Hậu phương người lính biển

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Mẹ ơi! Mẹ ăn cơm chưa? Mẹ đừng ốm nhé! Mẹ hãy cố ăn cho khỏe để cùng con chờ ngày anh Giang về mẹ còn lo đám cưới cho chúng con mẹ nhé…”. Đó là dòng tin nhắn của Trần Nguyễn Nhật Linh, người yêu Trung úy Trần Trường Giang đang làm nhiệm vụ trên tàu Cảnh sát biển 8001 gửi cho mẹ chồng tương lai.

Tiếp chúng tôi trong căn nhà cấp 4 đơn sơ thuộc khu tập thể Công ty Cổ phần cơ khí Đại Mỗ, thuộc tổ dân phố Nhuệ Giang, phường Tây Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP Bà Nội, bà Đào Kim Anh, mẹ của Trung úy Trần Trường Giang nói: “Từ hôm nghe tin Trung Quốc hạ đặt trái phép Giàn khoan Hải Dương 981 vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, hôm nào tôi cũng xem thời sự, theo dõi tình hình. Vậy là cháu Giang nhà tôi sẽ còn phải ở ngoài đó dài ngày để cùng đồng đội bám biển đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc”.

Học xong cấp III, năm 2004, Trần Trường Giang thi đỗ vào Học viện Khoa học Quân sự, khoa tiếng Trung. Năm 2009, anh ra trường rồi được cấp trên điều về công tác tại Phòng Pháp luật, thuộc Vùng 3, Bộ Tư lệnh Cảnh Sát biển. Ngày 22/11/2012, anh cùng đồng đội dũng cảm, mưu trí, bắt sống 11 tên cướp biển quốc tế, lập  chiến công xuất sắc, được lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội biểu dương, khen thưởng.

 
Trung úy Trần Trường Giang (người mặc áo phao đứng giữa) cùng đồng đội bắt giữ toán cướp biển năm 2012
Trung úy Trần Trường Giang (người mặc áo phao đứng giữa) cùng đồng đội bắt giữ toán cướp biển năm 2012
Lần về nhà gần đây nhất là đợt nghỉ phép cuối năm 2013, Giang chỉ ở nhà giúp mẹ sửa lại những chỗ mái nhà bị dột, mua những tấm xốp để ốp xung quanh nhà cho đỡ nóng. Nhìn căn nhà được dựng bằng khung thép, xung quanh ốp tôn, nhiều chỗ nhìn thấy cả ánh mặt trời rọi vào nhà, tôi không khỏi ái ngại. Như biết được suy nghĩ của tôi, bà giải thích: “Chú thấy đấy, hai vợ chồng tôi đều là bộ đội nghỉ hưu, thu nhập chỉ đủ trang trải và nuôi hai cháu ăn học, cháu gái thứ hai hiện vẫn đang học văn bằng hai hệ đại học.”.

Vẫn giọng nhỏ nhẹ, bà kể cho tôi nghe về chuyện riêng của Trung úy Trần Trường Giang:

Lần nghỉ phép vừa rồi, cháu khoe với tôi là đã có người yêu. Cả nhà tôi mừng lắm. Năm nay cháu 29 tuổi rồi còn gì. Ai cũng mong cho cháu sớm có gia đình riêng. Nhưng riêng tôi thì vẫn cứ lo, vì chưa biết mặt mũi người yêu cháu như thế nào. Vậy là ăn tết xong, tôi hẹn cháu Giang đi Sài Gòn để vào gặp con dâu tương lai xem sự thể thế nào, kết hợp lên Tây Ninh, xin phép gia đình nhà gái cho các cháu được tìm hiểu nhau. Thế nhưng khi vào đến nơi, cháu đã cùng đơn vị đi công tác ngoài biển rồi. Lần thứ hai là vào dịp 30/4/2014, nhân dịp được nghỉ dài ngày, hai mẹ con hẹn nhau mang cơi trầu đến dạm ngõ nhà gái. Vậy mà vẫn như lần trước, khi tôi vào chỉ gặp cháu cùng đồng đội ở trên tàu, ăn cơm xong các cháu lại vội ra khơi làm nhiệm vụ. Tôi đành một mình đến nhà gái để hỏi vợ cho con. Nhiều lúc nghĩ thương hai đứa chúng nó quá, cứ hẹn nhau mãi mà vẫn chưa mua được nhẫn đính hôn để tặng nhau.

Nói đến đây, bà đưa tay lên lau vội giọt nước mắt…

Chú biết không, mấy hôm trước, nghe tình hình biển đông cứ nóng lên, tôi gọi điện cho cháu Linh (người yêu Trung úy Trần Trường Giang) và nói với cháu rằng: “Mẹ cảm ơn con đã dành tình yêu cho Giang. Nhưng bây giờ, Giang đang ở nơi nguy hiểm, chưa biết ngày nào mới trở về, hay con cứ gọi mẹ là bác thôi…”. Nói rồi, tôi xúc động quá không nói tiếp được. Ở đầu bên kia, tôi cũng nghe thấy tiếng khóc nghẹn ngào của Linh. Sau hôm đấy, tôi thấy cháu Linh ngày nào cũng gọi điện, nhắn tin động viên tôi nhiều hơn. Cháu bảo: “Chúng con yêu nhau, do nhiệm vụ, anh Giang không sợ hiểm nguy, kiên cường bám biển để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Hành động dũng cảm của anh và đồng đội đang được cả dân tộc mình dõi theo, cảm phục. Mẹ ơi, chính sự cách xa, không sợ hy sinh gian khổ ấy càng làm con thấy tự hào, trân trọng và yêu anh Giang hơn…”. 

Bà Kim Anh đưa điện thoại cho tôi xem tin nhắn Linh mới gửi cho bà gần đây nhất: “Mẹ ơi! Mẹ ăn cơm trưa?  Mẹ đừng ốm nhé! Mẹ hãy cố ăn cho khỏe để cùng con chờ ngày anh Giang về mẹ còn lo đám cưới cho chúng con mẹ nhé…”.

Tôi vội quay mặt đi, cổ như nghẹn lại. Cảm ơn những người mẹ, người vợ, người em nơi hậu phương, họ mãi là hiện thân của lòng thủy chung son sắt, luôn sẵn sàng hiến dâng hạnh phúc riêng tư cho sự nghiệp bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.