Câu chuyện lịch sử của những con người giải mã dịch tối hậu thư trong cuộc chiến tranh chống Mỹ đã được khai phá từ chính căn hầm và những nhân chứng kể lại tại cuộc gặp sáng 8/11.
Nhiều giá trị lịch sửCuộc gặp của những con người đã từng sống và làm việc dưới căn hầm bí mật sau 44 năm diễn ra trong tâm trạng mừng rơi nước mắt. Phần lớn, họ đã ở cái tuổi ngoài 80, nhưng ai cũng kể vanh vách từng lối vào, lối ra và các phòng chức năng của căn hầm. Theo ông Đặng Phan Thái - một trong những kiến trúc sư thiết kế hầm phục vụ nhiệm vụ chính trị trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở di tích Hoàng thành Thăng Long, ngoài hầm chỉ huy tác chiến T1 và hầm D67 của Bộ Tổng tham mưu, còn có một hệ thống hầm 59, 66A, C52, hầm trú ẩn cá nhân và hầm chữ A. Tuy nhiên, đến nay, mới chỉ có hầm chỉ huy tác chiến T1 và hầm D67 được tìm thấy, phục dựng. Hầm 59 và 66A mới được phát hiện chính là vị trí làm việc của cán bộ cơ yếu (phòng Mã dịch) trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ cứu nước, đặc biệt là 12 ngày đêm của chiến dịch Điện Biên Phủ trên không năm 1972.
|
Các nhân chứng lịch sử thăm lại hầm bí mật của cán bộ cơ yếu (phòng Mã dịch) năm xưa. Ảnh: Linh Anh |
Rất nhiều những bức điện tuyệt mật của Ban Bí thư T.Ư Đảng và Quân ủy T.Ư thông báo về tình hình sức khỏe của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 8/1969), hay xác định tọa độ ném bom của B52 xuống Hà Nội, nội dung cơ mật về việc chính quyền Việt Nam Cộng hòa đã đầu hàng… đều được giải mã tại chính căn hầm này. Đặc biệt, các bức điện do Đại tướng Võ Nguyên Giáp phát lệnh ra chiến trường cũng được các cán bộ cơ yếu mã dịch chuyển đi.
Theo đánh giá của trung tá Bùi Thị Nghiên, 2 căn hầm 59 và D66 là những chứng tích quan chứng kiến, giải mã những quyết sách quan trọng của Bộ Tổng tham mưu trong thời kỳ Mỹ ném bom phá hoại miền Bắc. Tuy nhiên, sau những biến chuyển của lịch sử, 2 căn hầm bị lãng quên, ngập nước và xuống cấp.
Tiến tới mở cửa đón kháchCuộc gặp mặt hơn 30 nhân chứng lịch sử hầm 59 và hầm 66A là một bước tiến nhằm đi đến việc khôi phục lại căn hầm như ban đầu để biến nơi đây thành bảo tàng gắn kết với các di tích cách mạng kháng chiến trong khu vực di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội. Bởi theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, hầm luôn chứa đựng nhiều thông tin di sản, là nơi hấp dẫn du khách.
"Hầm rộng vài mét vuông nhưng là nơi dịch mã cơ yếu 24/24 giờ của 15 - 16 con người. Chiếc ván nhỏ được kê vừa là nơi làm việc nhưng cũng vừa là chỗ tranh thủ ngủ chợp mắt 5 - 10 phút của mỗi ca trực từ 6 giờ sáng hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau." - Thiếu tướng Nguyễn Văn Khôi – nguyên cán bộ Cục Cơ yếu (Bộ Tổng tham mưu) |
Song vấn đề đặt ra là hiện nay sau một thời gian bị lãng quên, 2 căn hầm đã xuống cấp nghiêm trọng. Hệ thống cửa chống đạn thường, chống hóa học và chống nguyên tử đã hoen gỉ, rơi rụng. Theo TS Trần Việt Anh – Giám đốc Trung tâm di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội: Khi mới phát hiện, nước ngập cao và còn là nơi trú ngụ của rắn. Các hiện vật liên quan đến công việc của phòng Mã dịch đã không còn. Phục dựng lại không gian căn hầm, tìm kiếm bổ sung hiện vật cùng thời kỳ là vấn đề đang đặt ra với Trung tâm.
PGS.TS Trần Đức Cường – Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cho rằng, phải bảo tồn phục dựng lại căn hầm để thấy rõ vai trò, vị trí của di sản trong lịch sử của thời đại Hồ Chí Minh. Về lâu dài, Trung tâm Di sản Hoàng thành Thăng Long phải xây dựng được sơ đồ các công trình từ thời kỳ năm 1955 về sau. Đặc biệt đưa vào danh mục xác minh hệ thống hầm. TS Trần Việt Anh chia sẻ thêm, cuộc gặp gỡ sáng 8/11 là bước đầu để thu thập thông tin sau đó sẽ tiến hành thiết kế, diễn giải, thu thập hiện vật để trưng bày, giới thiệu giá trị của căn hầm đến công chúng.