Hệ lụy gây quan ngại

Nguyên Sa
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyện khinh khí cầu bay lạc quỹ đạo hoặc được sử dụng vào mục đích hoạt động do thám, tình báo hay phát hiện vật thể bay không người lái ở không phận của Canada, Mỹ, Rumani và Moldova hiện đang khuấy động quan ngại trên thế giới về một vấn đề chính trị an ninh mới.

Trục vớt mảnh vỡ khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Hải quân Mỹ
Trục vớt mảnh vỡ khinh khí cầu Trung Quốc ngoài khơi Nam Carolina. Ảnh: Hải quân Mỹ

Trung Quốc đã phản pháo việc Mỹ bắn hạ chiếc khinh khí cầu của Trung Quốc và úp mở của Mỹ cáo buộc Trung Quốc dùng khinh khí cầu tiến hành hoạt động do thám, tình báo ở Mỹ bằng tiết lộ Mỹ đã 10 lần cho khinh khí cầu bay vào không phận Trung Quốc để tiến hành hoạt động do thám, tình báo.

Những vật thể bay không người lái khác bị Mỹ và Canada bắn hạ cũng như được phát hiện thấy trên không phận của Moldova và Rumani hiện vẫn chưa được xác minh về chủng loại, xuất xứ, chủ sở hữu và sứ mệnh hoạt động của chúng. Điều này làm cho vụ việc càng thêm nhạy cảm về chính trị, an ninh và quan hệ quốc tế.

Hệ lụy của toàn bộ chuyện này có thể rất tai hại đối với thế giới. Nếu khinh khí cầu hay vật thể bay không người lái đã và đang được ai đó sử dụng để hoạt động do thám, tình báo ở đâu đó thì hệ lụy trực tiếp không chỉ có làm gia tăng mức độ nghi ngại và phòng ngừa lẫn nhau, bào mòn sự tin cậy lẫn nhau mà thậm chí còn có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng và đối địch lẫn nhau, tiềm ẩn rủi ro mất sự kiểm soát diễn biến tình hình mà phản ứng quá vội vàng, thiếu kiềm chế và quá mức cần thiết.

Nếu không phải chuyện hoạt động do thám, tình báo mà là chuyện khinh khí cầu hay vật thể bay không người lái bay lạc lối ngoài tầm kiểm soát của bên này hay bên kia thì vấn đề đặt ra là cần phải xem xét lại, tổ chức lại để đảm bảo an ninh cho hàng không dân dụng và an toàn cho người dân ở trên mặt đất.

Cho nên, chuyện khinh khí cầu và vật thể bay hiện tại phơi bày nhiều bất cập tồn tại trong phòng không, kiểm soát không phận và không gian ở quốc gia, xử lý khủng hoảng trong quan hệ giữa các quốc gia. Quan ngại sâu sắc về hệ lụy tai hại mà nó có thể đưa lại không phải không có cơ sở xác đáng.