Tại buổi tọa đàm “Tăng cường quan hệ hợp tác Hoa Kỳ - Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Obama”, diễn ra chiều 27/9 tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius đã có bài phát biểu nêu bật những thành tựu trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ trong suốt 20 năm qua, quãng thời gian mà theo ông “là nền tảng xác định tương lai hợp tác mới” giữa hai quốc gia.
Theo Đại sứ Ted Osius, việc Việt Nam và Hoa Kỳ thông qua Tuyên bố chung trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Obama đến Việt Nam đã đề ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ đối tác đang lớn mạnh giữa hai nước. Đây là một mốc quan trọng trong quan hệ song phương, nó thể hiện cam kết tầm nhìn ra ngoài biên giới mỗi nước cùng chung tay giải quyết những thách thức toàn cầu như tình trạng biến đổi khí hậu và nạn buôn bán bất hợp pháp động thực vật hoang dã. Đó cũng là cam kết quan trọng giữa hai quốc gia để xây dựng một tương lai hòa bình, bền vững và thịnh vượng hơn.
Phải biến cam kết thành hành động
Việt Nam là một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất trong khu vực. Chỉ trong một thời gian ngắn, Việt Nam đã vươn lên gia nhập nhóm các nước có mức thu nhập trung bình. Đại sứ Hoa Kỳ cho rằng trong bản Tuyên bố Chung, các nhà lãnh đạo hai nước đã cam kết mở rộng và làm sâu sắc hơn hoạt động hợp tác kinh tế giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Những nơi tôi đặt chân đến tại Việt Nam, tôi đều có thể thấy những kết quả mà quá trình này mang lại: hàng triệu người được thoát nghèo; giới trẻ rất lạc quan về tương lai của họ. Việt Nam có nhiều điều để tự hào, chắc chắn là vậy, nhưng cùng nhau chúng ta có thể làm còn nhiều hơn nữa”.
Trên thực tế, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay, xuất khẩu của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng 44%. Con số đó thật ấn tượng! Xuất khẩu của Việt Nam vào Hoa Kỳ cũng tăng 12%, đưa thương mại song phương tăng lên 17%. Trong số 50 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Hoa Kỳ, chỉ có 3 thị trường có mức tăng trưởng hai chữ số. Trong đó Việt Nam là thị trường lớn nhất.
Tuy nhiên, theo Đại sứ Hoa Kỳ, để hiện thực hóa những tham vọng đó, hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam phải biến cam kết thành hành động và làm cho tầm nhìn của các nhà lãnh đạo hai nước trở thành hiện thực. “Sẽ có những cản trở phải vượt qua, nhưng tôi tin tưởng vững chắc rằng cùng nhau chúng ta có thể đạt được tất cả những mục tiêu mà các nhà lãnh đạo của hai nước đã đề ra cho chúng ta”, Đại sứ Hoa Kỳ nhấn mạnh.
Xây dựng lòng tin chiến lược
Khái niệm “lòng tin chiến lược” lần đầu tiên được các nhà lãnh đạo Việt Nam nhắc đến cách đây 2 năm, tháng 5/2013. Phát biểu dẫn đề khai mạc Đối thoại Shangri-La 2013 tại Singapore, thay mặt Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh “lòng tin chiến lược” như một yếu tố chủ chốt, không thể thiếu trong quan hệ quốc tế hiện đại, “là khởi nguồn của mọi quan hệ hữu nghị, hợp tác; là liều thuốc hiệu nghiệm để ngăn ngừa những toan tính có thể gây ra nguy cơ xung đột”.
Trong mối quan hệ với Hoa Kỳ, vượt qua quá khứ, sự kiện Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Hoa Kỳ năm 2015 chứng minh rằng sự khác biệt giữa hai bên không nhất thiết trở thành sự đối đầu, nếu cả hai bên đều chân thành tôn trọng sự khác biệt và các lợi ích chính đáng của nhau, kiên trì đối thoại trên cơ sở xây dựng và củng cố lòng tin.
Nhấn mạnh câu chuyện này, Đại sứ Hoa kỳ Ted Osius cho rằng con đường hiêu quả để Việt Nam và Hoa Kỳ xây dựng một Quan hệ Đối tác Toàn diện thực sự, đó là thúc đẩy các hoạt động giao lưu nhân dân giữa hai nước. Dẫn lời nhà văn Mỹ Mark Twain “Du hành là kẻ tử thù của thành kiến, thói cố chấp và hẹp hòi”, ông Ted Osius nói rằng không có gì xây dựng lòng tin và loại bỏ hiểu lầm giữa các dân tộc hơn việc thúc đẩy giao lưu văn hóa và giáo dục.
“Tôi tin tưởng chắc chắn rằng không có hình thức giao lưu nào hiệu quả hơn trong việc loại bỏ thành kiến và tạo ra các mối gắn kết xã hội bằng việc đầu tư vào giáo dục thế hệ trẻ của chúng ta. Đó là lý do vì sao tôi rất phấn khởi về việc sắp khởi động hai sáng kiến giáo dục quan trọng: Đoàn Hòa bình (Peace Corps) tại Việt Nam, và trường Đại học Fulbright Việt Nam”.
Ngoài ra, một điểm quan trọng nữa để gắn kết mối quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ đóa là hàn gắn quá khứ và hướng tới tương lai. Năm 1995, Hoa Kỳ và Việt Nam đã bình thường hóa quan hệ, và 20 năm qua đã chứng kiến một chặng đường dài trong quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ nhưng quá trình hòa giải cho tất cả mọi người - trong đó có những người Mỹ gốc Việt bị ảnh hưởng sâu sắc bởi quá khứ - vẫn chưa hoàn tất. Vì thế, việc hai nước chúng ta cần làm là xây dựng lòng tin để khép lại một chương khó khăn của quá khứ.
Theo Đại sứ Hoa Kỳ, nguyên tắc cơ bản làm nền tảng cho mối quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam là tôn trọng lẫn nhau đối với chủ quyền và hệ thống chính trị khác biệt. Hoa Kỳ là một đối tác, một người bạn của Việt Nam. “Tôi mời các bạn, nhất là khi các bạn tìm lời giải cho những câu hỏi khó, hãy coi Hoa Kỳ là một nguồn hữu ích”.
“Hãy để cho mối quan hệ đối tác của chúng ta trở thành một điển hình cho thế giới. Chúng ta có thể thể hiện điều đó bằng việc làm và cho thấy rằng hai nước có thể, trong khoảng thời gian chỉ một thế hệ, dùng lịch sử mà chúng ta chia sẻ để tăng cường hiểu biết, tình hữu nghị và sự hợp tác giữa hai quốc gia”.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Tăng cường quan hệ hợp tác Hoa Kỳ-Việt Nam sau chuyến thăm của Tổng thống Obama” diễn ra chiều nay, PGS, TS Nguyễn Tất Giáp, Phó giám đốc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Quan hệ Việt Nam và Hoa Kỳ đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ trong 20 năm qua. Chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Obama vào tháng 5 vừa qua dánh một dấu mốc quan trọng trong quan hệ song phương cũng như xác định một tương lai mới cho quan hệ hai nước. Vấn đề này làm thế nào để thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Hoa Kỳ theo hướng hai bên cùng có lợi?Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã đặt nhiều câu hỏi liên quan đến quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ và tương lai hai nước sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Đại sứ Mỹ tại Việt Nam đã giải đáp các câu hỏi này và nhấn mạnh “tương lai hai nước sẽ phát triển mạnh mẽ với lòng tin và tinh thần tôn trọng, hiểu biết lẫn nhau”. |