HĐND TP Hà Nội thảo luận kinh tế - xã hội: Kiên quyết không để dịch bệnh bùng phát trở lại

Nhóm PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 6/7, tại Kỳ họp thứ 15 HĐND TP Hà Nội khóa XV, các đại biểu HĐND TP Hà Nội thảo luận tình hình thực hiện kinh tế xã hội tại hội trường.

Cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tăng trưởng GRDP và kim ngạch xuất nhập khẩu

Là đại biểu đầu tiên phát biểu thảo luận, đại biểu Trần Thị Vân Hoa - GS. TS- Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân bày tỏ đồng tình với báo cáo thẩm tra của các Ban và nghị quyết về kết quả thực hiện phát triển KT-XH 6 tháng đầu năm và những thành công trong công tác phòng chống đại dịch Covid-19 vừa qua của Thành phố. 

 Đại biểu Trần Thị Vân Hoa phát biểu thảo luận

Trước tình hình kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp về đại dịch Covid-19, trong nước tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch tới tốc độ tăng trưởng kinh tế nhất là trong quý 3/2020, nên để phát huy mọi nguồn lực và quyết tâm thực hiện tốt mục tiêu kép, kiên quyết không để dịch bệnh quay lại xóa đi thành quả TP đã đạt được, Hà Nội đề nghị Thành phố  cần quan tâm một số vấn đề.

Cụ thể, thứ nhất, về mục tiêu tăng trưởng, cần cân nhắc điều chỉnh 2 chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP và tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu. Với các kịch bản tăng trưởng đã được phân tích, khả quan nhất, nếu dịch bệnh trên thế giới được khống chế vào giữa quý 3, tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 của Hà Nội chỉ đạt 5,9 % (cả nước tăng trưởng 5,2%), hiện nay bối cảnh KT-XH còn nhiều diễn biến phức tạp nên 6 tháng đầu năm Hà Nội chỉ đạt 3,39%. Để đạt kế hoạch 7,5%, cần có tốc độ tăng trưởng trên 8,5% trong quý 3 và 4.

"Đây là điều vô cùng khó khăn vì tác động dịch bệnh sẽ có độ trễ, nên cần điều chỉnh chỉ tiêu này để không tạo ra sức ép cho phát triển KT-XH. Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu 6 tháng qua cũng tăng trưởng âm, nên điều chỉnh cho phù hợp, vừa tạo động lực cho các bộ ngành và DN", đại biểu nêu. 

Về giải pháp tăng trưởng, Hà Nội cần quan tâm 2 giải pháp để phát huy yếu tố thành công trong đại dịch vừa qua. Thứ nhất, cần duy trì phát huy các lợi thế của ứng dụng CNTT, đẩy nhanh chuyển đổi số, khuyến khích các sở ngành tiếp tục ứng dụng CNTT trong hội họp, giải quyết TTHC nhằm tiết kiệm chi phí cho người dân; tăng cường tuyyên truyền cung cấp thông tin các giải pháp và chính sách điều hành phát triển kinh tế của Chính phủ và TP một cách công khai, minh bạch đến từng người dân, DN để tạo nên quyết tâm của toàn hệ thống chính trị.

Thứ ba, các trường học, bệnh viên, cơ sở y tế cần tiếp tục phát huy thành quả ứng dụng CNTT, xây dựng chuẩn hóa bài giảng trực tuyến, đầu tư chuẩn hóa hạ tầng kỹ thuật CNTT trong dạy và học, đào tạo nâng cao năng lực CNTT cho giáo viên. Các cơ sở y tế cũng cần đầu tư xây dựng hệ thống khám chữa bệnh từ xa, cập nhật hoàn thiện hệ thống dữ liệu sức khỏe của người dân, chuẩn bị sẵn các phương án để chăm sóc sức khỏe người dân và nhất cung cấp thông tin kịp thời, minh bạch trên hệ thống nền tảng số.

Bên cạnh đó, cần khai thác và phát huy các động lực phát triển kinh tế mới bằng cách đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ, khuyến khích khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo. TP cần ưu tiên đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật số và đưa ra chính sách riêng có của Hà Nội để phát triển lĩnh vực này cũng như kiến nghị Chính phủ về cơ chế chính sách tạo hành lang pháp lý cho các loại hình kinh doanh mới này phát triển. 

Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước

Tiếp tục thảo luận, cơ bản nhất trí với các dự thảo báo cáo của UBND TP, ĐB Phạm Đình Đoàn (Tổ ĐB Hoàng Mai) cho rằng, Hà Nội là một trong những nơi có tốc độ phát triển nhanh nhất cả nước và là điểm sáng trong chỉ đạo điều hành trước tác động “rung lắc” bất thường của KTXH, được các DN, Nhân dân tin tưởng, và được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Song trước sức ép của cạnh tranh, cộng thêm cú sốc Covid-19 đã khiến nhiều DN chao đảo.

Vừa qua, Quốc hội, Chính phủ cũng như TP đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ DN. Tuy nhiên, tỷ lệ các DN tiếp cận thụ hưởng các chính sách hỗ trợ này còn thấp. Vì vậy, ĐB Phạm Đình Đoàn đề xuất tiếp tục tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thúc đẩy để các DN phát triển, nhất là ở cấp sở, ngành, quận, huyện TP. Các DN cần nhất là được hỗ trợ về cơ chế. Điều này đặt ra trách nhiệm, công tâm, sáng tạo của các cơ quan và từng công chức là chìa khóa để tạo nên động lực tích cực.

Bên cạnh đó, hỗ trợ các DN giảm chi phí sản xuất kinh doanh đầu vào như giảm giá điện, giảm phí cầu đường, không điều chỉnh giá năm nay đối với các mặt hàng là đầu vào cho sản xuất do Nhà nước quản lý.

 Đại biểu Phạm Đình Đoàn phát biểu thảo luận

ĐB Phạm Đình Đoàn cũng cho rằng, TP cần đánh giá lại quỹ đất để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, theo hướng mang lại giá trị cao, phù hợp với môi trường đô thị. Đẩy nhanh việc thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch, đẩy nhanh xây dựng hạ tầng để sớm có mặt bằng thu hút các DN. “Đón làn sóng đầu tư trong và ngoài nước với chiến lược là đón cả đại bàng lẫn chim sâu” – ĐB Phạm Đình Đoàn nói.

TP nên thành lập các cơ quan giám sát tiến trình cắt giảm các rào cản kinh doanh. Cơ quan này của TP đóng vai trò độc lập, có tiếng nói quyết định, không tham gia quản lý, không có DN sau lưng, không thực hiện cấp phép mà chỉ thực hiện rà soát chất lượng các văn bản và phải là những nhà chuyên môn giỏi và thực sự công tâm.

Ngoài ra, TP xây cần xây dựng chiến lược phát triển tổng thể, các cơ chế đặc thù của TP phải được cụ thể hóa bằng các kế hoạch, tổ chức lại không gian kinh tế hợp lý, kết nối hiệu quả liên kết hợp tác vùng, tận dụng cơ hội chủ động tìm kiếm các mô hình phát triển mới… Đối với các nhà đầu tư, chính sách ưu đãi chưa phải là quan trọng nhất nhưng khi cân nhắc lựa chọn giữa các địa phương, các nhà đầu tư luôn quan tâm đến việc hỗ trợ của chính quyền địa phương.

Do đó, ĐB Phạm Đình Đoàn cho rằng TP nên xem xét các chính sách hỗ trợ DN như tiền thuê đất, xây dựng ký túc xá, đào tạo nguồn nhân lực…vCuối cùng, TP cần đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức, xây dựng thành công chiến lược phát kinh tế số và trí tuệ nhân tạo; tiếp tục thúc đẩy khởi nghiệp và tạo ra chính quyền thân thiện.

Đề xuất khảo sát chất lượng dịch công trực tuyến tại từng quận huyện, sở ngành

Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) cho rằng, Hà Nội là trái tim của cả nước nên TP tới đây cần tập trung vào công tác giáo dục, y tế, dịch vụ, thương mại… là thế mạnh của những TP lớn. Do đó, cần thay đổi cách nhìn nhận về các vấn đề văn hóa xã hội. Theo đại biểu, hiện Thành phố đã cung cấp dịch vụ cho hơn 5.000 học sinh nước ngoài, trong tương lai với tình hình dịch bệnh và niềm tin vào sự an toàn của Việt Nam, nhiều người sẽ chọn sinh sống ở Việt Nam, là cơ hội rất lớn cho Hà Nội.

