Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hé lộ những dự án chống ngập khổng lồ của Thủ đô Đan Mạch

Tùng Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Copenhagen đang xây dựng cơ sở hạ tầng khổng lồ trên và dưới lòng đất nhằm ngăn chặn tình trạng ngập nước khi mưa lớn xảy ra.

Kể từ khi trận lũ lụt khủng khiếp nhấn chìm đường phố Copenhagen trong biển nước vào tháng 7/2011, gây thiệt hại lên đến một tỷ euro, thủ đô Đan Mạch đã tăng cường đầu tư vào hệ thống chứa nước cũng như nâng cao khả năng chống chịu trước những thảm họa tự nhiên khủng khiếp khác.

 “Chúng tôi nhận ra Copenhagen sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi biến đổi khí hậu và đã phân tích các tác động. Có vẻ như nhiều trận mưa lớn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến thành phố trong tương lai” - Jan Rasmussen, Giám đốc Dự án Kế hoạch thích ứng với khí hậu của TP Copenhagen cho biết.

Trước những nguy cơ tiềm tàng, TP đã triển khai kế hoạch nhằm hạn chế ngập lụt khi phải đối mặt với các trận mưa khủng khiếp, với lượng mưa trên 15 mm/30 phút. Kế hoạch này bao gồm một loạt các giải pháp khác nhau, với các công trình và hệ thống được xây dựng trên và dưới mặt đất.

Công viên Enghave được cải tạo thành hồ chứa nước lớn. Ảnh: Euro News
Công viên Enghave được cải tạo thành hồ chứa nước lớn. Ảnh: Euro News

Để tăng khả năng chứa nước, TP đã xây dựng một số đường hầm phía bên dưới. Một đường hầm dài 1,3 km nối các hồ nội địa của Copenhagen với khu vực bến cảng đang được xây dựng. Đường hầm này dự kiến ​​sẽ mở cửa vào năm 2026.

“Khi mưa lớn đổ xuống thành phố, những đường hầm này đóng vai trò như những hồ chứa chống ngập" - Ditte Reinholdt Jensen, một chuyên gia về thích ứng với khí hậu tại HOFOR, công ty phụ trách dự án khổng lồ này, giải thích.

Đường hầm này ước tính trị giá lên đến 43 triệu euro. Theo HOFOR, một đường hầm khác được xây dựng ở quận Valby đã ngăn chặn tình trạng ngập lụt khi mưa lớn xảy ra vào đầu tháng 8/2024.

Bên cạnh đó, các công trình trên mặt đất cũng đang được triển khai, chẳng hạn như xây dựng luống thoát nước mưa ở khu dân cư hay nhựa đường thấm nước tốt cũng đã được thử nghiệm nhằm hạn chế nước đọng lại trên bề mặt.

Một số công viên đã được cải tạo để ứng phó với thời tiết giông bão. Công viên Enghave lâu đời, được xây dựng cách đây gần một thế kỷ, đã được thiết kế thành một hồ chứa nước 22.600 m3, tương đương với tám hồ bơi kích thước Olympic.

Dự án được triển khai sau khi các nhà khoa học hoàn thành những nghiên cứu đánh giá dòng chảy qua các quận khác nhau của TP. Công viên nằm ở hạ lưu của quận Carlsberg, trên một ngọn đồi có thể chứa 3.000m3 nước. Khi mưa lớn xảy ra, nước sẽ tràn vào công viên này.

 “Đầu tiên, nước chảy xuống sân bóng đá, sau đó sẽ bắt đầu chảy xuống hồ. Và cuối cùng chảy xuống vườn hoa hồng. Nếu chúng ta cần tích trữ thêm nước, các cổng của công viên sẽ đóng lại và toàn bộ công viên sẽ ngập nước", Jan Rasmussen giải thích.

Những người khởi xướng dự án cho biết: “Với hồ nước lịch sử, sân bóng đá và các khu vườn, nơi này trông không giống cơ sở hạ tầng chống lũ lụt thông thường. Khi nói chuyện với các kiến ​​trúc sư, chúng tôi mong muốn đây vẫn sẽ là biểu tượng của TP. Bất chấp những hoài nghi, chúng tôi đã làm được ".   

Nước được lưu trữ bên dưới Enghavepark có thể được sử dụng để cung cấp năng lượng cho một máy bơm do các nhân viên vệ sinh đường phố sử dụng.

Thủ đô Đan Mạch đang hợp tác, trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các TP về thích ứng với khí hậu.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực để ứng phó với những trận mưa lớn trong tương lai” - Ditte Reinholdt Jensen của HOFOR cho biết.   

Theo Cơ quan Môi trường Châu Âu (EEA), các thành phố cần phải tăng cường hành động để ngăn chặn các rủi ro về khí hậu.

“Các dự án ngày nay vẫn thiếu tính liên kết và hiệu quả. Chúng ta phải khắc phục điều này. Đây là một thách thức lớn đối với các TP và cần thời gian dài để thực hiện" - theo Wouter Vanneuville, một chuyên gia về thích ứng với biến đổi khí hậu tại EEA.