Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

Hành trình tha hương

Kinhtedothi - “Đời cha là đời tha hương con ạ”… Khi nói điều đó, hẳn cha không buộc tôi phải nghĩ ngợi gì, nhưng nó lại thấm vào tôi như một dư vị xót xa.
 Ảnh minh họa
Cha mồ côi năm 14 tuổi. Bà nội mất vì hậu sản, để lại cho ông nội mười người con cả trai cả gái, cả lớn cả nhỏ. Cha là con thứ tư. Trước cha, các bác gái đều đã đi xây dựng gia đình. Bác trai thì đi bộ đội chống Pháp. Ông nội tôi cũng tham gia cách mạng. Có lẽ gánh nặng gia đình dồn lên vai cha quá nhiều, bởi có lần cha kể cha vừa học, vừa phải lo việc đồng áng, đêm lại đi cất vó, mệt quá ngủ gục ở bãi tha ma.
Cuộc đời cha trải nhiều vất vả, hẳn rồi, và chắc cũng có chút thăng trầm, cay đắng. Điều này tôi chỉ phỏng đoán, bởi những chuyện buồn riêng cha đều gói ghém trong lòng. Phần lớn thời gian cuộc đời, cha dạy học ở quê mẹ, rồi lấy mẹ tôi, rồi sinh con đẻ cái, mua đất dựng nhà. Quê mẹ và quê cha trong cùng một tỉnh, khoảng cách địa lý chưa đầy năm mươi cây số, nhưng mấy chục năm trước, khi phương tiện đi lại chủ yếu là chiếc xe đạp cọc cạch băng qua bao nẻo đường ổ voi, ổ gà thì sự di chuyển không thể gọi là dễ dàng. Đó là chưa kể những khác biệt về tập tục của hai miền đất, thói quen của hai gia đình, những biến động đổi thay trong cuộc sống cùng gánh nặng áo cơm luôn đè trĩu trên vai.
Nhớ ngày trước, mỗi lần đưa ba chị em chúng tôi về quê, cha mẹ thường phải đạp xe cả buổi. Đồ đạc mang theo ngoài quần áo còn có thuốc men cho ông nội, bi đông nước cùng vài nắm cơm chấm muối vừng, sang hơn là tấm bánh chưng.
Trong tâm thức thơ ấu của tôi, đó là quãng đường dài dằng dặc, mệt mỏi, ê ẩm cả người vì đường xóc, vì nắng nóng hoặc gió rét. Cách quê chừng mươi cây số, cha đã sôi nổi háo hức hẳn lên. Vòng xe cha đạp nhanh hơn, tiếng cười cha sảng khoái hơn và những lời động viên cha dành cho chị em tôi thật ấm áp. Cha thường chỉ cho chúng tôi ngọn núi con rùa phân biệt với các núi khác bởi mỏm đá hình rùa. Ngày nhỏ cha thường lên đấy chăn trâu, kiếm củi. Nhìn thấy núi con rùa tức là về đến quê con ạ!

Ông nội đã qua đời từ nhiều năm trước. Những người chị, người em và cả cha nữa mỗi người mỗi bổn phận. Các cháu con anh, con chị đã đủ lông đủ cánh, không cần đến sự bao bọc của cha. Ai cũng băn khoăn cơm áo, vun vén gia đình.
Ai cũng đang lớn lên, đang già đi. Chị em tôi không còn háo hức chờ đợi một năm hai lần về quê vào dịp hè và dịp Tết. Đường sá rộng rãi, trải nhựa phẳng lỳ. Có việc thì vù xe máy một lúc là đến nơi. Cha và mẹ không đi được xe máy thì đã có taxi, ô tô. Số lần cha về nhiều hơn, nhưng thời gian lưu lại ít hơn. Sáng đi, chiều đã về. Họa hoằn lắm mới nghỉ lại một đêm ở nhà anh em. Chẳng biết, khi ngồi trên xe với vận tốc 50 - 60 cây số một giờ, cha có kịp nhận ra núi con rùa đang lặng im nhìn cha từ phía xa kia không?