 Đại biểu Đỗ Thùy Dương (tổ Cầu Giấy) 

Đại biểu cũng cho rằng, về thu hút du lịch nội địa, cần đầu tư xây dựng những mô hình du lịch sáng tạo hay du lịch trải nghiệm, đầu tư biến mảng văn hóa xã hội thành động lực dẫn dắt nền kinh tế phát triển. Đồng thời, cần thay đổi cách nghĩ về thị trường nội địa, không chỉ cung cấp cho người dân trong nước mà cần cung cấp dịch vụ cho những người nước ngoài tại Việt Nam, thu hút trí tuệ thế giới về Việt Nam.

Để làm được điều này, cần tăng cường nội lực, khắc phục sự chênh lệch trong cung cấp dịch vụ công trực tuyến giữa các sở ban ngành, tránh hiện trạng "nơi cung cấp nhanh đến ngỡ ngàng, nơi thì chậm trễ đến ngỡ ngàng". Cần khảo sát chất lượng dịch vụ tại từng quận huyện, để nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công. Cùng đó, đại biểu đề nghị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của toàn TP, trong đó có một cách là thay đổi chính sách tính thuế thu nhập cá nhân, nhằm để người dân khôi phục năng lượng và nâng cao chất lượng làm việc. 

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Thị Hằng đánh giá, trong đại dịch Covid-19, mặc dù gặp nhiều thách thức, nhưng nông dân Thủ đô đã đoàn kết, chung tay phòng, chống dịch, nỗ lực phát triển sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm.

“Tuy nhiên, TP Hà Nội cần quan tâm chỉ đạo rà soát thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại 30 xã chưa đạt chuẩn nông thôn mới, quan tâm các giải pháp đầu tư xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp, tăng cường nguồn vốn đầu tư công xây dựng hạ tầng cho các xã chưa đạt chuẩn. Đồng thời, quan tâm xã hội hóa xây dựng nông thôn mới, rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp cho phù hợp” – đại biểu Dương Thị Hằng đề xuất.

Cần triển khai quy hoạch Thành phố mới

Đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ ĐB quận Hoàn Kiếm) cho rằng, 6 tháng đầu năm, TP đã mất một nửa thời gian để phòng, chống dịch bệnh. Trong tình hình dịch bệnh trên thế giới rất phức tạp, sức ép để thực hiện mục tiêu kép để đạt mục tiêu tăng trưởng gấp 1,3 lần cả nước là rất lớn. Vì thế, rất cần sự chỉ đạo điều hành tập trung, khắc phục các khó khăn, trong đó nhiệm vụ số 1 là phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhiệm vụ số 2 là trong trạng thái “Phát triển bình thường mới” cần phải phục hồi, đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội với quyết tâm cao nhất và rất cần phải thiết lập Ban Chỉ đạo TP hợp nhất phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế xã hội.

Theo đại biểu, cần triển khai Quy hoạch TP mới, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể Quốc gia, quy hoạch vùng mới theo Luật Quy hoạch. Theo đó, cần thiết phải tiếp tục triển khai cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để phủ kín quy hoạch cấp dưới theo thứ tự, tầng bậc; xác định các đồ án quy hoạch trọng tâm, cấp thiết thực hiện trong năm 2020, phục vụ yêu cầu quản lý của chính quyền các cấp và đầu tư phát triển...

 Đại biểu Dương Đức Tuấn (Tổ ĐB quận Hoàn Kiếm) 

Đồng thời, rà soát, lập điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo chỉ đạo của Thủ tướng và lưu ý việc đề xuất mở rộng ranh giới phát triển khu vực đô thị phù hợp, đảm bảo hiệu quả về đô thị hóa, hiệu quả về kinh tế đô thị và tái cấu trúc mô hình không gian đô thị trung tâm, phát triển cân bằng Nam sông Hồng, Nam sông Hồng, đặc biệt là trục trung tâm sông Hồng của đô thị trung tâm, hoàn chỉnh mô hình chùm đô thị gồm đô thị trung tâm và các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô.

'Việc điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô triển khai theo Luật Quy hoạch đô thị, Luật xây dựng sẽ tích hợp vào quy hoạch TP triển khai theo Luật Quy hoạch mới là hết sức quan trọng, phù hợp với pháp luật và định hình phát triển tổng thể không gian TP Thủ đô", đại biểu Dương Đức Tuấn phát biểu thảo luận.

