Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy tạo thói quen khám sức khỏe định kỳ

Thảo Trần (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khám sức khỏe định kỳ (KSKĐK) được khuyến nghị thực hiện ở mọi lứa tuổi, như một thói quen chăm sóc sức khỏe cần thiết, giúp nhận biết sớm các bệnh lý nguy hiểm để điều trị kịp thời. Về vấn đề này, Báo Kinh tế & Đô thị đã trao đổi bác sĩ Vũ Ngọc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đa số người dân chỉ khám khi có dấu hiệu bất thường

Thưa bác sĩ, tại sao chúng ta phải KSKĐK?

- Hiện nay, đa số người dân chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe, nhất là việc KSKĐK. Chỉ đến khi bệnh đến giai đoạn muộn, có những biểu hiện bất thường, người dân mới đến bệnh viện khám. Với điều kiện kinh tế xã hội, trình độ dân trí phát triển như hiện nay, người dân cần quan tâm đến nguồn gốc của bệnh tật, phát hiện từ khi chưa có biểu hiện bất thường (ở mức yếu tố nguy cơ). Nhờ KSKĐK có thể phát hiện được những tình trạng, yếu tố nguy cơ gây ra bệnh.

Đặc biệt, hiện nay, với các bệnh lý không lây nhiễm như ung thư, tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính… tác hại khôn lường. Nguyên nhân đến từ chính lối sống, môi trường, thức ăn… Để phòng chống các bệnh này, người dân phải dùng nhiều biện pháp tổng hợp, trong đó có rất nhiều chương trình quốc gia đã truyền thông đến người dân. Nhưng điều quan trọng hơn cả là vẫn phải phòng bệnh từ gốc, phải hiểu bản chất của bệnh đến từ đâu, sau đó, bác sĩ, người dân sẽ điều chỉnh các yếu tố nguy cơ.
TS Vũ Ngọc Trung - Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Quốc gia Hà Nội thăm khám cho 

bệnh nhân. Ảnh: Thảo Trần

Đơn cử, bệnh lý về tim mạch, trước đây các bệnh lý tim mạch, nguyên nhân nhiễm trùng, thấp tim có tỷ lệ khá cao… Nhưng hiện nay, bệnh lý nhiễm trùng gây ra bệnh tim mạch càng ngày càng giảm, các bệnh lý tim mạch do các nguyên nhân không lây nhiễm ngày càng tăng. Bệnh tăng huyết áp, “kẻ giết người thầm lặng”, có những người không thấy có biểu hiện gì bất thường, cũng chưa đi khám bệnh bao giờ, nhưng khi bác sĩ đo huyết áp tăng lên gần 200mmHg, mức nguy cơ gây ra các biến cố tim mạch nặng là rất cao.

Như vậy, với bất kể loại bệnh nào khi được phát hiện sớm thì việc điều trị bệnh sẽ mang lại hiệu quả cao. Còn bệnh được chẩn đoán muộn vừa điều trị tốn kém lại hiệu quả thấp. Có thể thấy, KSKĐK rất quan trọng nhưng nhận thức của người dân về việc này lại đang bị hạn chế.

Để khám sức khỏe định kỳ hiệu quả

Tuy nhiều người hiểu được tầm quan trọng của việc KSKĐK nhưng họ lại không biết nên khám gì. Bác sĩ có thể đưa ra những khuyến cáo gì?

- Để việc KSKĐK hiệu quả, cả người bệnh và cơ sở y tế phải xây dựng gói khám tầm soát cơ bản. Kinh phí KSKĐK không phải vấn đề quan trọng mà quan trọng hơn đó là người dân phải nghiên cứu gói khám làm sao bao phủ được tất cả.

Trước hết, gói khám đó phải căn cứ vào quy định khám sức khỏe (khám cấp giấy sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế…).

Còn liên quan đến kiểm tra bệnh, người dân thường quan tâm đến các yếu tố nguy cơ. Đơn cử như khám lâm sàng, người dân phải tuân thủ đầy đủ các bước: Đo huyết áp, đo chiều cao, cân nặng, tính chỉ số BMI, sau đó, bác sĩ thăm khám, hỏi bệnh, khám lâm sàng các cơ quan… Việc khám lâm sàng giúp người bệnh biết được những yếu tố nguy cơ quan trọng.

Sau đó, là những xét nghiệm cơ bản hướng đến các yếu tố nguy cơ như xét nghiệm đường huyết, mỡ máu, chụp X-quang tim phổi, điện tâm đồ, siêu âm ổ bụng tổng quát, siêu âm tuyến giáp…

Nhờ chụp X-quang phổi, thêm yếu tố tầm soát, người bệnh có thể được chẩn đoán sớm ung thư phổi khi liên quan đến các yếu tố nguy cơ như hút thuốc lá, làm việc, tiếp xúc ở hầm mỏ, bụi, ô nhiễm… Hay để chẩn đoán sớm ung thư tuyến giáp thì chúng ta nên siêu âm tuyến giáp, chọc sinh thiết, làm tế bào…; còn liên quan đến ống tiêu hóa, lại phải nội soi tiêu hóa.

Nhiều người cho rằng, việc KSKĐK mất rất nhiều chi phí lẫn thời gian. Điều này khiến họ ngại đi khám. Vậy, bác sĩ có lời khuyên gì và khuyến cáo các mốc thời gian hợp lý?

- Việc KSKĐK giúp mỗi người phát hiện các vấn đề bất thường về sức khỏe nếu có, hoặc phát hiện bệnh vào giai đoạn sớm khi chưa có biểu hiện để điều trị hiệu quả hơn, khả năng lành bệnh cao hơn, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc và tránh được các biến chứng do bệnh gây ra, kéo dài tuổi thọ.

Mỗi người dân nên KSKĐK ít nhất một lần/ năm. Những trường hợp có triệu chứng khó chịu nào đó thì cần đến bác sĩ ngay, không chờ đến dịp khám định kỳ. Đó là cách tốt nhất, hiệu quả nhất giúp phòng ngừa và phát hiện bệnh sớm và chữa trị bệnh.

Tuy nhiên, khi đi KSKĐK, người dân nên đến đúng cơ sở y tế tin cậy. Nơi nào mà đội ngũ y bác sĩ dành tâm huyết cho công tác khám chữa bệnh, quản lý tốt người bệnh. Chúng tôi luôn khuyến cáo, người dân nên tuần tự đi từ tuyến cơ sở đến trung ương thì sẽ tốt hơn trong việc khám bệnh, chữa bệnh.

Xin cảm ơn ông!