Báo cáo của Hanoisme cho thấy, năm 2019, Hanoisme đã gặp gỡ 620 DN và các chi hội trực thuộc tiếp nhận các kiến nghị, tháo gỡ khó khăn cho DN; phối hợp với các ngân hàng thương mại để hỗ trợ DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng.
Hanoisme cũng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp mở rộng thị trường, đa dạng hoá thị trường, phát triển sản xuất gắn với tăng cường tuyên truyền, quảng bá để nâng cao vị thế và uy tín của hàng hoá sản xuất trong nước.
Năm 2020, Hanoisme sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động cho Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Cụ thể, tổ chức các khoá đào tạo, bồi dưỡng kiến thức nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, kiến thức pháp luật cho DN. Phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN về vốn, thị trường, thuế, hải quan, thủ tục hành chính...
Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động ''Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam'' TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại hội nghị |
Đồng thời phối hợp với các sở, ngành chỉ đạo DN tham gia các hoạt động kích cầu tiêu dùng, ổn định giá cả trên thị trường... Phối hợp với Sở Công Thương triển khai các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa; chương trình hội nhập kinh tế quốc tế; sản phẩm công nghiệp chủ lực; công nghiệp hỗ trợ; chương trình khuyến công; chương trình Hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích với các DN trên địa bàn. Phối hợp với Ban quản lý Khu công nghiệp và Chế xuất, giao thương với các DN Việt Nam và DN FDI trong các khu công nghiệp nhằm trao đổi nâng cao năng lực cho DN và xúc tiến thương mại.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Hanoisme Mạc Quốc Anh kiến nghị, trong thời gian tới, TP Hà Nội cần có các chương trình cho vay vốn hiệu quả đối với DN nhỏ, thực hiện những hình thức cho vay mới cùng các giải pháp đột phá trợ giúp DN trong tiếp cận đất đai và mặt bằng sản xuất kinh doanh, xây dựng các khu, cụm công nghiệp cho DN nhỏ và vừa. Tăng cường hệ thống thông tin về công nghệ và thị trường, kết nối hệ thống thông tin của các cơ quan nhà nước và hiệp hội DN, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư cho DN nhỏ và vừa ở thị trường trong nước, định hướng xuất khẩu; mở rộng các cụm công nghiệp tại một số huyện như Hoài Đức, Thường Tín… Sở Công Thương Hà Nội và các cơ quan chức năng cần bám sát, cập nhật, đưa ra các thông tin dự báo thị trường trong nước cũng như xuất khẩu, qua đó góp phần hỗ trợ DN định hướng sản xuất phù hợp.
Trước kiến nghị của Hanoisme, đại diện Sở KH&ĐT và Sở Công Thương Hà Nội nêu rõ, trong những tháng đầu năm 2020, Hà Nội có thêm hơn 3.000 DN thành lập mới, nâng tổng số DN lên 282.936 DN. Mặc dù con số DN thành lập mới không nhỏ nhưng vẫn thấp so với những năm trước do chịu tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 nên cần thiết phải tổ chức gặp gỡ DN với ngân hàng, cơ quan thuế... để tìm cách gỡ khó cho DN.
Ngoài ra, khủng hoảng kinh tế toàn cầu do dịch Covid-19 đã tác động, ảnh hưởng đến kết quả sản xuất kinh doanh của DN. Vì vậy, bên cạnh việc thông tin kịp thời tới DN, Hanoisme nên có đề xuất phương án tháo gỡ khó khăn cho DN tới các ngành chức năng.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Trưởng ban chỉ đạo Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn đề nghị Hanoisme, trong năm 2020 công tác tuyên truyền cần đặt mục tiêu rõ ràng, cụ thể; tạo điều kiện để các DN thành viên phát huy được lợi thế để triển khai thực hiện thành công Cuộc vận động. Đồng thời, Hanoisme tăng cường phối hợp với Ban chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp về cuộc vận động. Tăng cường hỗ trợ DN hội viên tiếp cận các cơ chế chính sách, vốn, nhất là trong thời điểm hiện nay, khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.