Đề xuất các giải pháp phát triển du lịch nội địa 

Đại biểu Nguyễn Minh Chung (tổ ĐB huyện Thanh Oai) cho rằng, đại dịch Covid-19 cùng các chính sách bảo hộ nội địa của các quốc gia lớn đã làm nổi lên vấn đề bảo toàn, phát huy nội lực của các nước, nên du lịch nội địa cần được coi trọng.

TP đã có nhiều chương trình quảng bá du lịch Hà Nội, song cần phát triển mạnh hơn các chương trình để 6 tháng tới có thay đổi mạnh mẽ. Trong mùa thu tới có dịp 2/9, 10/10, Đại hội Đảng bộ TP, nên có thể thực hiện tour Hà Nội mùa thu; khai thác thế mạnh từ các sản vật, ẩm thực, làng nghề của TP… để kêu gọi đầu tư, nên cần có chính sách cụ thể.

Về chương trình kích cầu, cần có chương trình trọn gói 3 đêm, 5 đêm… gồm cả tour ăn, uống, ngủ, nghỉ…, nhất là mùa hè này cần khai thác những thế mạnh về văn hóa, của ngon vật lạ của Hà Nội. Cùng đó, việc quảng bá không chỉ trong TP mà liên kết quảng bá trên toàn quốc, có sự chỉ đạo để phối hợp có quảng bá trên báo, đài của các tỉnh, TP khác; mời các giám đốc Sở Du lịch các tỉnh về Hà Nội, để có chương trình các tỉnh quảng bá cho Hà Nội và Hà Nội quảng bá cho các tỉnh.

Trước mắt trong lúc này, TP đã có Nghị quyết 06 về phát triển du lịch, nhưng đến nay chưa có những ưu đãi cụ thể từ các bộ ban ngành, nên TP cần tập hợp kiến nghị từ các nhà đầu tư về các điểm du lịch, khu vui chơi giải trí… để có chính sách, kiến nghị cụ thể với Chính phủ, Quốc hội, như về vay vốn ưu đãi dành cho nhà đầu tư, các chi phí giảm trừ tác động trực tiếp đến kinh doanh khách sạn…

ĐB Nguyễn Hoàng (Tổ ĐB Phú Xuyên) đề xuất TP nghiên cứu quy hoạch lại tổng thể các ngành phát triển KTXH Thủ đô phù hợp với hậu Covid-19. Trong đó tập trung phát triển 5 đô thị vệ tinh, cơ sở hạ tầng, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí, hạ tầng giao thông tại... Đây là dư địa động lực cho TP phát triển KTXH trong thời gian tới.

Về cơ sở hạ tầng giao thông, cần được rà soát quy hoạch lại và đầu tư quyết liệt. Trong đó chú ý hệ thống giao thông kết nối các đô thị vệ tinh với nhau.

Về lĩnh vực công nghiệp, TP cần có giải pháp cụ thể hơn nữa, trên cơ sở đột phá hơn nữa, vượt qua những ràng buộc về thể chế quy định, luật pháp hiện nay. Trên cơ sở Luật Thủ đô đã có, thậm chí có thể đề xuất chỉnh sửa Luật Thủ đô phù hợp với thực tiễn.

Tập trung hỗ trợ các khu công nghiệp chuyên sâu của TP, nhất là công tác quy hoạch và quy hoạch lại. Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị HĐND TP ra Nghị quyết riêng về môi trường, trong đó có những giải pháp cụ thể để cải thiện môi trường Thủ đô, góp phần hạn chế thiệt hại, góp phần phát triển KTXH của TP.

Ưu tiên cho quy hoạch phân khu sông Hồng

Phát biểu thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 bùng phát đầu năm 2020 tại Vũ Hán, quét qua châu Á, châu Âu và nay tâm dịch đang ở nước Mỹ và các nước Mỹ la tinh.

Việt Nam là một trong những nước chiến thắng đại dịch Covid bằng ý chí, trí tuệ, bản lĩnh tình đoàn kết của con người Việt Nam. Qua đại dịch chúng ta càng thấy của ý Đảng lòng dân trên dưới một lòng, tính hiệu lực hiệu quả của chính quyền, sự nhân văn của một chế độ luôn vì dân, vì cuộc sống của người dân.

