Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hát quan họ đã thay đổi tận gốc, rễ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau những lần Hội Lim khai màn và kết thúc để lại dư âm phản cảm về một miền quan họ. Người yêu quan họ lại đặt câu hỏi: Giá trị di sản phi vật thể của thế giới ở đâu? Nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền cho rằng, quan họ cổ đã mất đi từ 50 - 60 năm trước.

 Khi làm hồ sơ di sản là chúng ta mô tả hồi cố về cuộc chơi đã từng diễn ra trong quá khứ.

Hơn 10 năm gắn bó, nghiên cứu quan họ, ông có thể cho biết sự khác biệt giữa quan họ cổ và thứ quan họ đang được trình diễn ở Hội Lim ngày nay?

- Bản chất quan họ ngày xưa là thú chơi nghệ thuật của những nhóm xã hội kết nghĩa, gọi là liền anh và liền chị. Ngày xưa chỉ có nhóm kết nghĩa mới hát đối đáp với nhau, trừ trong các cuộc thi lấy giải. Cuộc chơi của quan họ ngày xưa đã biến đổi và kết thúc từ những năm 60 của thế kỷ trước. Nghệ nhân hát quan họ kết nghĩa chỉ còn cụ Ngô Thị Nhi và cụ Nguyễn Thị Nguyên.

Hát quan họ đã thay đổi tận gốc, rễ - Ảnh 1

Dàn hợp xướng với hàng ngàn người hát quan họ lập kỷ lục ở Hội Lim 2012. Ảnh: Thanh Khánh

Ngày nay, quan họ đã trở thành tiết mục biểu diễn sân khấu cho cộng đồng nghe chứ không phải cho nhau nghe. Cái không gian kết nghĩa không còn nữa, người ta tìm cho đủ số đôi rồi ghép với nhau và tìm bài phù hợp mà ngày xưa các cụ từng hát đối đáp với nhau, hoàn toàn không còn mối quan hệ kết nghĩa, khái niệm liền anh, liền chị cũng chỉ là phiếm chỉ.

Nói như vậy, khi làm hồ sơ di sản đề nghị UNESCO công nhận là chúng ta hồi cố về cuộc chơi đã từng có trong quá khứ?

- Chắc chắn rồi. Chúng ta làm hồ sơ đều là mô tả một không gian đã từng diễn ra trên thực tế, và ngày nay không gian ấy đã mất đi hoàn toàn.

Tuy nhiên, thực hiện lời cam kết với UNESCO, hàng năm, Nhà nước, tỉnh Bắc Ninh vẫn đầu tư hàng tỷ đồng để bảo tồn, phục dựng quan họ cổ?

- UBND tỉnh Bắc Ninh đã từng tuyên bố không thể phục dựng không gian văn hóa cổ của quan họ. Thay vào đó, Bắc Ninh phát triển quan họ bằng cách xây nhà hát quan họ, đưa quan họ vào trường học để cho tất cả cùng hát quan họ, thành lập dàn hợp xướng với kỷ lục hàng ngàn người cùng hát. Điều đó vô hình chung làm thay đổi bản chất của mục đích bảo tồn. Nhìn sự hối hả trình diễn quan họ, hát quan họ cải biên, tham gia vào dàn hợp xướng kỷ lục quan họ của người dân Bắc Ninh thì thấy rõ, tâm lý người hát quan họ nơi ấy đã thay đổi tận gốc, rễ.

Sau tất cả hoạt động rùm beng và không gian náo nhiệt của quan họ, nỗi lòng của các nghệ nhân như thế nào khi quan họ thay đổi bản chất?

- Nhiều nghệ nhân buộc phải cuốn theo cách lựa chọn của người dân và chính quyền địa phương. Có một số người hoài cổ muốn giữ lại không gian xưa của quan họ tại hình thức hát canh, nhưng lực bất tòng tâm.

Theo ông, bảo tồn quan họ cổ có thật sự khó?

- Không có gì là khó, ngược lại rất dễ. Phương pháp mà các nước phát triển đang áp dụng rộng rãi là bảo tồn tập trung. Phương pháp đó còn có thể gọi là làng bảo tồn tập trung. Nghĩa là, một bên đại chúng hóa, phát triển quảng bá rộng rãi di sản, một bên phải đầu tư phục dựng quan họ cổ ở một làng. Và những người tham gia bảo tồn quan họ cổ phải được trả lương, hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, phải được coi như cán bộ công chức ăn lương Nhà nước để giữ gìn quan họ cổ đúng với giá trị xưa. Mô hình làng bảo tồn tập trung là mô hình ưu tú nhất trong xã hội hiện đại phát triển bây giờ, nhưng muốn làm được hay không lại do nhà quản lý địa phương quyết định.

Xin cảm ơn ông!