Hà Nội: hiệu quả, lợi ích từ mô hình số hóa dữ liệu
Kinhtedothi - Hà Nội đang tích cực thực hiện số hóa dữ liệu, tạo nền tảng dữ liệu vững chắc để hình thành hệ thống chính quyền điện tử, đô thị thông minh, phục vụ người dân, doanh nghiệp và xã hội; nâng cao hiệu năng, hiệu quả, hiệu suất quản lý điều hành…
Tích cực số hóa dữ liệu phục vụ người dân
Tại Hà Nội, các quận, huyện đã tích cực số hóa về các di tích lịch sử, văn hóa, thực hiện tốt việc số hóa dữ liệu hộ tịch - tư pháp, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung..., phù hợp với tình hình thực tế tại địa bàn cơ sở.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh kiểm tra thực tế tại Chi nhánh số 1 thuộc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội
Trong đó, nhiều mô hình đã được các địa phương chủ động triển khai linh hoạt, sáng tạo. Cụ thể, quận Hoàn Kiếm đã duy trì thực hiện mô hình số hóa, xây dựng, cải tiến các quy trình ISO về giải quyết thủ tục hành chính và giải quyết công việc nội bộ trên môi trường điện tử tại UBND quận. Từ đó, toàn bộ 100% quy trình ISO cấp quận đã được cập nhật trên phần mềm ISO điện tử quận, đối với các thủ tục hành chính mới được ủy quyền, quận tiếp tục cập nhật, số hóa trên hệ thống để bảo đảm 100% thủ tục hành chính đều quản lý trên môi trường điện tử.
Quận Hai Bà Trưng đã xây dựng được dữ liệu kinh tế tập trung về các hộ kinh doanh, doanh nghiệp trên địa bàn. Quận đã số hóa 11.603 doanh nghiệp và 11.349 hộ kinh doanh phục vụ công tác quản lý thuế, phòng cháy, chữa cháy, bảo đảm an toàn thực phẩm, giấy phép hành nghề đặc thù của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn quận. Việc số hóa đã cung cấp dữ liệu tập trung, đầy đủ, chính xác mọi lúc, mọi nơi phục vụ cho công tác quản lý và chỉ đạo điều hành phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch trên địa bàn quận.
Huyện Ứng Hòa đã triển khai số hóa cơ sở dữ liệu chuyên ngành; số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính và lưu trữ điện tử bảo đảm theo quy định; triển khai thuê dịch vụ cảnh báo, giám sát an toàn thông tin cho hệ thống thông tin huyện và các xã, thị trấn theo hướng dẫn mô hình bảo mật 4 lớp. Cùng với đó, các đơn vị, địa phương đẩy mạnh từng bước sử dụng chữ ký số trong thực hiện thủ tục hành chính.
Các cơ quan, đơn vị chủ động số hóa dữ liệu, tạo lập cơ sở dữ liệu chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu để tích hợp, đồng bộ dữ liệu dùng chung, cung cấp dữ liệu mở phục vụ cơ quan, tổ chức, người dân, doanh nghiệp khai thác, sử dụng phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số. Việc cập nhật dữ liệu căn cước công dân với thẻ bảo hiểm y tế, đã có 159.398 người đang có thẻ bảo hiểm y tế trên địa bàn huyện Ứng Hoà đã được đồng bộ, có thể sử dụng thẻ căn cước để đi khám chữa bệnh; có 33/33 cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng thẻ căn cước tra cứu khám chữa bệnh.
Tại quận Tây Hồ, các lĩnh vực, việc số hóa dữ liệu trên địa bàn được đẩy mạnh. Nhờ vậy, tất cả 90/90 nhiệm vụ chuyển đổi số, xây dựng quận Tây Hồ thông minh năm 2024 đều được hoàn thành, đánh dấu mốc trong công cuộc xây dựng chính quyền điện tử. Từ việc số hóa 157.727 dữ liệu hộ tịch đến hệ thống cơ sở dữ liệu 100 điểm đến về di tích lịch sử xếp hạng, danh lam thắng cảnh tiêu biểu, nhà hàng, khách sạn… được số hóa bằng công nghệ thực tế ảo VR360 với hình ảnh tương tác và tích hợp các nội dung thuyết minh, phụ đề tiếng Anh, tiếng Trung, quận Tây Hồ đã có những bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, quận từng bước triển khai thực hiện số hóa từng lĩnh vực, xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của quận và phục vụ công tác điều hành, hòa chung theo yêu cầu của TP để kết nối và chia sẻ dữ liệu, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Thành ủy về chuyển đổi số, xây dựng TP thông minh.
Biến dữ liệu thành tài nguyên
Theo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06 TP Hà Nội, hiện nay đã số hóa, cập nhật vào phần mềm hộ tịch của Bộ Tư pháp hơn 7,6 triệu dữ liệu hộ tịch; gần 8 triệu người đã được cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu bảo hiểm xã hội; xác minh, làm sạch dữ liệu hồ sơ sức khỏe gần 6,45 triệu người dân trên toàn TP.

