Bên cạnh việc mở đường cho cuộc tổng tuyển cử vào năm 2017, nhiều chuyên gia cho rằng, kết quả trên sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan phát triển trong thời gian tới. Kể từ khi lên nắm quyền vào tháng 5/2014, đây là lần đầu tiên quân đội Thái Lan tổ chức trưng cầu dân ý về Dự thảo Hiến pháp mới. Theo đó, bản Hiến pháp đã được cử tri ủng hộ là bản hiến pháp thứ 20 trong lịch sử lập hiến của Thái Lan bắt đầu từ năm 1932. Theo Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC), trong cuộc bỏ phiếu hôm 7/8, kết quả sơ bộ cho thấy, 62% số phiếu ủng hộ, trong khi chỉ có 37,9% số phiếu phản đối Dự thảo Hiến pháp mới.
Việc cử tri bỏ phiếu nói “có” sẽ góp phần làm dịu bớt tình hình bất ổn chính trị, vốn đeo đẳng quốc gia này trong suốt 5 năm qua và giúp nhà đầu tư lạc quan về phát triển tăng trưởng của đất nước xứ Chùa vàng. Chỉ số chứng khoán Thái Lan đã tăng 1,6% và tỷ giá đồng Baht đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 16 tháng qua khi kết quả sơ bộ trưng cầu được công bố. Điều này thể hiện sự lạc quan của các nhà đầu tư trước triển vọng ổn định chính trị của Thái Lan, sau nhiều biến động từ cuộc đảo chính năm 2014. Thị trường chứng khoán Thái Lan đã tăng gần 20% trong năm nay, giúp cho chỉ số SET củng cố vị thế trên thị trường châu Á. Trong phiên giao dịch ngày 9/8, tỷ giá đồng Baht cũng tăng lên đáng kể, với 34,93 Baht đổi được 1 USD. Thống đốc Ngân hàng T.Ư Thái Lan (BoT) Veerathai Santiprabhob cho biết, giá trị đồng Baht tăng cho thấy sự khả quan của nhà đầu tư sau khi có kết quả cuộc trưng cầu dân ý hôm 7/8. Theo đó, BoT ước tính tốc độ tăng trưởng GDP của Thái Lan sẽ đạt 3,1% trong năm nay, trong khi Ngân hàng Thế giới dự báo con số này ở mức 2,5%. “Nếu xảy ra bất ổn về chính trị rất có thể vẫn sẽ ảnh hưởng tới tỷ giá đồng Baht cũng như các đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại kết quả trưng cầu dân ý được coi là tín hiệu tốt đối với hy vọng tăng trưởng kinh tế của Thái Lan” - ông Veerathai nói. Mặc kệ những bất ổn về chính trị trong nước, có thể thấy rằng, ngành dịch vụ du lịch Thái Lan vẫn đang được duy trì ở mức độ tăng trưởng nổi bật. Năm 2015, Thái Lan đã đón gần 30 triệu lượt du khách nước ngoài. Lượng khách du lịch kỷ lục tới Thái Lan dự kiến bù đắp cho sự sụt giảm về xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài. Việc thiết lập Hiến pháp mới là một bước tiến quan trọng đối với Thái Lan, bởi nếu không diễn ra những bất ổn về chính trị, Chính phủ nước này có thể tập trung vào các chính sách thúc đẩy kinh tế. Đồng thời là tiền đề giúp cải thiện mối quan hệ của Thái Lan với các đối tác nước ngoài. Điển hình như quyết định tham gia Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) của Thủ tướng Prayut Chan-ocha sẽ giúp Thái Lan có chỗ đứng để cạnh tranh với nhiều quốc gia khác, giúp tăng giá trị xuất khẩu.
Nền kinh tế Thái Lan dự đoán tăng trưởng sau kết quả bỏ phiếu hôm 7/8. Ảnh: Bloomberg |