Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy vì người lao động!

Nhật Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày mai (18/1), sẽ hết thời gian lấy ý kiến cho Hồ sơ đề nghị xây dựng Bộ luật Lao động sửa đổi, trong đó Bộ LĐTB&XH đề xuất 2 phương án về tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1, giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay. Phương án 2, nâng tuổi nghỉ hưu nam lên 62, nữ lên 60. Bộ LĐTB&XH nghiêng về phương án 2, bởi theo Bộ này, tăng tuổi hưu được cho là một trong những giải pháp nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất trong dài hạn. Thế nhưng, dư luận xã hội vẫn đang còn rất nhiều băn khoăn xung quanh đề xuất này.
Có thể nói, cuộc tranh luận về “nới” tuổi nghỉ hưu đã sôi động từ nhiều năm qua, nhưng điều đáng nói, lần nào Bộ LĐTB&XH đề xuất cũng bị dư luận phản ứng gay gắt bởi đều gây bất lợi cho người lao động. Ngay như lần này, Bộ đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu nhưng chưa hề có cuộc khảo sát lấy ý kiến hay đứng trên lập trường, quyền lợi của đa số người lao động.

Nhiều ý kiến cho rằng, đề xuất này chỉ phù hợp với một số ngành nghề đặc thù như nghiên cứu khoa học, không nên áp dụng đại trà, tránh gây bức xúc trong dư luận. Bởi ở độ tuổi 60, lao động nữ khó có thể đảm bảo năng suất công việc trong khi DN phải trả lương cao cùng với nhiều loại chi phí khác. Thực tế, thời gian qua, hàng loạt DN ồ ạt sa thải lao động nữ sau tuổi 35 bởi không đáp ứng yêu cầu công việc. Họ chủ yếu là lực lượng lao động giản đơn như công nhân da giày, may vá, lắp ráp điện tử… Bên cạnh đó, hiện các DN đã và đang hướng tới ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0, máy móc, robot sẽ thay thế con người. Liệu có cơ hội nào cho lao động làm việc đến 60 - 62 tuổi? Suy cho cùng, nếu càng kéo dài tuổi hưu thì việc người lao động xin nghỉ sớm để "lĩnh một cục" là điều dễ xảy ra. Khi đó, nguồn thu BHXH lớn nhất hiện nay sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp và quy định tăng tuổi hưu sẽ chẳng có ý nghĩa đối với việc bảo toàn quỹ BHXH.

Xét từ những điều kiện thực tế ở Việt Nam, điều khiến nhiều người quan ngại nhất chính là việc "nới" tuổi nghỉ hưu còn tạo thêm kẽ hở cho các “nhóm lợi ích”... giữ ghế, duy trì quyền lợi và bổng lộc. Ngoài ra, còn làm cho thị trường lao động mất cân đối khi hiện đang còn hàng vạn, hàng triệu lao động trẻ có bằng cấp, được đào tạo qua trường lớp nhưng phải chịu cảnh thất nghiệp. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu, cơ hội tìm việc của lớp trẻ càng bị thu hẹp.

Đứng về phía người lao động, theo kết quả khảo sát được thực hiện trong năm 2017 của Viện Công nhân – Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), 90% công nhân lao động muốn nghỉ hưu ở độ tuổi như hiện nay, nghĩa là nam 60 tuổi và nữ 55 tuổi. Còn nếu nói tăng tuổi hưu để cân bằng Quỹ BHXH thì không hợp lý vì thực chất vấn đề hiệu quả nằm ở cách vận hành, sử dụng Quỹ chứ không hẳn là ở thời gian lao động ngắn hay dài.

Dự kiến, dự thảo sẽ được trình Quốc hội trong kỳ họp tháng 5/2019 và đưa ra biểu quyết vào kỳ họp tháng 10/2019. Trong khi còn nhiều tranh luận trái chiều, dư luận cho rằng Bộ LĐTB&XH nên lắng nghe và đứng về phía người lao động để có đề xuất hợp tình, hợp lý.