Hậu Giang: Khó khăn trong thu hoạch, thu mua lúa

GIANG LAM
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lúa Hè Thu đang vào thời điểm thu hoạch rộ. Tuy nhiên, việc thiếu máy cắt, đi lại, di chuyển bị hạn chế do quy định phòng, chống dịch Covid-19… đang gây trở ngại cho khâu thu hoạch và tiêu thụ lúa, thậm chí nông dân đành chấp nhận để thương lái ép giá thấp hơn so với hợp đồng đã ký.

Nông dân gặp khó
Theo hướng dẫn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hậu Giang về thu hoạch, thu mua và vận chuyển nông sản trong thời gian giãn cách xã hội, chủ máy thu hoạch, tài xế, tài công, lơ xe, nhân công bốc dỡ nông sản (gọi chung là người thu hoạch) di chuyển vào vùng thu hoạch phải có giấy kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm, kể cả khi có giấy xác nhận đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin phòng Covid-19.
Người thu hoạch khi thu hoạch nông sản phải đảm bảo biện pháp phòng, chống dịch và không được đi nơi khác ngoài khu vực/điểm thu hoạch nông sản đã đăng ký. Nếu thu hoạch dài ngày, chủ phương tiện phải đảm bảo "3 tại chỗ" cho người thu hoạch đi cùng trong suốt quá trình thu hoạch lúa tại khu vực đăng ký.
Tương tự, chủ doanh nghiệp thu mua, chủ phương tiện thu mua, người thu mua, tài xế, lơ xe, người đi trên phương tiện, nhân công bốc dỡ hàng hóa (gọi chung là người thu mua) cũng phải đáp ứng các điều kiện nêu trên.
Thu hoạch lúa ở Hậu Giang. Ảnh: Giang Lam 
Theo ông Lê Như Lê - Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, hiện các nhà máy xay xát lúa trên địa bàn huyện chủ yếu nhỏ lẻ nên không đảm bảo tiêu thụ hết số lượng lớn lúa Hè Thu của huyện với tổng số gần 19.500ha, năng suất bình quân 6,3 tấn/ha. Do vậy, việc tiêu thụ lúa chủ yếu là thương lái ngoài địa bàn đến thu mua.
Trong khi mỗi thương lái đều có khá đông lực lượng nhân công, trong khi đang thực hiện các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Vừa qua vẫn có trường hợp đã vào đến vùng cắt lúa mới thực hiện khai báo y tế, đồng nghĩa việc thực hiện các quy định phòng, chống dịch bệnh chưa nghiêm, cũng là một khó khăn.
Các chủ máy cắt và thương lái ngoài địa bàn đến thu hoạch và thu mua lúa cho người dân trong huyện thường hoạt động trong thời gian dài nên việc quy định kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 không quá 72 giờ rồi test lại sẽ gặp nhiều khó khăn.
“Địa phương đề xuất tỉnh cho lực lượng thu hoạch và thu mua lúa chỉ thực hiện test một lần trong suốt quá trình hoạt động. Khi kiểm tra có kết quả xong thì đề nghị họ thực hiện cam kết và có sự quản lý chặt của ngành chức năng địa phương là đảm bảo không đi vào khu vực dân cư mà chỉ tổ chức ăn, ở tại nơi thu hoạch và thu mua đến khi kết thúc chuyến đi” - ông Lê cho biết.
Tại thị xã Long Mỹ, ông Mai Lý Tưởng - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thị xã cho hay, vụ Hè Thu 2021 nông dân trên địa bàn thị xã xuống giống được gần 10.100ha, hiện chỉ mới thu hoạch rất ít. Vấn đề hiện nay là địa phương chỉ có khoảng 21 máy cắt, khi vào thu hoạch rộ (từ giữa đến cuối tháng 8) tới với khoảng 8.000ha sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu cho bà con.
Còn tại TP Ngã Bảy, mặc dù diện tích lúa không lớn (khoảng 542ha) nhưng đa phần nông dân lại hợp đồng trước đó với các chủ máy cắt ở địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Trong khi cả hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng đang thực hiện giãn cách xã hội, TP Ngã Bảy sẽ thiếu máy thu hoạch lúa cho người dân...
Lúa hạ giá
Không chỉ gặp khó do thiếu phương tiện, nông dân còn bị thương lái hạ giá thu mua so với giá đã đặt cọc trước đó. Anh Nguyễn Hữu Thanh (ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang) cho hay, theo hợp đồng ban đầu với thương lái, bà con sẽ bán lúa với giá 6.200 đồng/kg.
Nhưng đến ngày cắt lúa, thương lái nói tình hình đi lại gặp khó khăn, một số doanh nghiệp lại chậm thu mua lúa gạo nên đề nghị bà con giảm giá xuống còn 5.900-6.000 đồng/kg. “Chia sẻ với thương lái, tôi và bà con đành chấp nhận” – anh Thanh nói và cho biết, việc giảm 200 đồng/kg, với năng suất lúa 700kg/công (1.000m2), đồng nghĩa người dân bị thất thu 1,4 triệu đồng/ha.
Nông dân đang gặp khó trong tiêu thụ lúa. Ảnh: Giang Lam 
Ngoài những khó khăn trên, những ngày qua, mưa dầm, kèm theo giông lốc làm cho lúa đổ ngã, giảm năng suất, chậm tiến độ thu hoạch của bà con…
The ông Trần Chí Hùng - Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, ngành nông nghiệp sẽ có trách nhiệm sớm điều tiết máy cắt từ vùng lúa đã thu hoạch xong sang nơi đang có nhu cầu. Trong quá trình di chuyển người và phương tiện sẽ đảm bảo thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch Covid-19.
Theo ông Hùng, tín hiệu tích cực là tổng số máy cắt lúa đang có trên địa bàn tỉnh là 248 máy. Hiện tại, huyện Châu Thành A đã thu hoạch dứt điểm lúa Hè Thu, một số địa phương khác (huyện Vị Thủy, TP Vị Thanh) cũng đã cắt gần xong nên các địa phương còn lại có thể yên tâm, không phải lo lắng về tình hình thiếu máy cắt.
Tuy nhiên, để công tác điều tiết máy được thuận lợi thì các địa phương cần rà soát cụ thể và sớm có báo cáo về những vùng lúa cần được chi viện máy cắt để ngành nông nghiệp tỉnh có giải pháp điều tiết được kịp thời và hiệu quả, đồng thời đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa, hạn chế thất thoát cho người dân.
Về đề xuất chỉ test Covid-19 một lần đối với lực lượng thu hoạch và thu mua lúa thì ngành nông nghiệp sẽ có báo cáo với Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tỉnh để có sự chỉ đạo chung...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần