Số hóa lễ hội: xu thế tất yếu và những vấn đề đặt ra
Kinhtedothi - Những năm gần đây, chuyển đổi số đem lại nhiều yếu tố tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản, trong đó có lễ hội. Nhiều địa phương đã triển khai các hoạt động số hóa như: số hóa dữ liệu; ứng dụng công nghệ trong quản lý, kiểm soát an ninh - trật tự… Hoạt động này giúp công tác bảo tồn, quảng bá, tổ chức lễ hội có nhiều chuyển biến tích cực.

Sân khấu kỷ niệm 236 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2025) sử dụng 3D Mapping. Ảnh: Phạm Hùng.
Từ nhu cầu thực tiễn đến các mô hình triển khai
Trong bối cảnh cách mạng công nghệ số bùng nổ mạnh mẽ, việc số hóa các hoạt động văn hóa, trong đó có lễ hội truyền thống, đã trở thành xu thế tất yếu. Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện nay, cả nước có hơn 8.000 lễ hội lớn nhỏ, chủ yếu là lễ hội dân gian truyền thống, đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng.
Số hóa lễ hội nhằm mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong môi trường số, đồng thời phục vụ công tác quản lý nhà nước và quảng bá văn hóa. Theo Quyết định số 2139/QĐ-BVHTTDL năm 2021, Bộ VHTT&DL đã phê duyệt Đề án "Số hóa dữ liệu lễ hội tại Việt Nam giai đoạn 2021 - 2025", tập trung vào khảo sát, thu thập, tổng hợp tư liệu về nguồn gốc, ý nghĩa, diễn trình lễ hội và các hoạt động kèm theo.
Nhiều địa phương đã chủ động xây dựng cơ sở dữ liệu lễ hội, số hóa tư liệu bằng hình ảnh, video, bài viết, phân nhóm khoa học và đăng tải trên Cổng thông tin lễ hội Việt Nam (www.lehoi.com.vn). Các lễ hội tiêu biểu như Lễ hội đền Hùng, Lễ hội chùa Bái Đính, Lễ hội Yên Tử… đã áp dụng các công nghệ như mã QR, livestream, tour ảo 360 độ để quảng bá, phục vụ du khách.
Bên cạnh số hóa tư liệu, công nghệ số còn được ứng dụng trong quản lý, tổ chức lễ hội: bán vé điện tử, lắp đặt hệ thống camera giám sát, tạo mã QR phản ánh bất cập, góp phần kiểm soát an ninh - trật tự và nâng cao chất lượng phục vụ tại các lễ hội lớn như: chùa Hương, hội Lim, hội Gióng đền Sóc, lễ hội khai ấn đền Trần…
Thách thức mới khi ứng dụng công nghệ
Có thể thấy, việc số hóa lễ hội đã đem lại nhiều hiệu quả rõ rệt. Về bảo tồn, các hoạt động thực hành lễ hội - vốn là di sản "sống" với sự biến động liên tục qua thời gian - được ghi lại một cách đầy đủ, hệ thống, góp phần gìn giữ tri thức văn hóa truyền thống. Về tổ chức, công nghệ giúp tăng cường sự minh bạch, văn minh, giảm thiểu tiêu cực, nâng cao trải nghiệm cho người tham gia.
Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ trong lễ hội cũng nảy sinh những thách thức mới. Trong giai đoạn 2024 - 2025, một số địa phương bắt đầu áp dụng công nghệ 3D Mapping vào lễ hội, như: lễ hội đền Trần (Thái Bình), lễ hội Hai Bà Trưng (Hà Nội), lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội)… Công nghệ 3D Mapping tạo hiệu ứng ánh sáng, âm thanh ấn tượng, thu hút đông đảo công chúng, nhưng cũng dẫn đến những thay đổi đáng kể về thời gian, không gian tổ chức lễ hội.
Trích dẫn
Công nghệ 3D Mapping là kỹ thuật dùng ánh sáng để tạo hiệu ứng 3D cho bề mặt mà nó tiếp xúc nhằm tạo các khối hình ảnh trong không gian ba chiều. Những hình ảnh, video được thiết kế phù hợp với bề mặt cần chiếu, trong đó có nhiều nơi chiếu trực tiếp lên di tích. Công nghệ 3D Mapping được phối hợp với âm thanh, ánh sáng và những màn trình diễn bán thực cảnh tạo với sự tham gia của hàng trăm diễn viên tạo nên những khung cảnh choáng ngợp để tái hiện lại lịch sử hay những truyền thuyết về các vị thần linh mà lễ hội tưởng nhớ đến.
Ví dụ, để trình diễn công nghệ 3D Mapping, nhiều lễ hội vốn tổ chức ban ngày phải chuyển sang tổ chức buổi tối như lễ hội đền Hai Bà Trưng và lễ hội Gò Đống Đa (Hà Nội) năm 2024. Việc thay đổi lịch trình lễ hội, dựng rào cản, chiếm dụng không gian di tích để phục vụ luyện tập sân khấu hóa đã gây ảnh hưởng đến các nghi lễ truyền thống vốn mang tính thiêng liêng.
Ngoài ra, việc trình diễn nghệ thuật kết hợp 3D Mapping thường theo một mô-típ giống nhau: giới thiệu bối cảnh, công trạng nhân vật, hướng tới tương lai, làm giảm sự khác biệt vốn có giữa các lễ hội địa phương. Nguy cơ lạm dụng công nghệ, biến lễ hội thành các chương trình sân khấu hóa hoành tráng, làm mờ nhạt tính thiêng và giá trị gốc của di sản là vấn đề cần được đặc biệt lưu ý.