Đại dịch cũng đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến quản điều hành quốc gia, vấn đề môi trường, giao thông, giáo dục, vai trò của CNTT…

 Quang cảnh Kỳ họp

Trong đó, cần tạo môi trường thông thoáng, thực hiện các chính sách cụ thể để hỗ trợ khuyến khích sản xuất kinh doanh và xuất khẩu. Quan tâm hơn nữa đến phát trển các ngành sản xuất và dịch vụ có giá trị gia tăng, lợi nhuận cao như: CNTT, dược phẩm,…

Hai là, cùng với tích cực thu hút đầu tư là phải quyết tâm, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, thủ tục đầu tư…

Cần thiết có quy định, quy trình cụ thể trong mối quan hệ làm việc giữa cấp quận huyện với sở ngành; giữa các sở ngành với nhau; giữa sở ngành với VP UBND TP bằng việc quy định cụ thể về quy trình, thời gian để chấm dút tình trạng kéo dài gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đại biểu đề nghị Thành phố quan tâm đầu tư nguồn lực cho công tác quy hoạch của TP nhất là các quy hoạch lớn, quan trọng như quy hoạch phân khu sông Hồng. “Cần phải có một quyết tâm chính trị lớn và ưu tiên cho quy hoạch này để giải quyết các vướng mắc, nhất là các vướng mắc về các văn bản pháp luật của bộ, ngành, Trung ương để đáp ứng nong mỏi của cử tri và nhân dân Thủ đô cũng như nhân dân cả nước”, đại biểu đề nghị.

Quan tâm đến chính trang xây dựng các tuyến phố nội thành, bao gồm chính trang công trình, kiến trúc, chỉnh trang cây xanh, hè đường, cống thoát nước, hạ ngầm… cùng với việc triển khai thực hiện thiết kế chỉnh trang chi tiết các tuyến phố để nâng tính thẩm mỹ, mỹ quan đô thị cho Hà Nội.

 Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) 

Cùng với thực hiện tốt thu gom rác, xử lý rác là vấn đề kiểm soát khói bụi từ đốt rơm rạ, than tổ ong và đặc biệt là khí thải từ ô tô, xe máy. TP cần có kế hoạch sớm để thực hiện nội dung này. Về mặt pháp lý, nếu Luật Giao thông đường bộ chưa có quy định thì TP cần ban hành một nghị quyết riêng quy định về kiểm soát khí thải ô tô, xe máy. “Qua dịch Covid-19, trong những ngày cách ly cũng là thời điểm Hà Nội có không khí trong lành nhất, từ đó, có thể thấy rất rõ khí thải từ xe máy, than tổ ong, đốt rơm rạ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường”, đại biểu bày tỏ.

Đại biểu cũng đề nghị, tiếp tục tuyên truyền về ý thức an toàn giao thông cho người dân cùng với việc hoàn thiện hạ tầng lòng đường, vỉa hè; đầu tư đủ để làn đường, biển bảng chỉ dẫn rõ ràng, thuận tiện cho người dân khi tham gia giao thông. Tập trung giải quyết, khơi thông các điểm nghẽn giao thông…

Thành phố cũng cần quan tâm hơn nữa đến các doanh nghiệp công ích, lực lượng những người lao động vì thành phố sáng- xanh- sạch- đẹp của TP. Cùng với việc ban hành các cơ chế chính sách đầy đủ, kịp thời như ban hành định mức, giao kế hoạch tài chính kịp thời để đảm bảo kinh phí cho sản xuất.

 ĐB Đỗ Mạnh Hải (Tổ ĐB quận Long Biên)

ĐB Đỗ Mạnh Hải (Tổ ĐB quận Long Biên) cho rằng việc triển khai các dự án đầu tư là một trong những lĩnh vực tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng kinh tế xã hội. Tuy nhiên, TP vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai. Cách đây 2 năm, HĐND TP cũng đã có những giám sát về các dự án này.

Tuy nhiên, sau 2 năm vẫn chưa có dự án nào triển khai được vì vẫn đang thanh tra, kiểm tra; vì vậy, bao giờ các dự án này triển khai được cũng cần có đầu tư thời gian và có những giải pháp tích cực để quy hoạch năng lực chủ đầu tư, để dứt khoát đẩy nhóm này lên. “Nếu chỉ cần 50% dự án chậm triển khai được khởi công là đã tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng KTXH TP” – ĐB Đỗ Mạnh Hải nói.

