Điều đáng nói, hầu hết các nhà máy đều nằm trong quy hoạch phát triển ngành xi măng và đã được hưởng nhiều ưu đãi. Sự phản biện rõ nét nhất về khẳng định "quy hoạch xi măng là chuẩn xác" của lãnh đạo Bộ Xây dựng là sự thua lỗ và nợ nần chồng chất của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Không biết lấy đâu tiền để trả nợ
Để làm rõ nguyên nhân dẫn đến tình trạng bi đát của ngành xi măng, Bộ Xây dựng đã kiểm tra, rà soát và đi đến kết luận với từng dự án cụ thể. Chẳng hạn, Nhà máy xi măng Đồng Bành thua lỗ là do các cổ đông không đóng góp đủ vốn điều lệ, thiếu vốn hoạt động, lại tổ chức sản xuất không tốt. Xi măng Hạ Long do bị kéo dài thời gian đầu tư, bị tăng tổng mức đầu tư và do trượt giá nên dù sản xuất tốt, hàng tiêu thụ hết nhưng vẫn thiếu hụt dòng tiền… Bộ Tài chính đã phải đứng ra "gánh" không ít khoản nợ cho các nhà máy xi măng. Điều đáng nói là hiện tại không nhìn thấy khả năng hoàn trả các khoản nợ đã được trả thay đó.
Thị trường bất động sản trầm lắng là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến thua lỗ và nợ nần.Ảnh: Anh Tuấn
Nhà máy Xi măng Đồng Bành có cổ đông chi phối là Tổng Công ty COMA với vốn góp 88,23%. Dự án có công suất 2.500 tấn clinker/ngày, tương đương 910.000 tấn xi măng/năm với tổng mức đầu tư 1.505 tỷ đồng. Nhà máy đã dừng hoạt động từ quý I/2012 với khoản lỗ gần 197 tỷ đồng. Trong khi đó, khoản vốn vay mà Xi măng Đồng Bành phải trả cả gốc lẫn lãi trong 5 năm tới là trên 600 tỷ đồng. Bộ Tài chính đã phải đứng ra trả 3,5 triệu USD cho Ngân hàng ANZ thay cho Xi măng Đồng Bành. Với việc ngừng sản xuất, trong thời gian tới Xi măng Đồng Bành không biết lấy đâu tiền để trả các khoản nợ. Đối với Xi măng Hạ Long, hết quý I/2012, nhà máy đã vay vốn để trả hơn 2.000 tỷ đồng.
Hiện tại, doanh nghiệp này lại tiếp tục đối mặt với số nợ phải trả trong giai đoạn 2012 - 2015 là 1.200 tỷ đồng. Nhà máy Xi măng Thái Nguyên do Tổng Công ty Vinaincon đầu tư với công suất 1,5 triệu tấn/năm, tổng vốn đầu tư 2.775 tỷ đồng. Dự án được Chính phủ cho phép thực hiện với nhiều cơ chế hỗ trợ như cho vay lãi suất ưu đãi, bảo lãnh vay vốn nước ngoài. Sau hơn 1 năm hoạt động, Xi măng Thái Nguyên đã lỗ 77 tỷ đồng và chưa đạt 60% công suất. Với công suất này, giá thành sản xuất không thể chịu nổi được khấu hao và lãi vay. Theo Bộ Tài chính, Xi măng Thái Nguyên hiện không có nguồn trả nợ. Tháng 7/2011, với tư cách là người bảo lãnh, Bộ Tài chính đã trả nợ vốn vay đầu tư đến hạn của Vinaincon tại Ngân hàng BNP Paribas, với số tiền 4,2 triệu euro.
Tìm lối ra
Kết cục của ngành xi măng như hiện nay là hệ lụy của việc các tổng công ty, tập đoàn Nhà nước đầu tư dàn trải vào các lĩnh vực "tay trái". Nguồn vốn có hạn nhưng lại đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh doanh, khiến cho tỷ lệ vay nợ cao. Việc huy động vốn vay quá lớn, nhiều dự án không đảm bảo được tối thiểu 20% vốn chủ sở hữu như quy định, khiến các nhà máy xi măng rơi vào cảnh nợ nần. Nguồn nhân lực thiếu hụt, nhân sự quản lý không có đủ thời gian và kinh nghiệm. Bên cạnh đó, các yếu tố chi phí tài chính, chi phí nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất xi măng tăng cao đã làm các doanh nghiệp sản xuất xi măng kinh doanh không hiệu quả.
Để tìm lối ra cho các doanh nghiệp xi măng trong bối cảnh thị trường bất động sản còn đìu hiu, Bộ Xây dựng đã đề xuất Ủy ban Kinh tế của Quốc hội bổ sung các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có xi măng, vào nhóm được hưởng hỗ trợ theo Nghị quyết 13 và được khoanh nợ, giãn nợ và được hỗ trợ thu xếp nguồn ngoại tệ để trả nợ các khoản vay ngoại tệ. Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam cho rằng, cần có sự chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng bằng bê tông xi măng, vừa kích cầu tiêu thụ xi măng, vừa giảm nhập khẩu nhựa đường, lại bảo đảm công trình bền vững. TS Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam kiến nghị, Bộ Xây dựng nên chỉ đạo một số tổng công ty xây dựng đi đầu làm một số đường bê tông xi măng. Đồng thời giao cho Hội tổ chức họp bàn với 8 doanh nghiệp đang xuất khẩu xi măng để có chiến lược hợp tác, tổ chức xuất khẩu hiệu quả, tránh cạnh tranh không lành mạnh; Mặt khác, cần tìm hiểu, khai thác một số thị trường lớn, có nhu cầu nhập khẩu nhiều như các nước châu Phi, Trung Đông…