Tỉnh ủy Hậu Giang vừa ban hành Báo cáo số 601-BC/TU tổng kết 05 năm thực hiện Kết luận số 54-KL/TW ngày 07/8/2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch tích cực
Thời gian qua, tỉnh Hậu Giang đã ban hành nhiều chính sách và tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển tam nông, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn. Tập trung xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, xây dựng nông thôn mới có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ.
Ban hành các chính sách ưu đãi đầu tư, thu hút các doanh nghiệp tham gia đầu tư sản xuất kinh doanh, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ phát triển hợp tác xã và các ngành, nghề nông thôn.
Từ đó, kinh tế nông nghiệp phát triển và chuyển dịch tích cực, đã và đang có sản phẩm sản xuất hàng hóa với quy mô ngày càng mở rộng, nhiều tiến bộ kỹ thuật mới được đưa vào sản xuất, một số loại sản phẩm được sản xuất với quy mô tập trung, phương thức công nghiệp, an toàn môi trường và đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
Nông thôn của tỉnh phát triển khá nhanh và toàn diện, từng bước đáp ứng yêu cầu sản xuất, đời sống Nhân dân; cơ sở hạ tầng, hệ thống chính trị ở nông thôn hoạt động ngày càng hiệu quả; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn được giữ vững...
Đến nay, Hậu Giang đã hình thành các vùng chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao. Tỉnh đã có 132 mã số vùng trồng được chứng nhận (diện tích 2.365 ha, 44.399 tấn sản phẩm) và 9 mã số đóng gói. Diện tích sản xuất được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP 1.427ha, chủ yếu là lúa, khóm, sầu riêng, bưởi, mít, chanh, xoài, dưa hấu… Diện tích chứng nhận tiêu chuẩn GlobalGAP 229 ha. Tỷ lệ cơ giới hóa trong canh tác lúa đạt 100% khâu làm đất và thu hoạch.
Bên cạnh đó, Hậu Giang đã có 41/51 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 5 xã nông thôn mới kiểu mẫu và 3/8 đơn vị cấp huyện được công nhận hoàn thành, đạt chuẩn nông thôn mới.
Toàn tỉnh đã đánh giá, phân hạng, cấp giấy chứng nhận 266 sản phẩm OCOP với 125 chủ thể đăng ký tham gia trong đó 92 sản phẩm 4 sao, 174 sản phẩm 3 sao. Đến cuối năm 2023, Hậu Giang còn 6.611 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 3,29%) và 6.741 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 3,36%.
Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả
Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết, mục tiêu từ nay đến năm 2030, nông dân và cư dân nông thôn có trình độ, đời sống vật chất và tinh thần ngày càng cao, làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Nông nghiệp phát triển nhanh, bền vững, hiệu quả, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, quy mô sản xuất hàng hóa nông sản ngày càng lớn, bảo đảm môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, phát triển sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch nông nghiệp ở những vùng có điều kiện lợi thế.
Nông thôn phát triển toàn diện, có kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, cơ cấu kinh tế và hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, môi trường sống an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; tổ chức Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở trong sạch, vững mạnh.
Cụ thể, tốc độ tăng trưởng GRDP nông - lâm - thủy sản đạt bình quân 3,05%/năm; tăng năng suất lao động nông nghiệp bình quân 5,5 - 6%/năm. Tốc độ tăng trưởng công nghiệp, dịch vụ nông thôn phấn đấu đạt bình quân trên 10%/năm. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng tối thiểu 3,0 lần so với năm 2020.
Theo đó, để đạt được kết hoạch đề ra, thời gian tới, tỉnh Hậu Giang tập trung nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ, cải thiện toàn diện đời sống vật chất, tinh thần của nông dân và cư dân nông thôn. Đồng thời, phát triển nền nông nghiệp hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn; xây dựng nông thôn theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa. Tạo đột phá trong nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; đào tạo nhân lực trong nông nghiệp, nông thôn...