Ngoài ra, TP còn có những dự án đang triển khai nhưng chậm tiến độ, thường có 3 nhóm nguyên nhân: GPBM, nguồn vốn, năng lực của chủ đầu tư và nhà thầu. ĐB Hải đề nghị TP tiếp tục nghiên cứu có cơ chế chính sách GPMB linh hoạt hơn nữa, nhất là về chính sách tái định cư.

Đối với các dự án triển khai mới, TP cần rút bài học kinh nghiệm từ các dự án chậm triển khai và các dự án triển khai chậm. Khi và chỉ khi TP kiểm soát được năng lực của chủ đầu tư, chuẩn bị dự án một cách bài bản, chắc tay thì mới khởi công. Khi đã khởi công thì phải ấn định ngày hoàn thành, như vậy sẽ khẳng định được hiệu quả đầu tư, tránh tình trạng cứ khởi công, động thổ nhưng không biết bao giờ hoàn thành. “Các dự án chỉ có giá trị khi là sản phẩm hoàn chỉnh, góp phần tích cực đến tăng trưởng kinh tế” – ĐB Hải nói.

 Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu Thạch Thất)

Đại biểu Nguyễn Hoài Nam (tổ đại biểu Thạch Thất) cho rằng, từ bài học qua thời gian phòng chống Covid-19 cho thấy, tới đây TP cần đẩy mạnh tuyên truyền vận động để người dân tự giác đồng thuận thì mọi việc sẽ thành công. Nhất là trong việc thu hồi GPMB đất đai, câu chuyện công khai minh bạch trong thực hiện các cơ chế chính sách quan trọng hơn việc phải tổ chức cưỡng chế, để người dân đồng thuận.

Nếu công tác tuyên truyền không tốt, chính quyền cơ sở làm không minh bạch, vận động Nhân dân để hiểu, tự giác thì không thể thành công. Trong đó, cơ chế chính sách hỗ trợ cho cán bộ cơ sở được người dân rất mong chờ được TP quyết định trong Kỳ họp này, tin chắc Nghị quyết sẽ đi vào cuộc sống.

Mức tăng trưởng đạt khá so với mức chung của cả nước

Trước đó, tại phiên khai mạc Kỳ họp, trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH; thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2020 của TP Hà Nội tại Kỳ họp, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản cho biết: TP đã quán triệt thực hiện nghiêm Lời kêu gọi của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành. Huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị và xã hội trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của TP, thường xuyên cập nhật, nắm chắc tình hình, diễn biễn dịch bệnh và chỉ đạo biện pháp, giải pháp xử lý ngay khi phát sinh.

Với nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhất là hệ thống y tế, với tinh thần nghiêm túc, quyết liệt, có nhiều biện pháp đồng bộ, sáng tạo nên toàn TP chỉ có 74 ca nhiễm trong cộng đồng, 47 ca lây nhiễm được phát hiện và cách ly tại sân bay; 114/121 ca nhiễm đã khỏi bệnh, không có người tử vong. Hơn 2 tháng qua, TP không có ca nhiễm ngoài cộng đồng. Dịch Covid-19 đã được khống chế và thiết lập “trạng thái bình thường mới”, an sinh xã hội được đảm bảo; KTXH của TP đạt được những kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước đẩy mạnh phục hồi và duy trì tăng trưởng trong thời gian còn lại năm 2020.

Tổng thu NSNN trên địa bàn TP 6 tháng đầu năm ước thực hiện 142.013 tỷ đồng, đạt 50,9% dự toán, tăng 9,9% so với cùng kỳ. Chi ngân sách địa phương 6 tháng ước 34.213 tỷ đồng, đạt 33,2% dự toán, tăng 21,5%; trong đó chi thường xuyên ước 19.374 tỷ đồng, đạt 40% dự toán, tăng 1,2% so với cùng kỳ. Toàn TP giải ngân vốn đầu tư công ước 14.826 tỷ đồng, đạt 33% kế hoạch, tăng 64,4% so với cùng kỳ; trong đó chi xây dựng cơ bản tập trung cấp TP ước 5.034 tỷ đồng, đạt 30,3% kế hoạch vốn giao.