Trong danh sách sở hữu những miếng đất nhỏ được chia từ mảnh đất rộng hơn 3ha mà ông bà nội để lại không có tên cha. Cha coi đó là sự nhường nhịn, là lẽ đương nhiên khi hộ khẩu thường trú của mình đang ở nơi khác. Ngôi nhà tranh cha sống thời tuổi nhỏ trở thành không gian sinh hoạt chung của cả dòng họ. Không có mảnh đất nào dành riêng cho cha. Cha vẫn có thể trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Nhưng con nhận được nét buồn trong mắt cha, và những cọng tóc trắng rung nhè nhẹ.
Bao năm tháng nhọc nhằn, không lúc nào cha không hướng về quê hương đó sao? Cha đã chẳng ước mong ngày về hưu được trở lại quây quần bên anh em con cháu đó sao? Đất đai có tình cảm, có sự ràng buộc vừa hữu hình, vừa vô hình. Lúc cô đơn nhất, cha dựa vào quê hương để vượt qua. Cha khao khát trở về để rồi lại bị đẩy xa hơn nữa, cho dù bánh xe đạp vẫn mải miết quay tại chỗ và núi con rùa còn trầm mặc hơn xưa. Đến thế hệ con cháu cha, cuộc hành hương này lại tiếp nối những dặc dài nỗi nhớ.

Phải vậy không, thưa cha?!
Dòng sự kiện:
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện cuộc sống: ngày vui sẽ đến

Câu chuyện cuộc sống: ngày vui sẽ đến

27 Apr, 09:00 AM

Kinhtedothi - Sau giờ làm việc, Việt lựa chọn cho mình một góc sân nhỏ của bệnh viện để nghỉ ngơi. Đêm rằm đầu Hạ, vầng trăng tròn vành vạnh, những cơn gió mát thổi qua khiến Việt tỉnh người, những căng thẳng của một ngày làm việc vì thế cũng dần bị xua tan. Rồi Việt bị thu hút bởi câu chuyện của hai người phụ nữ ngồi gần đó. Họ tranh thủ ăn hộp cơm nguội ngắt và trò chuyện với nhau về gia đình, con cái.

Vấn vương mùa lá sấu bay

Vấn vương mùa lá sấu bay

23 Apr, 12:02 PM

Kinhtedothi - Người ta thường biết và nhớ tới mùa Thu của Hà Nội bởi thảm lá vàng rơi như mùa thay áo mới, nhưng Hà Nội những ngày tháng Tư về cũng mang vẻ đẹp nao lòng bởi thảm lá sấu xào xạc, nhẹ nhàng rơi trong nắng mới đầu Hạ.

Xao xuyến khúc giao mùa

Xao xuyến khúc giao mùa

14 Apr, 02:08 PM

Kinhtedothi - Tháng Tư về, phố Hà thành chợt mơ màng trong hương sắc riêng của khúc giao mùa. Mỗi góc phố, con đường quen gieo vào lòng người chút xao xuyến của thời khắc chuyển giao từ Xuân sang Hạ.

Nhớ nghĩa đồng bào trong mâm cúng trôi chay

Nhớ nghĩa đồng bào trong mâm cúng trôi chay

30 Mar, 05:13 PM

Ngày mồng Ba tháng Ba âm lịch cũng nhằm vào lúc thời tiết phong quang, tươi sáng, gió xuân vãn thổi hiu hiu, cây cối đâm chồi nảy lộc. Ấy là lúc chúng ta lại nhớ về ngày giỗ Tổ 10.3. Thế là nhà nhà nô nức xay bột để làm bánh trôi, bánh chay theo tích quốc mẫu Âu Cơ đẻ 100 trứng, nở ra 100 con từ một bào thai.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