Hãy tìm hướng đi mới

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đồng loạt 8 nhà nhập khẩu (NK) ô tô với 11 thương hiệu vừa gửi một số "ý kiến khẩn cấp" để bày tỏ sự "quan ngại sâu sắc" về các vấn đề liên quan tới thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB).

Dự luật để thay đổi, bổ sung thuế TTĐB dự kiến có hiệu lực từ ngày 1/1/2016 sau khi đã ban hành (vào ngày 28/10) Nghị định 108/2015/NĐ-CP về việc hướng dẫn thi hành và bổ sung một số điều của Luật Thuế TTĐB cũng có hiệu lực từ đầu năm sau. Đại diện 8 nhà NK đánh giá việc này sẽ gây nên tiếng xấu cho môi trường kinh doanh nói chung cũng như sự phát triển bền vững của ngành ô tô Việt Nam, đồng thời gây tác động xấu đến thị trường và ảnh hưởng đến sức mua của cả ngành ô tô nói riêng.

Hãy khoan nói đến việc giá ô tô NK sẽ rẻ hơn ào ạt tràn vào thị trường khiến ngành sản xuất ô tô trong nước khó chống đỡ mà chỉ nói đến câu chuyện chính sách cho ngành công nghiệp này. Những bất đồng đã khiến sau hơn 20 năm, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam vẫn loanh quanh ở vạch xuất phát.

Quý III/2014, Chính phủ ban hành quy hoạch và chiến lược phát triển ngành ô tô Việt Nam định hướng đến năm 2030, đặt ra lựa chọn phát triển dòng xe chiến lược là xe phục vụ nông nghiệp, xe tải, xe khách và xe buýt, sau mới đến xe dưới 9 chỗ ngồi. Chiến lược này là kịch bản đảo ngược hoàn toàn so với chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 là phát triển dòng xe dưới 9 chỗ ngồi, đã bị thất bại. Tuy nhiên, đến nay, dự thảo một số chính sách để hiện thực hóa mục tiêu cho các dòng xe chiến lược này vẫn chưa được đưa ra. Nguyên nhân là sự không thống nhất quan điểm giữa Bộ Công Thương và Bộ Tài chính về chính sách thuế 2015. Bộ Công Thương muốn bảo vệ cho các nhà sản xuất trong nước trong khi Bộ Tài chính lại phải cân nhắc giữa việc giảm thuế theo lộ trình từng năm để tránh giảm đột ngột về 0% vào năm 2018 nhưng cũng bảo đảm nguồn thu ngân sách. Hoặc như việc Bộ Công Thương ban hành Thông tư 20/TT -BCT nhằm mục tiêu là siết chặt NK, nhưng sau khi vấp phải sự phản ứng từ phía DN vì một số quy định bất hợp lý và phải dỡ bỏ, thì thông tư này lại tạo ra hướng mới cho các nhà sản xuất trong nước có tiềm lực mạnh chuyển hướng sang NK. Sự thiếu ổn định về chính sách đã khiến các DN ô tô không biết đường nào mà hoạch định kế hoạch sản xuất, kinh doanh, bởi vì bất kể là dòng xe nào cũng cần ít nhất từ 3 - 5 năm chuẩn bị đầu tư. Vì vậy, thật dễ hiểu vì sao nhiều DN chọn phương án NK xe thay vì lắp ráp tại Việt Nam, vì đó là phương án kinh doanh an toàn, giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận.

Trong khi dưới góc độ người tiêu dùng, đối tượng trực tiếp bị ảnh hưởng khi giá xe tăng hay giảm theo các chính sách thuế, nếu có nhu cầu và đủ khả năng để mua ô tô, phần lớn chỉ chọn những dòng xe nào an toàn và tiện nghi nhưng giá cả hợp lý nhất mà không quan tâm là xe nội hay xe ngoại.