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, các chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, giao thương ngưng trệ; Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 6,75 tỷ USD, giảm 6,7%. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 13,71 tỷ USD, giảm 9,2%.

Đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh tới tất cả các ngành, lĩnh vực, các chỉ tiêu giảm mạnh. Trong bối cảnh đó, TP đã thực hiện “mục tiêu kép”: vừa phòng chống dịch, vừa duy trì và phát triển KTXH.

Lãnh đạo TP đã tích cực làm việc với các Bộ, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách. Đồng thời, chỉ đạo sâu sát các Sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã các giải pháp khắc phục khó khăn, phục hồi tăng trưởng với quyết tâm là địa phương tiên phong, đi đầu trong hồi phục và phát triển kinh tế sau dịch bệnh. Sau khi giảm sâu nhất vào tháng 4, từ tháng 5,6 hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với tháng trước; sản xuất, kinh doanh từng bước phục hồi.

Tổng sản phẩm trên địa bàn 6 tháng đầu năm tăng 3,39% - mức tăng khá cao so với các tỉnh, TP và mức chung của cả nước.

Cụ thể các nhóm ngành như sau: Nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 1,61%; Công nghiệp – xây dựng tăng 5,94%; Dịch vụ tăng 2,59%; Thuế sản phẩm trừ nợ cấp tăng 3,91%.

Các giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp được tích cực triển khai. Chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp; hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai 19 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập; tiếp tục thành lập mới 23 cụm công nghiệp;…Chỉ số sản xuất công nghiệp 6 tháng đầu năm ước tăng 3,5%.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán ra và doanh thu dịch vụ 6 tháng đầu năm đạt 1.408 nghìn tỷ đồng, tăng 6,6%.
  Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản báo cáo tại Kỳ họp

Du lịch chịu tác động mạnh bởi dịch Covid-19. Khách du lịch ước đạt 4,93 triệu lượt, giảm 65,4%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt 18,95 nghìn tỷ đồng, giảm 61,5%. Công suất sử dụng phòng khách sạn bình quân đạt 31,74%, giảm 38,35 điểm % so với cùng kỳ.

Vụ lúa xuân năm nay toàn TP gieo trồng được 86,9 nghìn hecta, giảm 4,1% cùng kỳ. Chăn nuôi trâu, bò ổn định, không có dịch bệnh lớn xảy ra. Lâm nghiệp và thủy sản cơ bản thuận lợi. Triển khai xây dựng các phương án phòng chống thiên tai, phòng chống úng ngập khu vực ngoại thành, phương án đảm bảo an toàn cho các công trình trọng điểm mùa mưa năm 2020.

Đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng tăng gấp 1,3 lần cả nước

Căn cứ dự báo tình hình quốc tế, kịch bản tăng trưởng của cả nước, TP dự báo và xây dựng các kịch bản tăng trưởng 6 tháng cuối năm 2020 như sau:

Kịch bản 1: Tăng trưởng Quý III đạt 7,8%, Quý IV đạt 8,4%, tính chung 6 tháng tăng 8,14% và dự báo cả năm đạt 5,9% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 4,4-5,2%). Kịch bản 2: Tăng trưởng Quý III đạt 6,9%, Quý IV đạt 7,4%, tính chung 6 tháng tăng 7,16% và dự báo cả năm đạt 5,4% (tăng gấp 1,3 lần kịch bản tăng trưởng cả nước từ 3,6-4,4%).

Thành công của cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng trong việc khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19 và nhanh chóng thiết lập “trạng thái bình thường mới” đã tạo niềm tin rất lớn trong Nhân dân Thủ đô, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, đồng thời nâng cao vị thế trên trường quốc tế.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Doãn Toản, trong 6 tháng cuối năm 2020, cùng với làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, TP triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm phục phồi phát triển KTXH, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng thời cơ, chuyển hướng và tổ chức lại các hoạt động kinh tế; tận dụng cơ hội chuyển hướng đầu tư, sản xuất kinh doanh của các tập đoàn kinh tế để đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; đa dạng hóa sản phẩm gắn với nâng cao sức cạnh tranh, phát triển thị trường, thúc đẩy hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi giá trị thị trường trong nước và nước ngoài.