất nhân viên thông gia giải pháp rút ngắn thời gian làm việc và tăng thu nhập cho người lao động.
Theo Cơ quan Việc làm Liên bang, chương trình này với chi phí khoảng 6 tỷ euro đã giúp Đức thoát được kịch bản thất nghiệp hàng loạt, đồng thời tạo lợi thế cho các công ty trong nước khi nền kinh tế toàn cầu phục hồi, nhờ giữ được lực lượng lao động có tay nghề cao.
Vào thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng nợ Hy Lạp năm 2012, Thủ tướng Merkel đã tạo ra các quỹ khổng lồ không chỉ để cứu nền kinh tế Hy Lạp mà còn hỗ trợ các nước Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đang nợ nần chồng chất. Bằng cách thắt chặt ví tiền của châu Âu, Merkel đại diện cho sự căn ke của Bắc Âu, nhưng cũng trở thành "người đàn bà đáng ghét" ở các quốc gia như Hy Lạp, khi họ phải thắt lưng buộc bụng dưới chính sách mới. Và thực tế cho thấy, bà đã giúp Đức và Eurozone thoát khỏi cuộc khủng hoảng.
"Châu Âu sẽ thất bại nếu khu vực Eurozone thất bại. Châu Âu sẽ chiến thắng nếu khu vực đồng tiền chung châu Âu chiến thắng", bà Merkel nói tại Hạ viện Đức vào năm 2012. Bà Merkel gần đây nói rằng đó là một trong những thành tựu lớn nhất của bà với tư cách Thủ tướng.
Đánh giá về thành công của nhà lãnh đạo Đức, Ralph Bollmann, nói: “Bà Merkel đã dẫn dắt nước Đức, châu Âu và một phần của thế giới vượt qua một kỷ nguyên khủng hoảng - những cuộc khủng hoảng lớn - điều mà chúng tôi không bao giờ nghĩ có thể xảy ra ở phương Tây”.
Di sản
Thủ tướng Merkel được đánh giá là một nhà quản lý khủng hoảng táo bạo và thành công, song các nhà phê bình nói rằng bà đã mạo hiểm khi có quan điểm không đúng kỳ vọng của các cử tri đảng CDU, đặc biệt về vấn đề năng lượng hạt nhân, chính sách đối ngoại và nhập cư.
Chính phủ của bà Merkel ban đầu đã phản đối kế hoạch chấm dứt phát triển năng lượng hạt nhân, nhưng sau đó bà đã đảo ngược quyết định này sau thảm họa Fukushima tại Nhật năm 2011.
Thời điểm mang tính quyết định nhất trong sự nghiệp chính trị của Merkel có lẽ là mùa hè năm 2015, khi hàng trăm ngàn người tị nạn bắt đầu đổ về châu Âu, tạo nên một cuộc khủng hoảng mới. Nhiều người trong số đó chạy trốn cuộc nội chiến ở Syria và chấp nhận những hành trình vượt biển đầy rủi ro để tới châu Âu.
Trong khi nhiều nhà lãnh đạo các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc ngăn chặn làn sóng người tị nạn, Thủ tướng Merkel quyết định mở cửa nước Đức với người di cư. Trong một bình luận được đưa ra sau chuyến thăm trung tâm tị nạn vào tháng 8 năm đó, bà Merkel trấn an dư luận Đức rằng "chúng ta có thể làm được".
Nhiều người chỉ trích, đặc biệt sau khi ước tính có khoảng 1,2 triệu người di cư đến Đức trong vòng một năm rưỡi sau đó.
Bức ảnh selfie này của Thủ tướng Đức và một thanh niên Syria, chụp năm 2015, tượng trưng cho chính sách chào đón người tị nạn của bà Merkel. Ảnh: CNN |
Hajo Funke, giáo sư tại trường Đại học Freie ở Berlin, tin rằng việc mở cửa của Đức và châu Âu đối với dòng người di cư đang cần giúp đỡ là một trong những hành động nhân đạo vĩ đại nhất trong lịch sử nước Đức. "Đây là giai đoạn vàng của nền dân chủ sau Thế chiến thứ 2. Đây là một di sản của bà Merkel khi nước Đức không thực hiện chủ nghĩa dân tộc" - giáo sư Funke nói với CNN.
Vào thời điểm thế giới phải đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế, đại dịch Covid-19, bà Merkel đã hiểu được tầm quan trọng của việc giao tiếp thẳng thắn. Khi một số lãnh đạo thế giới phải hứng nhiều chỉ trích trong ứng phó với đại dịch, Thủ tướng Merkel nổi lên với cách tiếp cận dựa trên khoa học.
Vào thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát hồi đầu năm 2020, bà Merkel là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới thừa nhận mức độ nguy hiểm của virus SARS-CoV-2 đối với sức khỏe con người. “Kể từ khi nước Đức thống nhất, và xa hơn là từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chưa có một thách thức nào đòi hỏi người dân Đức phải đoàn kết hành động nhiều như trong cuộc chiến chống dịch Covid-19” - Thủ tướng phát biểu tại một cuộc họp của chính phủ.
Dưới sự lãnh đạo của bà Merkel, Đức đã sớm áp đặt lệnh phong tỏa ngăn chặn dịch Covid-19, khôi phục chương trình "Kurzarbeit" để bảo vệ nền kinh tế, và nhanh chóng khởi động chiến dịch tiêm ngừa vaccine trên diện rộng.
Việc bà Merkel đối phó thành công với đại dịch Covid-19 đã một lần nữa khiến sức ảnh hưởng của của bà tăng vọt, và người dân Đức một lần nữa được nhắc nhở về quyết tâm kiên định của nhà lãnh đạo thường bị đánh giá thấp của họ.
Giới quan sát đang hoài nghi về khả năng người lãnh đạo nước Đức trong nhiệm kỳ sắp tới sẽ lấp được khoảng trống của bà Merkel. "Câu hỏi đặt ra là: Ai sẽ thay thế bà Merkel, và liệu người đó có đủ sức hút và khả năng như bà đã làm không?" Ben Schreer, từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế '(IISS) nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào đầu tuần này. “Các đồng minh tỏ ra hoài nghi và người Đức cũng khá thận trọng trong vấn đề đó".
Liệu một trong những ứng cử viên Thủ tướng Đức, gồm Armin Laschet của đảng CDU, Olaf Scholz đến từ đảng Dân chủ xã hội (SPD) và Annalena Baerbock thuộc đảng Xanh - sẽ có thể lấp được khoảng trống của “bà đầm thép” nước Đức. Tuy nhiên, các ứng viên Laschet, Scholz và Baerbock có lẽ sẽ được an ủi phần nào từ thực tế rằng các chuyên gia và chính trị gia cũng từng nghi ngờ khả năng của bà Merkel.