Hành trình số hóa tư liệu Hán Nôm: bảo tồn "ký ức" dân tộc trong thời đại 4.0
Kinhtedothi - Công nghệ đang mở ra cánh cửa mới cho việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam, trong đó nổi bật là hành trình số hóa tư liệu Hán Nôm - kho tàng tri thức cổ hàng ngàn năm tuổi. Từ ứng dụng công nghệ lưu trữ đám mây đến xây dựng thư viện số, mô hình 3D và chip NFC… nhiều tổ chức và cá nhân đang tiên phong trong số hóa di sản, giúp tiếp cận dễ dàng, nghiên cứu thuận tiện, lan tỏa mạnh mẽ.

Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự - điểm sáng trong công cuộc số hóa tư liệu Hán Nôm.
Khơi nguồn từ chùa Sủi: mô hình xã hội hóa tiêu biểu
Tại xã Phú Thị, huyện Gia Lâm, Hà Nội, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự (chùa Sủi) đã trở thành điểm sáng trong công cuộc số hóa tư liệu Hán Nôm. Dưới sự dẫn dắt của Thượng tọa Thích Thanh Phương và nhóm nghiên cứu trẻ do Trần Ngọc Thoan điều hành, văn phòng đã số hóa gần 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm, trong đó, chiếm số lượng lớn là tư liệu Hán Nôm Phật giáo, bao gồm kinh sách, sắc phong, minh văn, bi ký, khoa cúng…
Những tư liệu này đã được tập hợp, phân loại và theo hệ thống để thuận tiện cho việc nghiên cứu. Toàn bộ kho tư liệu đồ sộ này được đưa lên "đám mây". Bất cứ nhà nghiên cứu, dù là chuyên nghiệp hay không chuyên, văn phòng đều cung cấp mã để mọi người cùng tiếp cận. Văn phòng còn có các chuyên gia về Hán Nôm, công nghệ nên nhiều tư liệu giấy cũ, nát được phối hợp các nhà chùa, chủ sở hữu phục chế, qua đó, hồi sinh nhiều trang sách cổ.
Phó Giám đốc Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự Trần Ngọc Thoan cho biết, hệ thống tư liệu Hán Nôm, trong đó có tư liệu Phật giáo vốn rất đồ sộ. Nhưng nhiều tư liệu tản mát trong các ngôi chùa. Để có được hệ thống tư liệu đồ sộ này, các thành viên của văn phòng đã phải đến các chùa, thuyết phục các trụ trì cho phép tiếp cận và thực hiện số hóa. "Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ tư liệu để mọi người có thể sử dụng vào công việc của mình, nhất là nghiên cứu, lan tỏa giá trị" - ông Trần Ngọc Thoan thông tin.
Không chỉ dừng lại ở việc số hóa tư liệu, Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự còn triển khai dự án "Chốn thiêng", xây dựng thư viện số với dữ liệu ảnh chụp, video 360 độ, bản vẽ 3D của hơn 2.000 ngôi chùa trên cả nước. Tháng 2/2025, Câu lạc bộ Di sản và Văn hóa Á Đông ra đời đã tạo một không gian kết nối cộng đồng yêu di sản và thúc đẩy nghiên cứu văn hóa truyền thống .
Câu chuyện tại chùa Sủi phản ánh xu hướng số hóa tư liệu Hán Nôm là một xu thế và một tất yếu cần triển khai trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản tư liệu Hán Nôm. Hay tại Thừa Thiên Huế, từ năm 2009 đến nay, Thư viện tổng hợp tỉnh đã phối hợp triển khai số hóa tại 187 làng, 923 họ tộc và 18 phủ đệ, thu thập và số hóa hơn 426.000 trang tư liệu Hán Nôm tương đương với gần 5.300 đầu tài liệu .
Còn tại Hà Nam, chính quyền địa phương đã chỉ đạo tổ chức khảo sát, thống kê và số hóa tư liệu Hán Nôm, nhằm bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa.
Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hán Nôm tại Hà Nội cũng đang bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục, đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và nghiên cứu di sản văn hóa dân tộc.
Thách thức và hướng đi tương lai
Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực, công cuộc số hóa tư liệu Hán Nôm vẫn đối mặt với nhiều thách thức: thiếu nhân lực chuyên môn, công nghệ nhận dạng chữ Hán Nôm chưa phát triển, và sự phân tán dữ liệu giữa các đơn vị.
Theo các chuyên gia, để khắc phục những hạn chế này, cần phát triển công nghệ OCR (Optical Character Recognization - nhận dạng văn bản ảnh) cho chữ Hán Nôm, trong đó, hỗ trợ việc chuyển đổi từ hình ảnh sang văn bản có thể tìm kiếm. Đào tạo nhân lực chuyên sâu, kết hợp giữa chuyên môn Hán Nôm và công nghệ thông tin.
Đặc biệt, xây dựng cơ sở dữ liệu mở nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng và các nhà nghiên cứu tiếp cận dễ dàng. Khuyến khích mô hình xã hội hóa như Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự, qua đó, huy động nguồn lực từ cộng đồng…
Theo ông Trần Ngọc Thoan, người điều hành Văn phòng Bảo tồn Di sản Phật giáo Đại Dương Sùng Phúc Tự, dù đã làm được một lượng công việc rất lớn, nhưng chặng đường phía trước vẫn còn dài. "Đơn cử như hệ thống 8.000 đầu tư liệu Hán Nôm, tiến tới, chúng tôi sẽ đưa lên thư viện số để mọi người có thể tiếp cận dễ dàng. Hay như chúng tôi mong muốn đặt bảng gắn chip NFC cho các di tích để phát triển hơn nữa dự án "Chốn thiêng"; hoặc xuất bản một số cuốn sách trên cơ sở dữ liệu đã tìm được… Bởi thế, rất cần sự hợp tác, hỗ trợ từ cộng đồng, để di sản tư liệu tiếp tục được lan tỏa", ông Trần Ngọc Thoan chia sẻ.
Số hóa tư liệu Hán Nôm không chỉ là việc lưu giữ quá khứ, mà còn là cách để kết nối thế hệ hiện tại với di sản văn hóa dân tộc. Những nỗ lực như các mô hình xã hội hóa cho thấy, với sự kết hợp giữa đam mê, công nghệ và cộng đồng, việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản Hán Nôm hoàn toàn khả thi trong thời đại số.

Hà Nội: hiệu quả, lợi ích từ mô hình số hóa dữ liệu
Kinhtedothi - Hà Nội đang tích cực thực hiện số hóa dữ liệu, tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để hình thành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất quản lý điều hành…

Số hóa lễ hội: xu thế tất yếu và những vấn đề đặt ra
Kinhtedothi - Những năm gần đây, chuyển đổi số đem lại nhiều yếu tố tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội. Nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động số hóa như: số hóa dữ liệu; ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát an ninh - trật tự… Hoạt động này giúp công tác bảo tồn, quảng bá, tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Bảo vệ, phát huy giá trị di sản Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam
Kinhtedothi - Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam với UNESCO tại hồ sơ đề cử ghi danh di sản này.