Kinhtedothi - Những điểm mới trong mùa tuyển sinh đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) năm 2014, những ngành đang "hot" và cơ hội việc làm đối với các ngành đang dư thừa nhân lực, bí quyết chọn ngành phù hợp… là những nội dung được bạn đọc quan tâm nhiều tại buổi giao lưu trực tuyến "Chung và riêng trong tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2014" do báo Kinh tế & Đô thị điện tử tổ chức sáng 11/3.
Chủ động đổi mới
Mùa tuyển sinh 2014, nhiều trường ĐH ở Hà Nội vẫn áp dụng phương án tuyển sinh "ba chung" của Bộ GD&ĐT. Song song với đó, các trường cũng đang chuẩn bị đề án tuyển sinh riêng theo hướng đánh giá đúng năng lực của người học khi "ba chung" kết thúc. Các trường CĐ, thực hiện xét tuyển thẳng đối với thí sinh tốt nghiệp THPT hoặc tương đương.
Giảng viên hướng dẫn học viên thực hành trên máy tính tại Trường Cao đẳng nghề công nghệ cao Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
|
Bên cạnh điểm chung ấy, các trường vẫn có những điểm riêng để tạo dấu ấn và thu hút thí sinh. Hiệu trưởng trường CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội - TS Phạm Xuân Khánh cho biết: "Với việc 94% sinh viên khóa đầu tiên ra trường có việc làm, trong năm 2014, trường tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh từ 1.000 lên 2.000 chỉ tiêu, mở thêm nghề mới, trong đó có: Chăm sóc sắc đẹp và Công nghệ sửa chữa ô tô". Với việc tăng thêm 300 chỉ tiêu cho ngành Tài chính - Ngân hàng, nâng tổng chỉ tiêu lên 2.600, năm nay, Học viện Ngân hàng tiếp tục đổi mới chương trình theo hướng đáp ứng nhu cầu xã hội, chuẩn đầu ra theo hướng hội nhập. TS Trần Mạnh Dũng - Trưởng phòng Đào tạo của Học viện cho hay: "Chương trình được thiết kế theo hướng chuyên sâu để sinh viên ra trường đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp".
Việc đào tạo ngoại ngữ trong nhà trường cũng được các cơ sở giáo dục ĐH và CĐ chú trọng hơn, nhất là khi năm 2015, Cộng đồng kinh tế Asean hình thành, thị trường nhân lực được mở rộng nhưng ngày càng gay gắt. Theo Ths Lê Việt Anh - Phó Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Ngoại thương: "Chuẩn đầu ra của sinh viên trường ĐH Ngoại thương là sử dụng thành thạo 1 trong 5 ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật, Trung, Nga. Đối với những ngành học song ngữ, khi sinh viên có năng lực tốt, nhà trường sẽ giới thiệu những chương trình học bằng tiếng Anh và một ngoại ngữ thứ hai". Tương tự, ngoài thực hiện quy định chung về ngoại ngữ của Bộ GD&ĐT, trường CĐ Y tế Hà Đông và CĐ Nghề công nghệ cao Hà Nội còn đưa ra các tiêu chuẩn riêng đáp ứng nhu cầu của đơn vị sử dụng ở trong và ngoài nước.
Ngành nào cũng cần nhân lực giỏi
Năm nay, trước tình hình nền kinh tế đang suy giảm, việc chọn ngành nghề của thí sinh trở nên thực tế hơn. Nhiều thí sinh quan tâm đến từng chương trình đào tạo cũng như cơ hội việc làm sau khi ra trường. "Em rất muốn thi vào ngành Tài chính - Ngân hàng, nhưng đang suy nghĩ bởi nhiều sinh viên tốt nghiệp rất khó xin việc, liệu 4 năm nữa tình hình có thay đổi?" - bạn Dương Minh (Hà Đông) băn khoăn. Trả lời cho câu hỏi này, TS Trần Mạnh Dũng nói: "Chúng ta nên nhìn nhận theo quá trình chung và dài hạn. Tôi tin rằng 4 năm nữa, thị trường sẽ khác. Nếu các bạn yêu thích ngành Tài chính - Ngân hàng, hãy tự tin vì thị trường trong tương lai đang chờ đón các bạn". Ths Lê Việt Anh có thêm lời khuyên chọn ngành nghề theo sở trường, bởi: "Ngành nghề nào cũng cần người giỏi, khi các em nỗ lực học tập và trang bị cho mình những kiến thức chuyên môn và ngoại ngữ tốt, ra trường vẫn có cơ hội việc làm tốt".
Toàn cảnh buổi Giao lưu trực tuyến: "Chung và riêng trong tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014"
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Cao (huyện Gia Lâm) về chương trình đào tạo của ngành Luật của ĐH Ngoại thương Hà Nội khác với ĐH Luật Hà Nội thế nào, Ths Việt Anh chia sẻ: Nhà trường đào tạo cho sinh viên nắm vững kiến thức pháp luật trong kinh doanh, giỏi ngoại ngữ, có khả năng phân tích, soạn thảo và ký kết các hợp đồng thương mại quốc tế; đào tạo luật gia, luật sư, trọng tài viên, nhà hòa giải chuyên nghiệp trong môi trường thương mại toàn cầu. Không ít bạn trẻ lại quan tâm đến các ngành nghề đang "hot" của trường CĐ Y tế Hà Đông, nên TS Nguyễn Thị Thịnh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Cả 4 ngành trường đang đào tạo (Điều dưỡng, Dược, Xét nghiệm, Hộ sinh) đều đáp ứng nhu cầu cấp thiết của xã hội hiện nay. Tuy nhiên, ngành Điều dưỡng và Dược đang có nhu cầu cao, sinh viên tốt nghiệp có cơ hội làm việc trong nước và thế giới.
Việc xây dựng mô hình nhà trường - doanh nghiệp đang được nhiều trường thực hiện, bởi đem lại hiệu quả cao, đặc biệt tạo điều kiện việc làm cho sinh viên ngay khi ra trường. Song, cho dù chọn ngành nào, thí sinh vẫn nên theo 5 tiêu chí được TS Phạm Xuân Khánh đúc kết: Chọn nghề theo năng lực, năng khiếu, sở trường; Ngành nghề gắn liền với xã hội; Môi trường học tập, tổ chức đào tạo và chế độ chính sách tốt; Trường có trách nhiệm với sinh viên đến khi ra trường; Nhu cầu sử dụng lao động.