Cần kiểm soát "hàm lượng" công nghệ hợp lý, để giữ được tinh thần, không gian và bản sắc của lễ hội truyền thống. Ảnh: D.Tùng.
Ứng dụng công nghệ nhưng phải tôn trọng di sản
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, ứng dụng công nghệ để bảo tồn, phát huy giá trị di sản nói chung, lễ hội nói riêng là cần thiết; nhất là để góp phần phát triển công nghiệp văn hóa. Số hóa lễ hội còn đặc biệt có ý nghĩa khi cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam nhấn mạnh, phải xử lý hài hòa giữa bảo tồn và phát huy giá trị di sản với phát triển kinh tế, du lịch; trong đó, yếu tố bảo tồn luôn phải đặt lên hàng đầu.
Đối với số hóa lễ hội, cần xây dựng bộ tiêu chí rõ ràng, cần bảo đảm yếu tố nguyên gốc của di sản; công nghệ không thay thế và không được làm biến dạng các hoạt động truyền thống. Các chương trình ứng dụng công nghệ cần bám sát nội dung lễ hội, tôn trọng trình tự nghi lễ, không chạy theo hình thức phô trương, thương mại hóa lễ hội. Và theo các chuyên gia, cần kiểm soát "hàm lượng" công nghệ hợp lý, để giữ được tinh thần, không gian và bản sắc của lễ hội truyền thống.
Phía cơ quan quản lý nhà nước - Bộ VHTT&DL cũng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm nhất quán: Việc ứng dụng công nghệ vào tổ chức lễ hội phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa, tôn trọng giá trị gốc của di sản. Công nghệ chỉ đóng vai trò hỗ trợ tuyên truyền, quảng bá, nâng cao hiệu quả quản lý…
Lễ hội không thể "đứng ngoài" công cuộc chuyển đổi số. Song, trước thực tế đang diễn ra, ngành văn hoá cần sớm đánh giá lại những ứng dụng công nghệ trong lễ hội đã được triển khai và những ứng dụng có nhiều tiềm năng để có những định hướng cụ thể hơn. Không để xảy ra tình trạng công nghệ lấn át di sản, công nghệ trở thành hoạt động trung tâm chi phối các hoạt động lễ hội.
Từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm, định hướng phương thức ứng dụng công nghệ phù hợp, bền vững. Bởi, bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc trong lễ hội phải đồng hành cùng công cuộc chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa...

Lễ hội bơi Đăm - nơi bảo tồn văn hóa truyền thống mảnh đất nghìn năm văn hiến
Kinhtedothi - Từ xa xưa, dân gian đã truyền tụng nhiều câu ca dao nhắc đến hội bơi Đăm như “Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy” hay “Xù Gạ thì giỏi chăn tằm, làng La canh cửi, làng Đăm bơi thuyền”; “Làng Đăm có hội bơi thuyền/Có lò đánh vật, có miền trồng hoa”.... Câu ca như lời nhắc nhớ mỗi người con làng Đăm (phường Tây Tựu, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) dù công tác, làm việc hay học tập ở bất kỳ nơi đâu cũng luôn hướng về nguồn cội mỗi dịp tháng Ba về.

Điểm nhấn trong Lễ hội Làng Sen 2025
Kinhtedothi - Nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), chương trình khai mạc Lễ hội Làng Sen 2025 và khánh thành tượng đài "Bác Hồ về thăm quê" được tổ chức tại sân vận động Làng Sen sẽ được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình quốc gia.