Hé lộ mô hình “đô thị không rác thải” của San Francisco và Singapore

Khánh Huyền
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những mô hình xử lý rác nhằm hướng đến nền kinh tế bền vững và thành phố không chất thải của Singapore và San Francisco.

Sự gia tăng dân số đô thị và thay đổi hành vi tiêu dùng đã khiến vấn đề xử lý rác thải tại các TP ngày càng nghiêm trọng. Khi các phương pháp thu gom, chôn lấp không còn phù hợp, một số quốc gia đang chuyển sang áp dụng chiến lược “Đô thị không rác thải” để quản lý chất thải hiệu quả và hướng tới nền kinh tế tuần hoàn bền vững.

Thay vì chỉ tập trung vào việc xử lý rác, “Đô thị không rác thải” hướng đến việc thay đổi quan niệm về rác: rác không phải là thứ bỏ đi mà là nguồn tài nguyên có thể tái sử dụng. Chiến lược này hướng tới một hệ thống tuần hoàn, nơi mọi thứ đều được tái chế và tận dụng tối đa. Theo đó, chúng ta cần thay đổi quy trình sản xuất sản phẩm tiêu dùng và thiết kế lại cơ sở hạ tầng đô thị.

Singapore: Hệ thống thu gom chất thải bằng khí nén

Hiện nay một số khu dân cư tại quốc đảo sư tử đã triển khai hệ thống thu gom chất thải bằng khí nén (PWCS). Mô hình này sử dụng các đường ống ngầm với lực hút chân không để gom rác từ các tòa nhà đến một điểm tập trung. Từ đó, giảm số xe tải chở rác, giảm tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm không khí và tăng tính thẩm mỹ cho đô thị.

Hiện nay một số khu dân cư tại quốc đảo sư tử đã triển khai hệ thống thu gom chất thải bằng khí nén (PWCS). Ảnh: Shutterstock
Hiện nay một số khu dân cư tại quốc đảo sư tử đã triển khai hệ thống thu gom chất thải bằng khí nén (PWCS). Ảnh: Shutterstock

Tại Yuhua, một trong những khu dân cư đầu tiên được áp dụng hệ thống PWCS, người dân chỉ cần bỏ rác vào các ống thu gom chung. Sau đó, các ống ngầm sẽ tự động hút rác và đưa đến một trạm thu để phân loại trước khi được tái chế hoặc xử lý.

Cách thu gom này không chỉ đơn giản và tiện lợi mà còn góp phần nâng cao ý thức của người dân về giảm lượng rác thải, bởi họ hiểu rõ quá trình rác được thu gom và xử lý

San Francisco: Thay đổi thiết kế cơ sở hạ tầng

Với mục tiêu trở thành TP “không chất thải, không bãi chôn lấp, không lò đốt” vào năm 2030, San Francisco đang tích cực triển khai các giải pháp thiết kế đô thị để tối ưu hoá không gian cho việc phân loại và tái chế chất thải.

San Francisco yêu cầu tất cả các tòa nhà mới phải có khu vực riêng để phân rác thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác thải. Ảnh: Shutterstock
San Francisco yêu cầu tất cả các tòa nhà mới phải có khu vực riêng để phân rác thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác thải. Ảnh: Shutterstock

San Francisco yêu cầu tất cả các tòa nhà mới phải có khu vực riêng để phân rác thành 3 loại: rác tái chế, rác hữu cơ và rác thải. Ngoài ra, các thùng rác thông minh sử dụng năng lượng mặt trời cũng được lắp đặt ở những nơi công cộng để thu gom rác thải hiệu quả hơn. Nhờ những giải pháp này, việc phân loại rác trở nên thuận tiện hơn cho người dân, đồng thời giúp giảm thiểu số lượng chuyến xe thu gom và tối ưu hóa tuyến đường thu gom rác.

San Francisco cũng rất chú trọng đến việc giáo dục và tuyên truyền để người dân hiểu rõ và thực hiện việc phân loại rác. TP này đã áp dụng hệ thống thùng rác ba màu (xanh dương cho rác tái chế, xanh lá cho rác hữu cơ và đen cho rác thải) nhằm đơn giản hóa quá trình phân loại, tạo thói quen cho người dân và đảm bảo sự thống nhất trên toàn TP.

Xây dựng “đô thị không rác thải”

Để xây dựng một TP không rác thải, việc thiết kế thông minh ngay từ đầu là vô cùng quan trọng. Các tòa nhà cần được thiết kế với không gian đủ để phân loại rác hiệu quả. Hệ thống thu gom rác cũng cần được đầu tư hiện đại, như hệ thống ống khí nén hoặc thùng rác tự động. Đồng thời, quy hoạch đô thị cần tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu gom và xử lý rác thải, đồng thời khuyến khích người dân tích cực tham gia phân loại.

Trong quá trình đó, công nghệ đóng vai trò quan trọng trong việc quản lý rác thải hiệu quả. Ví dụ, các ứng dụng thông minh giúp tối ưu hóa tuyến đường thu gom, tiết kiệm thời gian và nhiên liệu. Bên cạnh đó, việc sử dụng biển báo và các chiến dịch truyền thông sinh động sẽ giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của việc phân loại rác. Để giảm thiểu lượng rác thải ngay từ đầu, chính quyền có thể lắp đặt thêm các vòi nước công cộng trong TP, và khuyến khích người dân mang theo bình nước tái sử dụng.

Để thúc đẩy việc phân loại rác thải, chính phủ có thể cân nhắc áp dụng quy định về phí đối với rác thải không thể tái chế. Điều này sẽ khuyến khích người dân phân loại rác một cách nghiêm túc và cẩn thận hơn. Đồng thời, trong quá trình quy hoạch và xây dựng các công trình, cần tích hợp các giải pháp quản lý và xử lý chất thải ngay từ giai đoạn thiết kế. Các doanh nghiệp sản xuất cũng cần có trách nhiệm hơn trong việc thiết kế sản phẩm, ưu tiên sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường và có kế hoạch thu hồi, tái chế sản phẩm khi hết vòng đời.

Để xây dựng “Đô thị không rác thải”, sự hợp tác giữa chính phủ, doanh nghiệp và người dân là vô cùng quan trọng. Nhà nước cần tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi để khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn và giảm thiểu rác thải. Song song đó, công tác tuyên truyền và giáo dục cộng đồng về phân loại rác và các hành vi tiêu dùng bền vững cần được đẩy mạnh. Chỉ khi cả xã hội cùng chung tay, chúng ta mới có thể biến TP của mình trở thành một đô thị xanh, sạch đẹp và bền vững, giống như Singapore hay San Francisco.