Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hapro mang Xuân đến với người dân ngoại thành Hà Nội

Minh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cũng như mọi năm, gần đến Tết Canh Tý 2020, người dân xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa) lại nô nức đi mua sắm hàng hóa tại phiên chợ Tết do Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) tổ chức. Phiên chợ năm nay (diễn ra từ ngày 16 - 18/1) được Hapro chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng với chủ đề "Hapro mang Xuân đến mọi nhà".

Người dân xã Đồng Tân mua hàng Tết tại phiên chợ Tết do Hapro tổ chức khai mạc ngày 16/1/2020.
Người dân hào hứng mua hàng
Mặc dù năm nay đã 85 tuổi nhưng cụ Đoàn Thị Liên (thôn Khánh Vân, xã Đồng Tân) đã 4 năm liền đi sắm Tết tại điểm bán hàng theo mô hình "Chợ Tết" do Hapro tổ chức tại chợ Mỹ Cầu (xã Đồng Tân). “Năm ngoái, tôi mua một thùng nước mắm ở chợ Tết và thấy chất lượng rất tốt. Vì vậy, năm nay tôi sẽ lựa chọn mua nhiều hàng hóa hơn do đã tin tưởng chất lượng hàng hóa bán tại phiên chợ của Hapro" - bà Liên chia sẻ.
Phiên chợ không chỉ phục vụ nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân trong dịp Tết Canh Tý mà còn góp phần bình ổn thị trường trên địa bàn, quảng bá hàng Việt Nam, sản phẩm làng nghề truyền thống của địa phương.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Ứng Hòa Đặng Thị Tươi
Còn bác Nguyễn Thị Hạnh ở xã Ðồng Tân sau khi mua đầy 2 giỏ hàng hồ hởi cho biết: Tết năm nào tôi cũng đợi đến chợ Tết này để mua sắm. Tôi thấy ở đây có nhiều hàng hóa, giá cũng vừa phải, lại có nhiều phần quà khuyến mại. Với “Phiên chợ Tết”, bà con mua hàng yên tâm hơn, đồng thời cũng tạo ra được không khí mua sắm Tết như ở trung tâm Hà Nội. “Nếu muốn đi siêu thị Big C sắm Tết, chúng tôi phải đi hơn 20km, nhờ có chương trình này mà việc mua sắm hàng hóa Tết rất thuận tiện” – bác Hạnh hồ hởi nói.
Chị Nguyễn Thu Hà, nhân viên của Hapro tham gia bán hàng tại chợ Tết cho biết: Thấy Hapro dựng quầy bày hàng, bà con đã bảo nhau cùng đến mua hàng, những sản phẩm được người dân mua nhiều nhất gồm bột giặt, mắm, muối, dầu ăn... Qua nhiều lần trực tiếp tham gia đưa hàng Tết về khu vực nông thôn, tôi thấy người dân vùng ngoại thành có nhu cầu mua sắm khá cao, nhưng lại thiếu những điểm bán hàng có chất lượng. Vì vậy, họ rất mong chợ Tết được tổ chức tại địa phương.
Việc tổ chức “Phiên chợ Tết” đã giúp người dân có cơ hội mua hàng Việt với giá hợp lý, chất lượng bảo đảm. Đây cũng là hoạt động thiết thực triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam". Từ đó góp phần hạn chế tốc độ tăng giá, kiềm chế lạm phát, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Phục vụ các mặt hàng thiết yếu
Năm 2020 là năm thứ 5 Hapro tổ chức “Phiên chợ Tết” tại huyện Ứng Hòa, nên DN đã mang đến nhiều sản phẩm truyền thống với chất lượng đảm bảo phục vụ Tết cổ truyền dân tộc như bánh chưng, giò, rượu vang Thăng Long, sản phẩm bánh mứt kẹo Tết của Công ty Thủy Tạ, Công ty Bánh mứt kẹo Hà Nội, Hữu Nghị, Kinh Đô…
Các chương trình đưa hàng Tết về nông thôn tuy được người dân khu vực ngoại thành đón nhận, nhưng DN gần như không có hoặc có rất ít lợi nhuận do chi phí tổ chức, vận chuyển hàng hóa, bố trí nhân lực cao. Thực tế này đòi hỏi TP cần có các cơ chế hỗ trợ, tạo điều kiện và đồng hành cùng DN trong các chuyến bán hàng về khu vực nông thôn, ngoại thành.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú
Nhằm góp phần bình ổn giá cả thị trường trong dịp Tết, Hapro còn phục vụ Nhân dân địa phương các mặt hàng thiết yếu trong chương trình bình ổn giá như gạo, dầu ăn, thực phẩm chế biến. Đặc biệt, nhân dịp Tết Canh Tý 2020, Hapro giới thiệu tới người tiêu dùng Thủ đô 3 thương hiệu gạo mới: Gạo Nàng Mây, gạo Đài Thơm và Gạo Đồng Vàng đặc biệt của Chi nhánh Hapro tại Đồng Tháp. Phó Tổng giám đốc Hapro Nguyễn Tiến Vượng cho biết: Mặc dù phải tự chủ động nguồn vốn dự trữ hàng hóa nhưng Hapro đã mạnh dạn ký kết hợp đồng dài hạn với các nhà cung cấp để chuẩn bị nguồn hàng Việt Nam chất lượng cao phục vụ nhu cầu người dân với giá bán hợp lý. "Chúng tôi xác định việc đưa hàng về nông thôn không phải vì lợi nhuận mà vì trách nhiệm của DN thương mại Nhà nước đối với người tiêu dùng" – ông Vượng chia sẻ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để bảo đảm đủ hàng hóa cung ứng dịp Tết Canh Tý cho người dân Thủ đô, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo tất cả các DN tham gia chương trình bình ổn giá tổ chức các phiên chợ Việt, tuần hàng Việt; Tổ chức các chuyến bán hàng về khu công nghiệp, khu chế xuất và các vùng sâu, vùng xa trên địa bàn. “Thông qua các hoạt động này, DN bán lẻ sẽ đưa lượng hàng chiếm 10% tổng giá trị hàng hóa bán ra trong dịp Tết về phục vụ người dân ngoại thành. Để tránh tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, Sở Công Thương yêu cầu sản phẩm phục vụ Tết phải rõ nguồn gốc, đảm bảo ATTP” - bà Lan nhấn mạnh.
Việc tổ chức “Phiên chợ Tết” đã giúp người dân có cơ hội mua hàng Việt với giá hợp lý, chất lượng bảo đảm, đồng thời là cầu nối hữu hiệu giữa các nhà sản xuất và người tiêu dùng. Thông qua phiên chợ, các nhà sản xuất trong nước giới thiệu và đưa được sản phẩm của mình tới người tiêu dùng, đặc biệt là người dân ở vùng ngoại thành có cơ hội biết và được tiêu dùng những sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.