Hanssip đón làn sóng đầu tư mới

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm ở cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Nam Hà Nội (Hanssip) trong thời gian gần đây liên tục đón nhận thêm các dự án đầu tư mới.

Nỗ lực vượt khó

Được Tập đoàn Nikken Civil (Nhật Bản) thiết kế quy hoạch, Khu công nghiệp (KCN) Hanssip có diện tích 640ha, trong đó khoảng 500ha là KCN và 140ha là khu đô thị dịch vụ. Đặc biệt, Hanssip chính là KCN đầu tiên của ngành CNHT Việt Nam do Công ty CP Ðầu tư phát triển N&G - Corp, thành viên của Tập đoàn N&G (N&G Group), DN 100% vốn Việt Nam đầu tư, xây dựng.

Công ty Onaga tổ chức động thổ xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Hanssip (tháng 3/2022). Ảnh: Hoài Nam
Công ty Onaga tổ chức động thổ xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất tại Khu công nghiệp Hanssip (tháng 3/2022). Ảnh: Hoài Nam

Khi hoàn thiện các quy trình vận hành, KCN Hanssip sẽ thu hút khoảng 2.000 DN tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó tạo ra việc làm cho 300.000 - 500.000 lao động trực tiếp, gián tiếp của TP Hà Nội và vùng phụ cận.

Trải qua gần 10 năm khảo sát, chuẩn bị cơ sở hạ tầng và thi công xây dựng, đến nay KCN Hanssip đã cơ bản hoàn thành, đáp ứng đủ các điều kiện để thu hút DN ngành CNHT đi vào sản xuất, kinh doanh. Nói về những khó khăn trong quá trình xây dựng cơ sở hạ tầng KCN, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển N&G Phạm Quang Khải chia sẻ, DN đã chịu tác động rất lớn bởi trong công tác giải phóng mặt bằng. Giá thuê đất thô của Hà Nội cao gấp ba lần các địa phương cận kề.

Hơn nữa, đây là mô hình mới nên các quy định về quản lý Nhà nước chưa theo kịp đòi hỏi của thực tế. Khó khăn chưa khắc phục xong lại phát sinh thêm dịch Covid-19 bùng phát ngay sau khi KCN Hanssip hoàn thành cơ sở hạ tầng đã khiến việc kêu gọi DN đầu tư sản xuất tại KCN giậm chân tại chỗ.

Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT TP Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Vân cho biết, nhiều DN của HANSIBA đã quan tâm, hưởng ứng đăng ký thuê mặt bằng sản xuất. Tuy nhiên, do dịch Covid-19 nên các chuyên gia, đối tác liên doanh nước ngoài không thể sang Việt Nam khiến cho quy trình và tiến độ thành lập nhà máy bị chậm trễ, ảnh hưởng không nhỏ đến vấn đề đáp ứng các đơn hàng quốc tế.

Nhanh nhạy đón luồng vốn đầu tư

Nhằm tháo gỡ khó khăn trong quá trình hoàn thiện cơ sở hạ tầng, tạo cú hích để KCN Hanssip thu hút DN đầu tư sản xuất, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành và UBND huyện Phú Xuyên tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Bằng sự vào cuộc quyết liệt của UBND TP Hà Nội và DN đầu tư, đến nay, KCN Hanssip đang trở thành địa chỉ đỏ cho nhiều tập đoàn quốc tế lựa chọn để đầu tư, phát triển sản xuất các sản phẩm ngành CNHT.

Kịp thời nắm bắt cơ hội, Công ty CP Công nghiệp phụ trợ Tomeco vừa ký kết hợp đồng thuê đất KCN Hanssip để xây dựng nhà máy sản xuất công nghiệp phụ trợ công nghệ cao. Giám đốc Công ty CP Công nghiệp phụ trợ Tomeco Vũ Thị Quỳnh chia sẻ, khi dự án chính thức đi vào hoạt động, Tomeco sẽ chế tạo và cung cấp các sản phẩm OEM cơ khí chính xác, các linh phụ kiện quạt công nghiệp, sản phẩm cơ khí phi tiêu chuẩn cho các tập đoàn đa quốc gia Australia, Anh, Mỹ... phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Cuối tháng 3/2022, Công ty Onaga (nhà sản xuất và đại diện nhóm các DN vùng Kobe - Nhật Bản) đã làm lễ động thổ xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất dành cho Onaga và nhóm các nhà sản xuất linh kiện máy bay - hàng không - tàu shinkansen - ô tô - tàu biển - nông ngư nghiệp… của Nhật Bản tại KCN Hanssip. Chủ tịch Công ty Onaga Masaru Onaga tiết lộ, đây là điểm khởi đầu cho chuỗi hàng trăm DN vùng Kobe nói riêng, Nhật Bản nói chung sẽ sang đầu tư sản xuất tại KCN Hanssip Hà Nội và chuỗi các KCN chuyên sâu cho CNHT Việt Nam.

“Đây chính là giai đoạn 1 của sự hợp tác. Dự kiến trong thời gian tới, Công ty Onaga sẽ tiếp tục đầu tư hàng trăm triệu USD nhằm tạo chuỗi liên kết với DN Việt, thu hút sự tham gia của các DN này vào chuỗi sản xuất Nhật Bản, tiến tới là chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu” - ông Masaru Onaga thông tin.

Đồng tình với ý kiến này, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển N&G Phạm Quang Khải cho rằng, trong thời gian qua, nhiều DN CNHT hoạt động trong lĩnh vực công nghệ cao như sản xuất linh kiện máy bay, linh kiện điện tử máy tính, robot lắp ráp ô tô điện của các tập đoàn đa quốc gia đã tìm tới KCN Hanssip để nghiên cứu, lựa chọn địa điểm đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất.

“Vừa qua, Công ty CP Đầu tư Phát triển N&G và Công ty CP MBI (Tập đoàn MBI - Hàn Quốc) đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư sản phẩm, linh phụ kiện ngành CNHT cho Tập đoàn MBI tại KCN Hanssip”- ông Khải nêu ví dụ.

Theo Chủ tịch Hansiba Nguyễn Hoàng, việc ký hợp đồng thuê mặt bằng sản xuất của DN Việt Nam, tiếp đến là khởi công xây dựng chuỗi nhà xưởng sản xuất của DN Nhật Bản và ký kết biên bản ghi nhớ với đối tác Hàn Quốc mà KCN Hanssip đã triển khai thời gian qua được kỳ vọng sẽ "kích hoạt" cho sự hợp tác của Hanssip với cộng đồng DN CNHT trong nước và quốc tế.

 

"TP Hà Nội xác định nhiệm vụ trọng tâm là đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng hạ tầng đối với các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội để sớm hoàn thành, thu hút đầu tư, tạo mặt bằng sản xuất cho các DN, hộ sản xuất, kinh doanh tạo bước đột phá trong phát triển công nghiệp của Thủ đô." - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần