Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy xử thật nghiêm!

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mấy ngày qua, trong khi cả nước hướng về miền Trung với sự sẻ chia, cảm thông trước những nỗi đau, mất mát về sinh mạng và tài sản của người dân nơi đây thì lĩnh vực được cho là một trong những thánh địa của cuộc sống lại xuất hiện một nỗi buồn không đáng có.

Như một cái “dớp”, đến hẹn lại lên, mỗi năm, khi danh sách ứng viên của chức danh PGS, GS được công bố thì lại ồn ào câu chuyện đủ tiêu chuẩn hay không.
Điều đáng buồn hơn là việc còn xuất hiện thư tố cáo người này, người khác gian lận. Cụ thể là ngày 26/10, trong thư gửi Hội đồng Giáo sư Nhà nước (HĐGSNN), GS Nguyễn Ngọc Châu, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học Việt Nam cho biết ông vừa nhận được 6 email gửi trực tiếp và gửi qua GS Phạm Đức Chính với nội dung: “Thêm 21 ứng viên GS, PGS ngành Y không đạt, 3 ứng viên nghi ngờ”. Nói “thêm” là bởi trước đó, hai vị GS này đã nhận được 11 thư tố cáo qua địa chỉ email về việc 16 ứng viên GS, PGS ngành Y và ngành Dược đưa vào hồ sơ xét duyệt các bài báo khoa học không đủ tiêu chuẩn mà vẫn được Hội đồng khoa học ngành xét cho qua.
GS Phạm Đức Chính là thành viên đương nhiệm của Hội đồng Giáo sư ngành Cơ học. GS Nguyễn Ngọc Châu từng có 3 nhiệm kỳ là thành viên của hội đồng giáo sư ngành. Từ những thư nhận được và qua thẩm định của bản thân, hai vị GS rất có uy tín đó đã gửi báo cáo lên HĐGSNN và Vụ Thanh tra Bộ GD-ĐT về những ứng viên chức danh PGS, GS năm nay bị tố cáo là không đủ tiêu chuẩn.

Nói đáng buồn bởi hai lẽ:

Một là, vì sự việc xảy ra một lĩnh vực trước nay vẫn được xã hội tôn trọng, trong đội ngũ những người thầy, mà là thầy ở trình độ cao, cả về năng lực khoa học lẫn tư cách đạo đức, có nghĩa là đã đủ nhận thức về bản thân, về xã hội. Nói nôm na, đó là những người đủ năng lực để tự biết mình có xứng đáng với cái danh hiệu mà mình đang hướng tới hay không.

Hai là, như trên đã nói, sự việc xảy ra như một cái “dớp”. Việc các nhà khoa học có uy tín, có cống hiến cho khoa học, đất nước, Nhân dân được tôn vinh, đáng lẽ phải là một sự kiện vui mừng, mang lại niềm vui cho những người làm công tác khoa học, sự tự hào thuần khiết cho cộng đồng, đất nước về những người con ưu tú của mình, thì lại vướng vào những chuyện thị phi mà lẽ thường chỉ thấy ở những kẻ cơ hội, phi đạo đức.

Mà đó mới chỉ là riêng chuyện về số lượng, chất lượng các bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí theo quy định: Từ 1/1/2020, mỗi ứng viên cho chức danh GS phải công bố được ít nhất 5 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Với ứng viên cho chức danh PGS, phải công bố được ít nhất 3 bài báo khoa học hoặc bằng độc quyền sáng chế; giải pháp hữu ích; tác phẩm nghệ thuật, thành tích huấn luyện, thi đấu thể dục thể thao đạt giải thưởng quốc tế. Ngoài tiêu chí trên, một người để được phong tặng chức danh PGS, GS còn bao nhiêu tiêu chuẩn khác. Nhắc lại như vậy để thấy mỗi ứng viên cần thật sự trung thực với chính mình, và với cộng đồng khoa học, xem mình có thực sự xứng đáng hay không khi nhận các chức danh đó. Nói cách khác, chỉ mỗi ứng viên mới thực sự biết mình có gian lận hay không. Và xem ra đó là tiêu chuẩn đầu tiên để mỗi vị nhận được sự phong tặng PGS, GS.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, Chánh thanh tra Bộ GD&ĐT, Bộ sẽ thành lập tổ công tác để thẩm định hồ sơ của các ứng viên. Mong rằng với động thái này mọi việc sẽ được công khai, minh bạch. Công khai, minh bạch để không bỏ sót những người xứng đáng và loại bỏ những người chưa đủ tiêu chuẩn.

Tuy nhiên, cùng với sự công khai, minh bạch và tin tưởng vào lòng tự trọng của các nhà khoa học, để xóa bỏ cái “dớp” đáng buồn, thậm chí là đáng xấu hổ này, nên có biện pháp xử lý thật kiên quyết. Trong trong bóng đá, cầu thủ phạm lỗi nặng sẽ bị phạt thẻ đỏ, đuổi ra khỏi sân, thậm chí bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Liệu trong việc này, có nên học theo như bóng đá, những người bị phát hiện cố tình gian lận khi làm hồ sơ ứng viên, sẽ bị cấm không được tham gia tham dự xét tặng các chức danh GS, PGS trong thời gian nhất định, ít nhất là trong năm kế tiếp?