Việc số hóa thông tin các dữ liệu đất đai, cán bộ, công chức, viên chức, quản lý dữ liệu về cơ sở hạ tầng vận tải hành khách công cộng (lĩnh vực giao thông - vận tải), quản lý trật tự xây dựng, thí điểm ứng dụng quản lý, cảnh báo cháy gắn với xác thực định danh số nhà và dữ liệu dân cư trên địa bàn TP Hà Nội phục vụ công tác quản lý dữ liệu về phòng cháy, chữa cháy trên toàn địa bàn TP đã được triển khai, duy trì và hoạt động hiệu quả, đồng bộ, thống nhất.
Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, việc số hóa dữ liệu chuyên ngành của một số cơ quan, ban, ngành, địa phương chưa bảo đảm tiến độ, hệ thống dữ liệu phân tán. Để khắc phục tồn tại nêu trên nhằm phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành cũng như ứng dụng, chia sẻ dữ liệu, biến dữ liệu thành tài nguyên phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn TP, UBND TP Hà Nội đã có những chỉ đạo quyết liệt.
Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội Cù Ngọc Trang cho biết, UBND TP đã yêu cầu số hóa 100% kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực theo quy định, bảo đảm hoàn thành trong năm 2025. Cùng với số hóa trong tiếp nhận, giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, TP sẽ tái sử dụng 100% dữ liệu đã được số hóa, kết nối, chia sẻ dữ liệu theo phương châm “một việc một lần làm; hồ sơ nộp một lần”.
Theo kế hoạch của UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2025, Hà Nội sẽ số hóa 100% di tích trên địa bàn. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực lớn, sự phối hợp đồng bộ của các cấp, các ngành, tuy nhiên, nhờ tích cực triển khai, một số địa phương đã “về đích” sớm. Trong đó, quận Đống Đa đã xây dựng trang thông tin và ứng dụng số hóa các di tích từ năm 2020. Hiện quận đã số hóa hơn 80% trong tổng số 76 di tích trên địa bàn, từ đó cung cấp các địa chỉ du lịch bằng ứng dụng công nghệ ảnh 360, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá, tìm hiểu. Qua đó giúp thu hút du khách tham quan, tạo thuận lợi phát triển công nghiệp văn hóa.
Số hóa dữ liệu thiết yếu cũng như dữ liệu chuyên ngành, dữ liệu địa phương, dữ liệu mở để hình thành cơ sở dữ liệu dùng chung một cách hiệu quả sẽ giúp Hà Nội xây dựng và phát triển hệ thống dữ liệu đồng bộ, hiện đại, an toàn, đáp ứng nhu cầu quản lý đô thị thông minh, phục vụ người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP theo hướng bền vững. Từ đó sẽ hướng đến việc tối ưu hóa quá trình ra quyết định dựa trên dữ liệu, tăng cường hiệu quả của dịch vụ công và nâng cao chất lượng sống cho người dân, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho Hà Nội trở thành một TP tiên phong về chuyển đổi số, phát triển bền vững trong nước và khu vực.
Trích dẫn
Đối với việc triển khai số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP, Thường trực Thành ủy Hà Nội yêu cầu Đảng ủy UBND TP, các quận, huyện, thị ủy tập trung triển khai đẩy nhanh tiến độ thực hiện Đề án "Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu tập trung của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội". Ngay sau khi Đề án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định pháp luật và đảm bảo tiến độ hoàn thành theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.
Trong quá trình triển khai Đề án, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Bí thư các quận, huyện, thị ủy trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo việc số hóa tài liệu, tập trung tối đa các phương tiện, nguồn lực, xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, vai trò theo phương châm "5 rõ", đảm bảo hoạt động quản lý, điều hành được thông suốt, đáp ứng yêu cầu phục vụ người dân, cơ quan, tổ chức được liên tục, hạn chế nguy cơ thất thoát, lộ lọt tài liệu lưu trữ.

Yêu cầu hoàn thành số hóa dữ liệu đất đai trong tháng 6/2025
Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 14/3/2025 về đẩy mạnh triển khai Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06)...

Số hóa ngành du lịch, thêm cơ hội quảng bá Việt Nam ra thế giới
Kinhtedothi - Thông qua việc thực hiện chuyển đổi số, ngành du lịch đã ghi lại nhiều dấu ấn mới khi tạo thêm cơ hội nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững hơn, qua đó đưa hình ảnh Việt Nam vươn ra thế giới...

Hà Nội lập đề án số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn thành phố
Kinhtedothi - Đảng ủy UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Phục vụ Hành chính công TP lập Đề án “Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung từ số hóa tài liệu của các cơ quan trên địa bàn TP Hà Nội”...