Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hậu quả bất ngờ từ lệnh trừng phạt Nga của phương Tây

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo báo cáo của New York Times, lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Nga đã gây nguy hiểm cho các nghiên cứu quan trọng về biến đổi khí hậu, vì Nga nắm giữ những dữ liệu quan trọng về khu vực Bắc Cực.

Các nhà khoa học Mỹ và Châu Âu, vốn đang thực hiện nghiên cứu tại những khu vực nằm ngoài Vòng Bắc Cực, đã phải chấm dứt việc hợp tác với đối tác Nga sau khi xung đột tại Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022 và các lệnh trừng phạt của phương Tây được áp dụng ở Moscow.

Theo tờ New York Times, việc chấm dứt hợp tác này đã buộc các nhà khoa học phương Tây phải nỗ lực tìm kiếm nguồn dữ liệu thay thế, do Nga kiểm soát hơn một nửa Bắc Cực về bờ biển và tích đất liền. Công việc theo dõi nhiệt độ khu vực này đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu và phân tích hiện tượng biến đổi khí hậu, bởi băng tan ở Bắc Cực dẫn đến hiện tượng mực nước biển dâng cao, cũng như ảnh hưởng đến nhiệt độ và lượng mưa toàn cầu.

Các lệnh trừng phạt Nga đang cản trở nhiệm vụ nghiên cứu biển đổi khí hậu tại Bắc Cực. Ảnh: Vera Kostamo
Các lệnh trừng phạt Nga đang cản trở nhiệm vụ nghiên cứu biển đổi khí hậu tại Bắc Cực. Ảnh: Vera Kostamo

Nhà nghiên cứu người Ý, Alessandro Longhi, cho biết: "Chúng ta không thể hiểu hoàn toàn về tình trạng biến đổi tại Bắc Cực nếu thiếu đóng góp từ Nga".

Theo Viện Nghiên cứu Quốc tế Đan Mạch, loại trừ Nga khỏi các dự án nghiên cứu đồng nghĩa với việc đang thiếu một nửa bộ dữ liệu về khí hậu Bắc Cực.

Sau khi xung đột Ukraine leo thang, hầu hết các thành viên EU và NATO đã quyết định đình chỉ mọi dự án nghiên cứu có liên quan đến các tổ chức của Nga hoặc diễn ra tại quốc gia này. Các trạm nghiên cứu thực địa của Nga cũng đã bị loại khỏi mạng lưới quốc tế về nghiên cứu và giám sát đất liền ở Bắc Cực, một mạng lưới toàn cầu bao gồm 60 mũi nghiên cứu ở khu vực vĩ ​​độ phía Bắc. Điều này dẫn đến việc mất đi số lượng dữ liệu đáng kể đóng vai trò quan trọng trong việc giám sát những thay đổi trong hệ sinh thái, theo một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature của Anh vào đầu năm nay.

Tuy nhiên, Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết, các hợp tác khoa học về Bắc Cực vẫn đang phát triển, với các đối tác mới như Trung Quốc và Ấn Độ. Báo Nezavisimaya Gazeta của Nga trước đây tiết lộ các quốc gia thuộc BRICS, Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, cùng với các quốc gia thuộc Mỹ Latinh, Trung Đông và khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đã thể hiện sự quan tâm đến Bắc Cực. Tờ báo cũng cho biết Trung Quốc và Ấn Độ đã chuyển từ vai trò quan sát viên trong Hội đồng Bắc Cực sang tham gia tích cực vào các dự án nghiên cứu về khu vực này.